Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 711
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2023
Ngày cập nhật 24/12/2023

Để cải thiện, nâng cao chất lượng các quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quyết liệt, nghiêm túc trong công tác chỉ đạo, điều hành của mình. Đã ban hành trên 12.800 văn bản hành chính chỉ đạo, triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các văn bản do cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên cơ sở Kế hoạch, Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế đã xây dựng, phổ biến các Kế hoạch do cơ quan mình ban hành đến toàn bộ công chức, viên chức và hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, cơ quan chuyên môn cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp có liên quan thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên để kịp tham mưu ban hành văn bản quy định chi tiết và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bật cập tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp.

Từ ngày 16/11/2022 đến 15/11/2023, 100% văn bản quy phạm pháp luật đều được tiến hành lập đề nghị trình cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2015), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật..

Tại cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 58 Quyết định, tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua 24 Nghị quyết. Theo đó, để hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thông thoáng thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tại cấp huyện đã ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 05 Nghị quyết và 24 Quyết định. Tại cấp xã đã ban hành 58 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 56 Nghị quyết và 02 Quyết định.

Ban hành Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2023 để công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2022, theo đó, danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 gồm 73 văn bản (21 Nghị quyết, 52 Quyết định) và Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 gồm 71 văn bản (14 Nghị quyết và 57 Quyết định).

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đến ngày 15/11/2023. Kết quả, thực hiện rà soát 433 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân ban hành, kiến nghị xử lý 121 văn bản và đã xử lý dứt điểm 93 văn bản (sửa đổi, bổ sung 19 văn bản: 03 Nghị quyết và 16 Quyết định, thay thế, bãi bỏ 74 văn bản: 13 Nghị quyết và 61 Quyết định).

Tại cấp huyện và cấp xã: Đã tổ chức rà soát 142 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý 31 văn bản và đã xử lý dứt điểm 24 văn bản. Nhìn chung, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên theo định kỳ và theo chuyên đề, lĩnh vực, nhờ vậy, kịp thời phát hiện những văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, đã thực hiện rà soát chuyên đề, lĩnh vực theo yêu cầu của cơ quan Trung ương. Kết quả, đã thực hiện rà soát 104 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành (13 Nghị quyết, 91 Quyết định) liên quan đến lĩnh vực tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giao thông vận tải, đối ngoại, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên, môi trường, nhân quyền, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… theo yêu cầu của cơ quan Trung ương; rà soát văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến sự nghiệp công;

Việc tập hợp các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa và thực hiện rà soát các văn bản để hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 đã được các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã tích cực triển khai, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp trong quá trình tổ chức hệ thống hóa văn bản thuộc trách nhiệm của mình đảm bảo đúng thời gian và tiến độ mà kế hoạch đề ra. Đến nay, đã hoàn thành 80% công việc và đang tiếp tục được cập nhật đến hết ngày 31/12/2023.

Bên cạnh đó, để bảo đảm thời hạn, tiến độ thực hiện, Sở Tư pháp đã chủ động tập hợp, cập nhật kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để xây dựng dự thảo Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kỳ 2019-2023 và các Danh mục văn bản theo mẫu số 03, 04, 05, 06 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh được sắp xếp thành 23 lĩnh vực, cụ thể là: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Hành chính - Văn phòng; Thuế; Khu kinh tế, công nghiệp; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Văn hóa và Thể thao; Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; An ninh, quốc phòng; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Dân tộc; Khiếu nại và Tố cáo; Nội vụ; Tư pháp; Công thương; Thông tin và Truyền thông; Ngoại vụ.

Sở Tư pháp đã thực hiện tự kiểm tra 58/58 văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Tại cấp huyện, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế đã thực hiện tự kiểm tra 24/24 văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành. Qua hoạt động tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành không phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật.

Thực hiện kiểm tra 21/21 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế gửi đến. Qua đó, không phát hiện văn bản nào có dấu hiệu trái pháp luật. Đối với một số sai sót về thể thức, kỹ thuật chưa đến mức phải kiến nghị xử lý, Sở Tư pháp đã đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế nghiêm túc rút kinh nghiệm và yêu cầu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian đến phải thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 7 Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2020): “Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.”.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 yêu cầu “quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và khung quy định của Trung ương, cấp ủy địa phương lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp. Rà soát sắp xếp, tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành”, năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 07 Quyết định, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành 21 Quyết định để quy định về bộ máy, biên chế.

Công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ, người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được tiến hành định kỳ hàng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 23 công chức đang làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 55/2011/NĐ-CP, trong đó, có 03 công chức chuyên trách của các cơ quan bao gồm Sở Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Các sở còn lại hiện đang bố trí công chức pháp chế kiêm nhiệm.

Tại cấp huyện: Do khó khăn về biên chế nên các phòng Tư pháp cấp huyện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách mà thực hiện kiêm nhiệm công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; các công chức đều có trình độ Cử nhân Luật.

Tại cấp xã: Tương tự như ở cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch phải  kiêm nhiệm công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Các công chức đều có trình độ cử nhân Luật và Trung cấp Luật.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 12/5/2023 quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Đã tiến hành cập nhật 24 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và 58 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh vào trang cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia về pháp luật của Bộ Tư pháp (vbpl.vn) theo đúng quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và hoàn thành việc cập nhập 144 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2022 được ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2022.

Nhìn chung, trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình, thời gian phân công xây dựng, ban hành Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật giao địa phương quy định chi tiết; tham vấn ý kiến, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, đối tượng chịu tác động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan khác; tăng cường sự phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tăng cường công tác truyền thông để kịp thời thông tin chính sách, nhằm nâng cao chất lượng của các văn bản cũng như sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật. Nội dung của các văn bản đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nhiều văn bản có tính khả thi cao và thuận lợi khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày