Với giá trị và tiềm năng phát triển của cây Thanh Trà, Thanh Trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa vào năm 2008.
Trong sản xuất cây Thanh Trà đã trở thành cây trồng có hiệu quả của hàng trăm hộ dân ở những vùng đất bải phù sa ven sông, là cây ăn quả đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình làm vườn có thêm thu nhập.
Với các lợi thế về điều kiện sinh thái tự nhiên, xã hội... để phát triển cây Thanh trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách ưu tiên để phát triển Thanh trà Huế như: Đã triển khai Quy hoạch vùng trồng Bưởi Thanh trà của Tỉnh (diện tích 1.400 ha); Hổ trợ các mô hình khuyến nông để phát triển sản xuất; Nghiên cứu về tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ; Hỗ trợ để những vùng trồng Thanh trà ( đặc biệt là ở Nguyệt Biều) xây dựng thương hiệu, quản bá sản phẩm, tiếp cận thị trường.v.v...
Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, người dân ở các vùng trồng bưởi Thanh trà của Thừa Thiên Huế đã rất cần cù, chịu khó đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, tích lủy nhiều kinh nghiệm trong sản xuất để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng... đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ đang ngày càng rộng mở. Cây bưởi Thanh Trà đang ngày càng phát triển.
Hiện nay diện tích bưởi Thanh Trà toàn tỉnh có khoảng 1.114 ha , trong đó Xã Thủy Biều có 147 ha; 127 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng 450-500 tấn/năm. Có khoảng 5% diện tích cây dưới 5 tuổi (đang thời kỳ cây con chưa cho quả hoặc cho quả chưa đáng kể); còn lại chủ yếu trong thời kỳ cho thu hoạch quả.
Về năng suất: Qua kết quả nghiên cứu, cây Thanh Trà năng suất cao và ổn định từ giai đoạn 10 - 20 tuổi và giảm dần từ khi cây 20 năm tuổi trở lên, tùy theo điều kiện chăm sóc.
Nhóm tuổi (năm)
|
4-5
|
6-10
|
11-15
|
16-20
|
> 20
|
Bình quân theo nhóm (quả/cây)
|
18
|
75
|
140
|
150
|
130
|
Về chất lượng: Bưởi Thanh trà có chất lượng ngon, vị ngọt thanh, giàu vitamin...Tuy nhiên một số cây còn có nhược điểm là số hạt nhiều; kích thước, trọng lượng quả biến động lớn, độ đồng đều thấp; một số vùng đôi lúc bị khô hạn, bị sâu bệnh tép múi khô, không mộng nước.... ảnh hưởng đến chất lượng.
Năng suất, chất lượng Thanh trà ở các vùng, các hộ nông dân cao hay thấp phụ thuộc vào điều kiện đất đai, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...
Trong những năm qua một số loài sâu bệnh đã phát sinh phát triển gây hại trên cây Thanh trà như: bệnh chảy gôm (bệnh xì mủ do Phytopthora), Bệnh vàng lá Greening (do Virus), sâu đục thân, đục cành, nhện... đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, làm giảm năng suất, chất lượng quả Thanh trà.
Về tiêu thụ: Thanh trà Huế đã có thương hiệu nên việc tiêu thụ tương đối chủ động, nhiều vùng trồng Thanh trà đã được tư thương đặt hàng mua trước. Giá bán tùy theo từng vùng, bình quân tại vườn vào thời điểm giữa vụ khoảng 8.000-10.000 đồng/quả, cuối vụ có thể lên đến 14.000đ-15.000 đ/quả tại vườn. Doanh thu bình quân khoảng 600 - 800 ngàn đồng/cây ở thời kỳ ổn định. Nhìn chung, giá cả và tình tình tiêu thụ Thanh trà ở tỉnh ta khá ổn định. Tuy nhiên vẫn có một số nơi chưa thuận lợi, vẫn còn bị tư thương ép giá...
ĐỂ THANH TRÀ HUẾ CÓ ĐIỀU KIỆN CẠNH TRANH TRÊN THị TRƯỜNG THEO CHÚNG TÔI CẦN QUAN TÂM CÁC VẤN ĐỀ SAU:
1. Đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng Thanh trà Huế
Để có sản phẩm Thanh trà có chất lượng tốt, đáp ứng những yêu cầu đặt ra theo thị trường, đảm bảo cho việc quản lý và phát triển thương hiệu Thanh trà Huế, việc xây dựng được những vườn cây, những vùng trồng Thanh trà tốt là hết sức cần thiết.
Các địa phương, các hộ trồng Thanh trà cần quan tâm việc đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, qua đó để nâng cao chất lượng, mẫu mã quả Thanh trà: Những vùng trồng Thanh trà chủ yếu được trồng ven sông, hằng năm thường có lũ lụt, có lượng phù sa bồi đắp, bổ sung dinh dưỡng cho đất, cung cấp cho cây. Hiện nay tình hình lũ lụt có hạn chế, việc đầu tư bón thêm phân chuồng, phân rát, phân xanh, phân vi sinh để tăng hàm lượng mùn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây Thanh trà để cây phát triển tốt, cho quả to, quả đồng đều, có chất lượng là vấn đề đáng được quan tâm.
Cần áp dụng các biện pháp bón phân vô cơ cân đối, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây theo yêu cầu dinh dưỡng cho từng lứa tuổi, từng thời kỳ để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Sử dụng phân bón trong danh mục Nhà nước quản lý và áp dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng lượng, đúng phân, đúng lúc, đúng cách. Tùy điều kiện, tập quán canh tác của mỗi địa phương để bón phân và chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, tỉa trái, bao trái... phù hợp.
Quan tâm công tác bảo vệ thực vật đối với các vườn cây Bưởi Thanh trà như bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá Greenning, sâu đục thân, đục cành, nhện... nhiều nơi sâu bệnh phát triển mạnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng Thanh trà. Vì vậy cần nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế sâu bệnh hại.
Quan tâm việc đầu tư xây dựng các vườn Thanh trà sản xuất theo VietGAP ( thực hành nông nghiệp tốt) để trong tương lai Thanh trà Huế có thể thâm nhập thị trường phong phú hơn...
2. Mở rộng diện tích sản xuất, cải tạo vườn, liên kết để trở thành vùng cây hàng hóa:
Trên cơ sở diện tích đã được quy hoạch, những vùng đất đai đủ điều kiện có thể trồng thêm cây Thanh trà để mở rộng diện tích, xem xét quy hoạch lại các vườn cây Thanh trà hiện có, mạnh dạn cải tạo vườn cây tạp, loại bỏ những cây trồng khác không có hiệu quả, loại bỏ những cây Thanh trà chất lượng kém, cây bị sâu bệnh nặng để trồng lại theo quy hoạch, qua đó để có thể đầu tư thâm canh.
Liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây Thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.
Khi mở rộng diện tích, trồng mới cần quan tâm đến chất lượng giống, hạn chế nhân giống bằng phương pháp chiết cành, nên sử dụng những cây giống ghép được nhân từ các cây Thanh trà đã được bình tuyển là cây đầu dòng (năm 2014 Hội đồng Bình tuyển của Sở đã bình tuyển 8 cây Bưởi Thanh trà đầu dòng trên địa bàn tỉnh). Đầu tư hệ thống tưới tiêu để cung cấp nước đầy đủ theo yêu cầu sinh lý của cây Thanh Trà, thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ.
Tiếp tục đầu tư đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cần hỗ trợ các cá nhân (hộ gia đình), các địa phương canh tác theo hướng sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP.
3. Quan tâm việc thu hoạch, bảo quản: Hiện nay thu hoạch và bảo quản chủ yếu thủ công, chưa áp dụng phương pháp bao trái, bảo quản sau thu hoạch. Do đó cần có chính sách thu hút đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhằm hỗ trợ người dân nâng cao giá trị của quả, kéo dài thời gian sử dụng.
4. Quản bá thương hiệu Thanh trà Huế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm:
Để thương hiệu Thanh trà Huế ngày càng uy tín, phát triển Thanh trà Huế một cách bền vững cần xây dựng được một chiến lược có sự phối hợp của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp, nhà nông và sự hỗ trợ của Nhà nước. Các địa phương, người dân phải thực hiện tốt quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để làm ra sản phẩm có chất lượng, có quy mô số lượng hàng hóa khá, từ đó tăng cường quảng bá sản phẩm, chuyển tải những thông tin tới khách hàng, tạo ấn tượng để người tiêu dùng cảm nhận được hương vị của Thanh trà Huế, từ đó mở rộng liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ, tăng khả năng cạnh tranh, tuyên truyền để người dân có ý thức gìn giữ và phát huy thương hiệu để Thanh Trà Huế mãi xứng danh là đặc sản của đất Cố Đô.
Cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quản bá nhiều hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có thể biết thêm về Thanh trà Huế...