Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 cơ sở sản xuất kinh doanh giống nước ngọt, trong đó có 01 cơ sở sản xuất giống là Trung tâm Giống thủy sản và 03 cơ sở tư nhân chuyên kinh doanh giống các loại. Nhu cầu giống cá nước ngọt hàng năm các loại khoảng 50 triệu con/năm, trong đó giống cá rô phi khoảng 20 triệu con và 30 triệu các đối tượng khác như: Cá trắm cỏ, cá chép, trê…
Năm 2014, các cơ sở đã sản xuất và cung ứng giống cá rô phi là 20 triệu con, trong đó giống sản xuất 1,5 triệu con; số còn lại do các cơ sở trên mua từ ngoại tỉnh về để ương dưỡng và cung ứng dịch vụ cho người nuôi trong tỉnh. Giống nhập từ các tỉnh phía nam chiếm khoảng 70% và 30% là từ các tỉnh phía bắc.
Theo Trung tâm Giống thủy sản, số lượng đàn cá rô phi bố mẹ hiện có 4.000 con, số lượng cá hậu bị bổ sung hàng năm từ 1.000 đến 1.500 con.
Về công tác quản lý chất lượng giống cá rô phi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Thông tư 26/2013/BNNPTNT và Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 29/7/2014 của UBND tỉnh về Quy định quản lý chất lượng giống thủy sản. Năm 2014 Chi cục đã kiểm tra 03 cơ sở sản xuất kinh doanh giống, tất cả đều đạt loại A.
Năm 2015, nhu cầu giống cá rô phi dự tính khoảng từ 22 - 25 triệu con. Do một số địa phương đang có xu hướng phát triển nuôi cá hồ chứa hồ thủy lợi, hồ tự nhiên, một số hộ nuôi đã chuyển đổi sang hình thức nuôi chuyên.
Đề xuất, kiến nghị:
Thừa Thiên Huế đã có Trung tâm giống thủy sản có thể chủ động về công nghệ sản xuất giống rô phi chất lượng tốt, tỉ lệ chuyển giới tính cao. Tuy nhiên, số lượng giống sản xuất còn ít (khoảng 10%). Cần có chính sách hỗ trợ hàng năm bổ sung cá bố mẹ hậu bị, tăng số lượng đàn cá bố mẹ để đáp ứng nhu cầu giống toàn tỉnh.
Sớm có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân mạnh dạn đầu tư trong sản xuất giống để con giống ngày càng được nâng cao chất lượng phục vụ cho người nuôi.
Xây dựng và quy hoạch vùng nuôi chuyên cá rô phi mang tính hàng hóa và có sự hỗ trợ cho việc liên kết giữa người nuôi và nhà tiêu thụ./.