Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.302.939
Truy câp hiện tại 4.269
TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ, PHÒNG TRỪ RẦY GÂY HẠI LÚA CUỐI VỤ HÈ THU 2021
Ngày cập nhật 14/08/2021

Vụ Hè Thu 2021, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 25.531,3/25.669,1 ha. Hiện nay, diện tích lúa đã thu hoạch khoảng 299 ha, nhìn chung cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, ban ngày trời nắng nóng, oi bức, chiều tối có mưa dông, tạo điều kiện nóng ẩm, thuận lợi cho rầy nâu phát triển gia tăng mức độ gây hại và diện phân bố, rầy nâu nhiễm 817 ha, trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 666 ha, mật độ 750-1.500 con/m2, diện tích nhiễm trung bình 151 ha, mật độ gây hại 1.500-3.000 con/m2, rầy giai đoạn tuổi 5- trưởng thành, rải rác tuổi 1-2, mật độ ổ trứng 2-3 ổ/dảnh,  (xã Thủy Phù, Thủy Phương - thị xã Hương Thủy; xã Phú Thanh, Quảng Lợi, Quảng Vinh –huyện Quảng Điền; xã Bắc Sơn, Đông Xuân - huyện Phú Lộc; xã Hương Hồ, Hương Vinh, Hương Phong, Phú Dương - thành phố Huế,…) và có khả năng phát triển gây hại nặng giai đoạn cuối vụ, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất, sản lượng lúa Hè Thu 2021.

Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, từ nay cho đến cuối tháng 8/2021 tiếp tục xảy ra 2 - 3 đợt nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, tạo điều kiện nóng ẩm thuận lợi cho rầy tiếp tục nở phát triển tích lũy, gia tăng mật độ và diện phân bố gây hại,... nếu không tích cực điều tra theo dõi, phát hiện sớm, quản lý và chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Để quản lý, phòng trừ rầy nâu gây hại giai đoạn cuối vụ kịp thời hiệu quả. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:

1. Bố trí cán bộ kỹ thuật tăng cường cônng tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, đánh giá tình hình diễn biến rầy nâu gây hại để khoanh vùng diện tích nhiễm và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun trừ kịp thời, hiệu quả, nơi có mật độ cao >1.500 con/m2, cụ thể:

- Đối với những diện tích lúa đang làm đòng, trổ-ngậm sữa (15-20 ngày nữa mới thu hoạch) khoanh vùng để tập trung phòng trừ những diện tích có mật độ cao (>1.500 con/m2) bằng các loại thuốc có hoạt chất Nitenpyram, Pymetrozine, Dinotefuran,... Nếu trường hợp rầy mật độ cao, nhiều tuổi phát dục thì chỉ đạo phun kép bằng cách kết hợp trộn thuốc có hoạt chất Fenobucarb hoặc Isoprocarb với cát hoặc đất bột vãi phía dưới gốc lúa, phía trên phun thuốc để tăng hiệu lực trừ rầy.

- Đối với những ruộng lúa đã chín sinh lý (còn khoảng 5-7 ngày nữa thu hoạch) nhiễm rầy mật độ cao, khuyến cáo nông dân thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại.

2. Do điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao có khả năng có ảnh hưởng đến quá trình phân hóa đòng và hình thành gié, vào chắc của hạt, cần giữ nước trong ruộng đảm bảo giai đoạn lúa trổ-chín, hạn chế rầy bộc phát gây hại nặng (chỉ rút nước trước khi thu hoạch 7-10 ngày). Chỉ đạo phun phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại vào buổi chiều mát, phun đảm bảo lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích và đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”. Sau khi phun phòng trừ 2-3 ngày tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả phòng trừ để có biện pháp chống tái nhiễm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phân công cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương, HTX tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện các nội dung đã nêu trên nhằm chủ động bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu 2021 đạt kết quả cao nhất./.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày