Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.345.624
Truy câp hiện tại 6.391
Tình trạng sạt lở hiện nay và các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống sạt lở các khu vực có nguy cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày cập nhật 14/04/2021

Sau các đợt mưa lũ cuối năm 2020 tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sạt trượt đất đá đồi núi, ta luy đường, cồn cát tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh:

(1) có hơn 20 km bờ biển bị xâm thực sâu từ 10 đến 15 m ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu, ảnh hưởng đến các khu du lịch, công nghiệp, các di tích lịch sử, tập trung tại các xã Phong Hải (3 km), xã Điền Hòa (1 km), xã Quảng Ngạn (1 km), xã Hải Dương (1 km), xã Phú Thuận (3 km); xã Phú Hải (2 km); xã Phú Diên, (2,5 km), xã Vinh Thanh (0,7 km), xã Vinh Mỹ (1,5 km), xã Giang Hải (2,5 km).

(2) Có nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nặng với tổng chiều dài hơn 20 km, trong đó sông Hương (4 km). sông Bồ (8 km), sông Ô Lâu (5 km); sông Truồi (2 km); sông Nước Ngọt (1 km); sông Thượng Nhật (1 km) và các sông khác.

(3) Địa bàn huyện Phong Điền: Trượt lở đất đá tập trung tại các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu, trong đó dọc theo tuyến đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, A Lin B2, A Lin B1 có nguy cơ sạt lở đồi, núi, mái ta luy đường rất cao....; Địa bàn huyện Quảng Điền: Sạt lở đụn, cồn cát bờ biển tại xã Quảng Công; Địa bàn huyện A Lưới: Khu vực Bốt Đỏ bị sạt lở đất dưới chân đồi tạo các vết trượt dài xuống khu dân cư, xuất hiện các vết nứt gãy, nguy cơ xảy ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang sinh sống với diện tích khoảng 1,6 ha. Các khu vực trượt lở đất đá đồi núi dọc tuyến quốc lộ 49A ....; Địa bàn thị xã Hương Thủy: Trượt lở đất đá đồi núi tập trung tại các xã Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Bằng, các đồi dọc tuyến đường tránh quốc lộ 1A phía Tây thành phố Huế; Địa bàn huyện Nam Đông: Nguy cơ trượt lở đất đá đồi núi, mái taluy tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan qua địa bàn huyện, nhất là đoạn qua xã Hương Phú, thị trấn Khe Tre. Đề phòng lũ quét, sạt trượt đất ở các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối...; Địa bàn huyện Phú Vang: Sạt lở bờ biển đoạn thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên; sạt lở bờ sông Hương ...; Địa bàn huyện Phú Lộc: Nguy cơ trượt lở đất đá đồi núi khu vực các đèo, các điểm sạt lở dọc tuyến đường từ quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây, khu vực tuyến đường ven biển mũi Chân Mây Đông, Cù Dù (Lộc Vĩnh), đường vào khu du lịch Laguna; Địa bàn thành phố Huế: Nguy cơ sạt trượt sườn đồi dốc xảy ra trên địa bàn một số phường An Tây, An Cựu.

(4) Khu vực đầu mối các công trình thủy điện, thủy lợi: Hồ Tả Trạch, hồ Bình Điền, hồ Hương Điền, hồ A Lưới, hồ Truồi, hồ Thủy Yên; cụm công trình thủy điện trên sông Rào Trăng; thủy điện Thượng Nhật, thủy điện A Roàng, thủy điện sông Bồ; cụm thủy điện trên sông A Sáp ... 

Để đảm bảo an toàn phòng, chống sạt lở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

(1) UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện sơ tán dân phòng, chống lũ quét, sạt lở đất theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1343/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

(2) Sở Công thương tiếp tục chỉ đạo các Chủ đập thủy điện tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền, sự cố đường hầm thuỷ điện A Lưới, hạ du thuỷ điện Thượng Nhật; tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố các điểm sạt lở nêu trên, sớm tiến hành thi công khắc phục, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong quá trình vận hành, khai thác; Liên tục kiểm tra đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước, ... để phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố; Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm, đảm bảo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.

(3) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát việc vận hành và phương án bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Triển khai lực lượng kiểm tra kiểm tra, phát hiện và phá bỏ điểm bị tắc nghẽn trên các suối; nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước.

(4) Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành trích lục bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét từ bản đồ chung của Bộ tài nguyên và Môi trường gửi các huyện, in sao bản đồ thành nhiều bản phát đến cấp thôn, bản và phổ biến đến cán bộ và nhân dân biết để chủ động trong việc xây dựng và tổ chức triển khai phương án ứng phó cho phù hợp.

(5) Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao về việc tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai, khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành, phân công trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho từng thành viên; Rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; rà soát chính sách hỗ trợ di dời tái định cư các các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao; Nghiên cứu lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung mà có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất; Trình UBND tỉnh ban hành quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình thuộc lĩnh vực chuyên ngành quản lý; Chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, khu vực hạ lưu hồ chứa nước đề phòng trường hợp đề phòng hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố đập; Thực hiện dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng, chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại địa bàn dễ bị chia cắt, cô lập khi xảy ra thiên tai.

(6) Đối với các địa phương cần triển khai thành lập, củng cố, đào tạo, tập huấn và tổ chức hoạt động cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thôn, tổ chức diễn tập ứng phó lũ quét, sạt lở đất; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; Thông báo, tuyên truyền người dân tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, nghiêm cấm việc xây dựng cơi nới công trình hiện có vi phạm chỉ giới đường sông; rà soát, cập nhật Quy hoạch khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; thường xuyên tổ chức kiểm tra thực địa những vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét; triển khai lắp đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng thường trực tại khu vực có nguy cư cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; Phân công người cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở và cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thực hiện quy chế cảnh báo, dự báo, cập nhật bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn trên đài truyền hình, đài phát thanh và từ cấp trên chuyển đến, đồng thời theo dõi diễn biến mưa lũ tại địa bàn để cảnh báo cho người dân, đặc biệt các hộ dân sống ven sông, suối và khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, khu vực hạ du đập, hồ chứa nước để chủ động ứng phó.

Về lâu dài cần quan tâm bố trí nguồn lực tái định cư các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai; xây dựng các điểm khu tái định cư phải đảm bảo theo định hướng xây dựng nông thôn mới đã đề ra, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các khu tái định cư; Huy động nguồn lực xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển tại các khu vực xung yếu; Triển khai các chương trình, dự án nạo vét khơi thông dòng chảy tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn; Gia cố nền móng, mái đường, chống trượt tại các đường giao thông thường bị sạt lở; Hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do JICA tài trợ để thực hiện vận hành các hồ chứa nước./.

Nguyễn Phước Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày