Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.342.725
Truy câp hiện tại 4.717
Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8
Ngày cập nhật 03/06/2021

Từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút Cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tính đến tháng 5/2021, tổng cộng đã có 62 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này; tính từ tháng 01/2019 đến tháng 5/2021, trên thế giới có tổng cộng 2.867 ổ dịch do chủng vi rút CGC A/H5N8 gây ra, chiếm hơn 72% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại 45 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam); trong tháng 02/2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người). Với đặc điểm có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa Việt Nam và các nước nên nguy cơ chủng vi rút CGC A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ chủng vi rút CGC A/H5N8 xâm nhiễm và lây lan, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định; lấy mẫu gửi đến các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm chủng vi rút CGC A/H5, bao gồm A/H5N8; đối với địa phương giáp biên giới cần thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

2. Tổ chức triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (địa phương giáp biên giới, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm,...) và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.

3. Trường hợp phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút cúm A/H5, cần xử lý tiêu hủy gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đồng thời tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới, khách du lịch và người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của chủng vi rút CGC A/H5N8 để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ vi rút cúm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam.

5. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tiêu độc; tiêm vắc xin phòng bệnh CGC đầy đủ cho đàn gia cầm.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương triển khai thực hiện; thường xuyên thông báo về Sở Nông nghiệp (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày