Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 1.249
TẬP HUẤN, TRÌNH DIỄN VỀ XỬ LÝ VÀ SỬ DỤNG RƠM RẠ THEO HƯỚNG NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN VÀ PHÁT THẢI THẤP TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 31/08/2023

Nông nghiệp tuần hoàn được biết đến với quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý… Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là phương pháp sản xuất bền vững và là xu hướng tất yếu cho nền nông nghiệp hiện này.

Sáng 29/8/2023, Trường đại học Nông Lâm Huế phối hợp với Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã tổ chức tập huấn và trình diễn về công nghệ và thiết bị xử lý, sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại Hợp tác xã Nông nghiệp An Lỗ, thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền tỉnhThừa Thiên Huế. Đây là một công đoạn khá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đã và đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều địa phương trong cả nước và các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Israel, Hoa Kỳ…

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng - Chuyên gia của IRRI chia sẻ về sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn

Chuyên gia khoa học IRRI tập huấn, giới thiệu và hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý, chế biến rơm rạ theo các bước cơ giới hóa ủ phân hữu cơ như: Chuẩn bị luống ủ gồm rơm và phân bò, dùng máy đảo trộn luống ủ lần đầu, phun men vi sinh, quá trình giữ nhiệt, thông thoáng, làm mát và quá trình thành phẩm phân hữu cơ cũng như ứng dụng thành phẩm này. Đồng thời, các đại biểu tham gia được được chứng kiến trình diễn cơ giới hóa sản xuất phân bón từ nguyên liệu rơm thô, tro trấu, phân bò khô, men vi sinh... và quy trình sản xuất phân bón từ rơm. Đó là sự kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng bằng cơ giới máy trộn liên kết máy kéo đảo trộn rơm liên kết. Công nghệ này đã được thực hiện kiểm chứng ở Việt Nam. Thời gian cho việc dùng rơm ủ phân hữu cơ với công nghệ này là 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.

Máy trộn phân hữu cơ đang trình diễn tại đồng

Cây lúa là sản phẩm chủ lực của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Mỗi năm, khoảng 47 triệu tấn rơm rạ được tạo ra từ sản xuất lúa ở nước ta; trong đó, chỉ khoảng 30% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây,… phần còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng.

Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích trồng lúa là 54,1 nghìn ha (niên giám thống kê năm 2020), ước tính lượng rơm thải ra khoảng 620,0 nghìn tấn rơm rạ khô/năm. Lượng phụ phẩm này, một phần được thu gom (rơm khô) để chăn nuôi tại chỗ hay nhập cho các thương lái, tuy nhiên việc thu gom này chỉ được thực hiện chủ yếu trong vụ Đông Xuân, một số ít rơm được sử dụng làm giá thể trồng rau, hoa, trồng nấm; và lượng rơm còn lại trên đồng vẫn còn nhiều và thường được đốt bỏ để chuẩn bị cho canh tác vụ Hè Thu. Việc đốt rơm rạ gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường ở mức cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Lượng rơm trong vụ Hè Thu thường bị vứt bỏ do ẩm ướt, hoặc vứt đổ rơm rạ xuống các kênh mương gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy…

Buổi tập huấn và trình diễn nhằm góp phần thay đổi thói quen của bà con nông dân, đem đến phương pháp giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững trong tương lai.

Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:

 

TÔN THẤT NIỆM - VPS
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày