Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.330.080
Truy câp hiện tại 20.798
Nhìn lại kết quả công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2015 – 2020 và những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tiếp theo
Ngày cập nhật 25/08/2020

Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, đây là Nghị quyết quan trọng thể hiện quyết tâm của Đảng trong cải cách tư pháp, với mục tiêu“Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về cải cách tư pháp, các cấp ủy đảng, đảng đoàn và ban cán sự đảng, đảng ủy các cơ quan tư pháp đã chỉ đạo việc tổ chức phổ biến, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị; Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Kế hoạch số 03-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho cán bộ lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh, cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố Huế và tất cả cán bộ, đảng viên cơ quan tư pháp, qua đó giúp mọi người có nhận thức thống nhất về chủ trương cải cách tư pháp của Đảng; đồng thời, phổ biến kịp thời các quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Trong 05 năm qua, việc tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã được UBND các cấp, các Sở, ban, ngành và cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm túc, thống nhất về quan điểm chỉ đạo; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp từng bước được củng cố kiện toàn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; trình độ chuyên môn của cán bộ tư pháp được nâng lên. Trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp từng bước được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo; trang thiết bị, phương tiện làm việc tương đối đầy đủ. Nhiều nhiệm vụ về cải cách tư pháp đã được các cơ quan, ban, ngành, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần mở rộng nền dân chủ, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn trên địa bàn tỉnh.

Về Việc xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2015 - 2020

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Chương trình số 05-CTr/BCĐ ngày 13/6/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh ủy về nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về cải cách tư pháp tại địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 08/9/2014 về triển khai thực hiện Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 13/5/2016 về triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Về Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp

Đối với Nghị quyết và Quyết định quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh: Mặc dù hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định việc ban hành chương trình xây dựng VBQPPL hàng năm. Tuy nhiên, để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành và tham mưu thực hiện, hàng năm HĐND, UBND tỉnh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát các văn bản QPPL của cấp trên và căn cứ tình hình thực tiễn quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị để lập và gửi Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh thẩm định, thẩm tra đề nghị ban hành Nghị quyết, Quyết định QPPL, trình Trường trực HĐND, UBND tỉnh quyết định ban hành Chương trình ban hành VBQPPL hàng năm. Các đề nghị xây dựng quyết định QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh đều nêu rõ tên gọi, sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung chính của quyết định, dự kiến thời gian ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo. Đối với quyết định quy định những vấn đề được giao quy định chi tiết, cơ quan đề xuất đã rà soát VBQPPL do cơ quan nhà nước trung ương và nghị quyết của HĐND cùng cấp để xác định rõ nội dung, phạm vi giao quy định cụ thể. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động, thường xuyên rà soát các văn bản QPPL của cấp trên để kịp tham mưu ban hành văn bản quy định chi tiết và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bật cập tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp.

Từ 01/01/2015 đến tháng 6/2020, HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều kỳ họp; xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương; thông qua và ban hành 119 Nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành 492 Quyết định. Toàn bộ số văn bản này đều được cập nhật đăng tải lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Từ năm Từ 01/01/2015 đến tháng 6/2020, Sở Tư pháp đã thẩm định 739 văn bản QPPL là Nghị quyết của HĐND và UBND tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn còn tiến hành góp ý 493 dự thảo văn bản quy phạm của HĐND và UBND tỉnh do các sở, ngành soạn thảo trưng cầu.

Các văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp ban hành đã được gửi đến các cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, đăng tải và đưa tin theo quy định, chất lượng các văn bản ngày càng được nâng cao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành. Các văn bản do UBND tỉnh ban hành phù hợp với các VBQPPL của Trung ương và Nghị quyết của HĐND cùng cấp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với đối tượng tác động của văn bản, vì vậy, đa số văn bản sau khi ban hành mang tính khả thi cao, đáp ứng được nhu cầu quản lý của địa phương và được tổ chức, các nhân trên địa bàn tuân thủ nghiêm túc.

Về Việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp

Các cơ quan tư pháp đã triển khai thực hiện công tác tổ chức và hoạt động theo lộ trình của cải cách, bảo đảm định hướng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua từng giai đoạn và thực hiện đúng tinh thần Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của toà án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, cụ thể:

- Sở Tư pháp: Tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức giúp việc, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp được củng cố, kiện toàn theo hướng chuyên môn hoá từng lĩnh vực hoạt động của công tác tư pháp, bao quát các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và có sự phân định hợp lý chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng đảm bảo thống thất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có 06 phòng nghiệp vụ, gồm: Phòng Xây dựng và Kiểm tra VBQPPL, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Hành chính tư pháp, Phòng Bổ trợ tư pháp, Văn phòng Sở và Thanh tra Sở; 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, gồm: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2. Hiện nay có 81 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 07 thạc sĩ, 67 đại học, 01 trung cấp và 06 sơ cấp. Có 09/9 Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và thành phố với 49 công chức, trong đó: có 04 người có trình độ thạc sỹ Luật; có 42 người có trình độ Đại học Luật; 03 người có trình độ Đại học khác.

- Công an tỉnh: Đảng ủy, cơ quan Công an luôn quan tâm rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Công an cấp tỉnh, huyện. Đến nay, đã có 10 cơ quan cảnh sát điều tra (cấp tỉnh 01, cấp huyện 09) và 01 cơ quan an ninh điều tra, với 22 đồng chí là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, 04 đồng chí là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra, 143 điều tra viên (Cao cấp 14, Trung cấp 82, Sơ cấp 47) và 27 Cán bộ điều tra, có trình độ đại học trở lên. Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hai cấp (cấp tỉnh 01, cấp huyện 09), với 135 đồng chí (Đại học 107, trung cấp 28) và 9 cán bộ hợp đồng lao động, 118 chiến sĩ nghĩa vụ. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh hiện có 15 Giám định viên (Đại học 12, Thạc sĩ 3), giám định 10 lĩnh vực: đường vân, cơ học, súng đạn, tài liệu, cháy nổ, sinh học, hóa học (ma túy), pháp y, kỹ thuật số - điện tử, ký tự đóng chìm trên vật liệu kim loại.

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: đã cơ bản kiện toàn, tinh gọn bộ máy và việc sáp nhập phòng theo Quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 11 phòng nghiệp vụ thành 08 phòng nghiệp vụ. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các phòng trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh hiện có 08 đơn vị cấp phòng, 09 đơn vị cấp huyện. Tổng số cán bộ biên chế hiện có là 177 người; trong đó có 124 Kiểm sát viên, 31 Kiểm tra viên, còn lại là chuyên viên và cán bộ khác. Chú trọng công tác sắp xếp, bố trí cán bộ góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Rà soát, bố trí Kiểm sát viên, cán bộ có đủ năng lực cho các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; điều động tăng cường cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các văn bản có liên quan. Ban hành Nghị quyết về công tác luân chuyển, điều động, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến năm 2026 để xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ đáp ứng với yêu cầu tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng, xây dựng được lực lượng hạt nhân là chuyên gia trong từng lĩnh vực, nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp.

- Tòa án nhân dân tỉnh: hiện có 41 biên chế, trong đó: có 10 Thẩm phán (01 Thẩm phán cao cấp và 09 Thẩm phán trung cấp); 10 Thẩm tra viên; có 16 Thư ký viên Tòa án và có 05 cán bộ, công chức khác thực hiện công tác kế toán, văn thư lưu trữ, thủ quỹ,... Về trình độ chuyên môn, có 01 Tiến sỹ, 08 Thạc sỹ, cán bộ giữ chức danh tư pháp đều có trình độ cử nhân Luật, nhiều đồng chí có 02 bằng đại học.

- Cục Thi hành án dân sự tỉnh: hiện có có 04 phòng chuyên môn và 09 Chi cục THADS trực thuộc, thực hiện chức năng THADS, theo dõi (đôn đốc) THA hành chính; giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS quản lý một số mặt công tác tài chính, tổ chức, cán bộ của cơ quan THADS địa phương. Tính đến thời điểm 31/5/2020, tổng số biên chế toàn tỉnh là 94/100 chỉ tiêu được giao và 34 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ. Trong số công chức có: 43 Chấp hành viên (trong đó: 12 Chấp hành viên trung cấp, 31 Chấp hành viên sơ cấp); 08 Thẩm tra viên; 16 Thư ký thi hành án; 02 Thư ký trung cấp thi hành án và 24 công chức khác. Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo được tiến hành thường xuyên; Tổ chức, bộ máy của các đơn vị trực thuộc cơ bản được kiện toàn; Chú trọng xây dựng, triển khai phương án sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của các THADS trên địa bàn tỉnh; Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo đúng quy định.

Về Việc hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp

- Công chứng: Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Luật công chứng năm 2014 và nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tiến hành một số hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án chuyển đổi Phòng công chứng số 1 và số 2 thành Văn phòng công chứng và có báo cáo về việc thực hiện chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng theo Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 tổ chức hành nghề công chứng (02 Phòng công chứng và 05 Văn phòng công chứng) với 18 công chứng viên

- Giám định tư pháp: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 14/6/2018 triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động giám định tư pháp cũng như khuyến khích Văn phòng giám định tư pháp phát triển theo mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Căn cứ Nghị quyết của HĐND, ngày 22/02/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Trợ giúp pháp lý: Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 25/10/2017 triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Quyết định số 1531/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Để tăng cường nguồn lực cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1, số 2 tại huyện Phong Điền và Phú Lộc, từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã bổ sung biên chế sự nghiệp cho Trung tâm  và các Chi nhánh (hiện có 25 biên chế tại Trung tâm và 02 Chi nhánh cấp huyện). Có 18 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện các nhiệm vụ tư vấn pháp luật, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại Tòa án nhân dân các cấp. Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, trong thời gian qua Trung tâm trợ giúp pháp lý đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức tư vấn pháp luật; tham gia đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng, Từ 01/01/2015 đến 31/5/2020, đã thực hiện được 5.066 vụ việc (trong đó tư vấn pháp luật 3.964 vụ việc; tham gia tố tụng 1.067 vụ việc

- Về luật sư, tư vấn pháp luật: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 28/11/2011 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2011 đến năm 2020 và Quyết định số 1110/QĐ-UBND ngày 11/6/2013 ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; các Kế hoạch triển khai Luật Luật sư năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Báo cáo số 102/BC-UBND ngày 10/4/2020 tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Báo cáo số 153/BC-UBND ngày 25/5/2020 tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến 25/6/2020, Đoàn Luật sư tỉnh đã có 68 luật sư đang hành nghề tại 27 tổ chức hành nghề luật sư

- Thừa phát lại: UBND tỉnh xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế trình Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 95/QĐ-BTP ngày 16/01/2019. Trên cơ sở Đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt, UBND tỉnh cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế và cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại ngày 19/4/2019. Từ khi thành lập đến 6/2020, Văn phòng lập 37 vi bằng và đã được Sở Tư pháp thực hiện đăng ký vào sổ vi bằng

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hạn chế những nhược điểm, thiếu sót trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn vừa qua, trong thời gian đến Tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, trong đó chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị;  Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và các quy định, chính sách mới trong các Luật, Bộ Luật mới được Quốc hội thông qua.

2. Chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan tư pháp trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tư pháp hàng năm do cấp, ngành mình đề ra. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức của các cơ quan tư pháp. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức, nhất là cán bộ giữ các chức danh tư pháp vi phạm pháp luật; có hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

3. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và các chức danh tư pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các chức danh tư pháp; phát động trong toàn thể cán bộ, công chức phong trào học tập, nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn, tin học, ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

4. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng cơ chế đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật để kiểm soát chất lượng văn bản ban hành và giám sát việc thực thi pháp luật có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương ban hành có liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc tự sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

5. Chú trọng công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác cải cách tư pháp; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp nâng cáo hiệu quả công tác cải cách tư pháp tại địa phương, đơn vị.

6. Quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, cải cách tư pháp cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp UBND cấp xã và có chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí, phương tiện làm việc cho các hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp tại địa phương.

 

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày