Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.307.484
Truy câp hiện tại 6.795
HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ RỪNG TỰ NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 14/07/2021

Sáng ngày 13/7/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Đánh giá công tác quản lý rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” do ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì.

Hội thảo có sự tham dự của các đại diện là chủ rừng (các nhóm cộng đồng, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty lâm nghiệp), đại diện các sở, ngành liên quan, Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm, lãnh đạo UBND cấp huyện và xã có rừng.

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện hoạt động quản lý rừng tự nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh, xác định những kết quả đạt được, những vấn đề còn vướng mắc, bài học kinh nghiệm, kiến nghị đề xuất phương án quản lý hướng đến mục tiêu quản lý rừng tự nhiên bền vững.

Tính đến năm 2021, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng có trữ lượng toàn tỉnh là 288.401,82 ha, phân theo hiện trạng gồm có: 211.243,37 ha rừng tự nhiên, 77.158,45 ha rừng trồng; phân theo chức năng gồm có: 93.153,88 ha rừng đặc dụng, 77.011,24 ha rừng phòng hộ, 99.607,93 ha rừng sản xuất và 18.628,77 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,38%.

Diện tích rừng tự nhiên hiện do các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty TNHH NN 1TV lâm nghiệp (sau đây gọi là nhóm chủ rừng nhà nước) hiện đang quản lý 160.984,12 ha (chiếm 76,21%), các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình (sau đây gọi là nhóm cộng đồng) được giao quản lý 31.626,8 ha (chiếm 14,97%), diện tích do UBND cấp xã tạm thời quản lý là 17.305,53 ha (chiếm 8,19%), các diện tích rừng tự nhiên còn lại hiện đang do các nhóm chủ rừng khác quản lý. Tình hình quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của các nhóm:

Đối với nhóm chủ rừng nhà nước:

Do được Nhà nước đầu tư về các nguồn lực, đặc biệt về ngân sách từ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ), riêng từ năm 2014 đến nay, được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hơn 150,5 tỷ đồng nên có kinh phí đầu tư cho công tác QLBVR. Hiện các diện tích rừng tự nhiên được giao quản lý của nhóm này đang được quản lý chặt chẽ, số vụ phá rừng, khai thác trái phép đã giảm mạnh trong những năm qua, đặc biệt việc thành lập các trạm liên ngành chốt chặn tại các vị trí trọng yếu, trên các tuyến đường sông vận chuyển gỗ từ rừng về xuôi đã phát huy tác dụng, qua khảo sát, nhiều đầu nậu, xâu nhóm khai thác trái phép gỗ đã bỏ nghề; qua báo cáo của các đơn vị chủ rừng, rừng tự nhiên đang được phục hồi tốt.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hiện nhóm chủ rừng nhà nước vẫn còn gặp một số vướng mắc trong công tác thực thi nhiệm vụ như: (1) chế độ, chính sách đối với những người làm công tác QLBVR chưa phù hợp, nhất là những người trực tiếp làm công tác QLBVR tự nhiên. Với công việc nặng nhọc, nguy hiểm với điều kiện làm việc rất khó khăn, lương thấp rất khó để yêu cầu họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. (2) ngoài các đơn vị hiện đang được chi trả DVMTR có thêm kinh phí để hỗ trợ công tác QLBVR thì một số đơn vị hiện không được hoặc được chi trả một phần diện tích về DVMTR do diện tích rừng đang quản lý không nằm trong lưu vực được chi trả, trong khi đó, áp lực về bảo vệ rừng của các đơn vị đều như nhau (BQLRPH Bắc Hải Vân là đơn vị hoàn toàn không được hưởng tiền chi trả DVMTR, BQLRPH Sông Bồ hiện có hơn 500 ha rừng tự nhiên không được chi trả DVMTR…).

Đối với nhóm chủ rừng là cộng đồng:

Nhóm chủ rừng này đã được thí điểm giao rừng từ năm 2000, nhưng đến năm 2014 mới bắt đầu được hỗ trợ chính thức kinh phí từ chi trả dịch DVMTR; hiện có 23.358,55 ha đã được nhận hỗ trợ từ nguồn này (chiếm 73,85% diện tích được giao), trung bình khoảng trên 6,6 tỷ đồng/năm, hỗ trợ từ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, các nguồn hỗ trợ này đã tạo động lực mạnh mẽ cho công tác QLBVR trên địa bàn.

Theo đánh giá, rừng tự nhiên sau khi giao cho nhóm chủ rừng cộng đồng đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Qua thực tiễn, công tác quản lý rừng của cộng đồng đã thiết lập được hệ thống tổ chức quản lý, có quy chế hoạt động do đó hiệu quả quản lý bảo vệ rừng cao hơn hơn đối tượng nhóm hộ và hộ gia đình. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm đáng kể, một số nơi trữ lượng rừng đã tăng lên. Theo báo cáo từ các Hạt Kiểm lâm, nhiều vụ việc phá rừng, cộng đồng, hộ gia đình đã chủ động ngăn chặn hoặc báo cho chính quyền địa phương xã, Kiểm lâm địa bàn để ngăn chặn kịp thời.

Điển hình như diện tích rừng giao cho thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền giao rừng năm 2003 có trữ lượng 46m3/ha; năm 2012 đánh giá đặc điểm khu rừng trữ lượng tăng lên 67m3/ha. Theo báo cáo từ các Hạt kiểm lâm, nhiều vụ việc phá rừng, công đồng, hộ gia đình đã chủ động ngăn chặn hoặc báo cho chính quyền địa phương xã, kiểm lâm địa bàn để ngăn chặn kịp thời. Năm 2021 là mùa vụ khai thác hạt Ươi, các cộng đồng đã tích cực triển khai công tác ngăn chặn, phân công từng nhóm vào rừng để canh giữ và đảm bảo thu hái hạt Ươi theo đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, không chặt hạ cây Uơi nhằm khai thác bền vững nguồn tài nguyên này.

Đối với diện tích rừng hiện đang do UBND cấp xã quản lý:

Hiện UBND cấp xã đang tạm thời quản lý 17.305,53 ha rừng tự nhiên; đến nay đã có 7.992,87 ha rừng được hỗ trợ các nguồn tiền để quản lý và hợp đồng khoán QLBVR, chiếm 46,19% (bao gồm 6.743,68 ha/chiếm 38,97% nguồn từ DVMTR và 1.249,19 ha/chiếm 7,22%, nguồn hỗ trợ từ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP). Theo đánh giá, các diện tích rừng tự nhiên do nhóm này quản lý có nguy cơ bị lấn chiếm cao nhất do: (1) Hầu hết diện tích rừng tự nhiên do UBND xã quản lý là manh mún, nhỏ lẻ, ở xa khu dân cư và tiếp giáp với khu vực rừng trồng của các hộ gia đình nên dễ bị lấn chiếm; (2) UBND xã không phải là cơ quan có năng lực chuyên môn trong QLBVR, mặt khác, UBND xã không phải là chủ rừng thực sự nên không có các dự án đầu tư hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; (3) Công tác phối hợp xử lý các vụ phá rừng còn nhiều bất cập, trong khi chức năng thẩm quyền của UBND các xã có hạn, dẫn đến nhiều vụ coi thường pháp luật…

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhấn mạnh quan điểm của tỉnh trong thời gian tới phải tập trung nguồn lực để từng bước cải thiện chất lượng độ che phủ rừng tự nhiên bằng việc tăng cường công tác quản lý và can thiệp bằng các giải pháp lâm sinh thích hợp. Đối với các diện tích đã giao cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn chỉ đạo:

- Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 62/2019/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung vào các nội dung tuyên truyền vận động người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng, xác định và khuyến khích thực hiện đúng trách nhiệm của các chủ rừng cộng đồng, nâng cao năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng, hướng dẫn và khuyến khích các chủ rừng cộng đồng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đúng quy định, chỉ đạo các đơn vị Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chủ rừng trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Chỉ cần chúng ta thực hiện tốt các nội dung quy định tại Quyết định 62/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì hiệu quả quản lý rừng tự nhiên của các nhóm chủ rừng ngoài Nhà nước sẽ được cải thiện rất rõ rang - Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhấn mạnh tại hội thảo.

- Chi cục Kiểm lâm rà soát kỹ diện tích hơn 17.000 ha rừng tự nhiện hiện do UBND các xã quản lý để trình UBND tỉnh phương án giao cho cộng đồng các địa phương quản lý. Việc lựa chọn các nhóm cộng đồng để giao rừng phải đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện và chú trọng đến tính đồng nhất trong một nhóm cộng đồng nhất định, cũng như phải phù hợp với tình hình dân sinh, kinh tế, văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số tại địa phương.

- Đề nghị các Trung tâm nghiên cứu, tư vấn, các tổ chức Phi Chính phủ và các ban quản lý dự án liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền các địa phương để tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ cho các chủ rừng để từng bước cải thiện hiệu quả công tác quản lý bền vững tài nguyên rừng và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu kết luận tại Hội thảo

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày