Ngày 15/3/2018, tại Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị sơ kết thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã.
Đến tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện Phú Lộc, Nam Đông, Hương Trà, A Lưới, Hương Thủy, Phong Điền, cùng đại diện chính quyền địa phương và các Ban quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã.
Trong hội nghị, Chi cục Kiểm lâm đã báo cáo sơ kết công tác thành lập và kết quả hoạt động của các Ban quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, cũng như phương hướng nhiệm vụ trong thời gian đến. Một số kết quả cụ thể là:
- Đã thành lập được 30 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó có 06 xã thành lập thí điểm là: Xuân Lộc, huyện Phú Lộc; Hương Lộc, huyện Nam Đông; Hồng Thủy, huyện A Lưới; Phong Mỹ, huyện Phong Điền; Bình Điền, thị xã Hương Trà; Phú Sơn, thị xã Hương Thủy và nhân rộng mô hình ở 24 xã, phường, thị trấn là: Thủy Bằng, Thủy Phương, Thủy Phù, Thủy Châu, Dương Hòa, Thủy Dương, Phú Bài của thị xã Hương Thủy; Lộc Bình, Lộc Bổn, Lộc Hòa, Lộc Trì, Lộc Sơn, thị trấn Phú Lộc của huyện Phú Lộc; Hương Phú, Thượng Lộ, Hương Sơn, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Lộc của huyện Nam Đông; Nhâm, Hương Phong, Hồng Hạ của huyện A Lưới.
- Hiện 06 xã thành lập thí điểm đã có Quyết định thành lập Ban quản lý Quỹ và bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2017. Các Ban quản lý Quỹ đã tiến hành các hoạt động như xây dựng Quy chế hoạt động, công tác thu, chi Quỹ...; Tiêu biểu là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy đã tiến hành thu được 159 triệu đồng.
Hội nghị đã phân tích nhiều yếu tố và nêu ra được các khó khăn, tồn tại trong quá trình thành lập, triển khai thực hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã nhằm đúc rút những kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương về thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã cho các chủ rừng còn hạn chế.
2. Nhiều địa phương sau khi thành lập Quỹ, chưa tập trung xây dựng quy chế hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ…; bên cạnh đó, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận hành Quỹ, dẫn đến kết quả thu rất thấp và gặp khó khăn trong công tác xây dựng dự toán chi nguồn Quỹ.
3. Một số chủ rừng có nhận thức chưa tốt về việc xã hội hóa nghề rừng; một số chủ rừng khác có diện tích rừng trồng nhỏ, phân bố không tập trung; hoặc rừng mới trồng từ 2 đến 3 năm tuổi chưa đủ điều kiện khai thác; giá trị khai thác rừng trồng không cao; điều kiện kinh tế của chủ rừng còn khó khăn nên chưa tự giác nộp Quỹ.
4. Tại một số nơi, chủ rừng không phải là người địa phương hoặc có nhiều lô rừng chưa xác định được chủ rừng, nên Ban quản lý chưa thể thu được Quỹ.
5. Các đơn vị chưa thống nhất về thủ tục và sử dụng mẫu phiếu thu, chi…
Hội nghị sơ kết đã đánh giá Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã là mô hình đạt hiệu quả cao trong tiến trình xã hội hóa nghề rừng. Năm 2018, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương khắc phục những tồn tại, nhân rộng mô hình thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững và góp phần nâng cao đời sống về kinh tế, xã hội cho người dân các địa phương./.