Năm 2017, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, đầu vụ Đông Xuân và Hè Thu mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ, đặc biệt vụ Đông Xuân một số diện tích gieo sạ lại nhiều lần phải chuyển đổi cơ cấu giống. Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, đặc biệt sự tích cực của bà con nông dân trong sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật nên vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch. Diện tích sản xuất lúa đạt 54.815 ha (tăng 305 ha so với 2016). Năng suất bình quân cả năm đạt 59,7 tạ/ha (tăng 0,2 tạ/ha so với năm 2016). Diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng khác hiệu quả hơn, diện tích chuyển đổi 689,46 ha (tăng 303 ha so với năm 2016); Công tác khảo nghiệm giống lúa đã chọn được 02 giống lúa để đưa vào sản xuất thử; Mô hình 3 giảm 3 tăng, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất bị nhiễm chua, phèn; mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao như (nhà lưới, hệ thống tưới tự động, ...) bước đầu xác định có hiệu quả, an toàn dịch hại, tăng năng suất và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật vẫn còn một số tồn tại: Một số giống lúa dài ngày hết thời vụ và một số giống không được đưa vào cơ cấu giống nhưng nông dân vẫn gieo trồng, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành. Diện tích các loại cây trồng còn phân tán, nhỏ lẻ nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Doanh nghiệp tiêu thụ các loại nông sản phẩm trên địa bàn Tỉnh chưa nhiều nên sản phẩm chưa có đầu ra ổn định. Chính quyền địa phương chưa chủ động trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn, nhất là quản lý nhà nước về giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hồ Vang đánh giá cao kết quả sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật năm 2017 và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2018: Tập trung chỉ đạo sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật theo kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố Huế cần tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết sản xuất tiêu thụ để tăng giá trị gia tăng. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất các loại cây trồng mới có thế mạnh của Tỉnh. Đồng thời mở rộng, đa dạng các sản phẩm sản xuất theo VietGAP, đăng ký nhãn hiệu, phát triển thương hiệu một số sản phẩm trồng trọt, khai thác lợi thế của địa phương. Mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa chất lượng đã qua khảo nghiệm trong năm 2017. Tiếp tục bố trí các mô hình quản lý an toàn dịch hại tổng hợp (IPM), mô hình 3 giảm 3 tăng (ICM),... Tăng cường công tác điều tra, giám sát dự tính dự báo tình hình sinh vật gây hại và biện pháp quản lý sinh vật gây hại hợp lý trên đồng ruộng theo từng giai đoạn của cây trồng; kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp; phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, các loại vật tư không rõ nguồn gốc. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện, chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018; cày lật đất để tiêu huỷ lúa chét, cỏ dại nhằm hạn chế các đối tượng sinh vật gây hại tồn tại trên đồng ruộng. Rà soát cơ cấu giống cây trồng, xây dựng phương án ứng phó kịp thời với các diễn biến bất lợi của thời tiết.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế