Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.338.706
Truy câp hiện tại 2.231
Hướng dẫn quy định nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô
Ngày cập nhật 31/12/2014

Căn cứ Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh về việc ban hành Quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - Lăng Cô;
Căn cứ tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tỉnh,

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành hướng dẫn quy định nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - Lăng Cô, cụ thể:
1. Đối với các tổ chức, cá nhân
Để được nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô, các tổ chức, cá nhân cần thực hiện đúng theo trình tự các bước trong hướng dẫn đã được ban hành. Bên cạnh đó cần thực hiện đúng theo các yêu cầu trong Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản (Quy chuẩn Quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, ký hiệu QCVN 02-19:2014/BNNPTNT), Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND Tỉnh về việc Ban hành quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh và một số quy định khác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Các tổ chức, cá nhân nuôi tôm chân trắng phải đăng ký với UBND xã, thị trấn và được sự phê duyệt của UBND huyện, thị xã. Việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ và hướng dẫn hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Một số quy định về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất phải đảm bảo như: Ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2 đối với những ao nuôi xây dựng sau năm 2010 và có diện tích mặt nước tối thiểu 2.000 m2 đối với những ao nuôi đã được xây dựng đưa vào nuôi trước năm 2010.
Ao chứa (lắng): Dùng để trữ nước và xử lý làm sạch nước trước khi cấp cho các ao nuôi; diện tích ao chứa chiếm từ 15 - 20 % tổng diện tích.
Hệ thống xử lý nước thải: Vùng nuôi tôm phải có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường. Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, đảm bảo chắc chắn không rò rỉ…
Khu chứa bùn thải: Cơ sở, vùng nuôi tôm phải có khu chứa bùn thải đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải sau mỗi đợt sản xuất.
Đăng ký nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô, các tổ chức, cá nhân phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:
1.1. Đơn đề nghị được nuôi tôm chân trắng thâm canh trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô.(mẫu 01)
1.2. Bản mô tả mặt bằng vùng đất dự kiến sản xuất: Ghi rõ địa chỉ cụ thể vùng đất dự kiến sản xuất (thôn, tổ, đội, phường, xã, thị trấn, huyện…). Bản vẻ phản ảnh chi tiết cơ sở hạ tầng vùng nuôi (hệ thống kênh cấp thoát nước, hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao xử lý nước trước khi thải ra môi trường, nhà xưởng…). (mẫu 02)
1.3. Quy trình sản xuất được áp dụng tại cơ sở: Nêu các bước trong quá trình nuôi (xây dựng và cải tạo ao nuôi, thả giống, chăm sóc…); các loại thức ăn, thuốc và hóa chất sử dụng…ghi sổ nhật ký sản xuất. (mẫu 03)
1.4. Bản cam kết bảo vệ môi trường. (mẫu 04)
Sau khi hoàn thành các loại giấy tờ trên, các tổ chức, cá nhân nộp tại UBND xã, thị trấn để được các cơ quan quản lý xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với UBND các xã, thị trấn
Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền các văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến các tổ chức, cá nhân trong địa bàn quản lý. Đặc biệt là Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy chuẩn Quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, ký hiệu QCVN 02-19:2014/BNNPTNT, Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND Tỉnh, Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh.
Hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra các giấy tờ của tổ chức, cá nhân đến đăng ký đề nghị được nuôi tôm chân trắng trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên môn trong việc quản lý và kiểm tra đủ điều kiện cơ sở sản xuất của các tổ chức, cá nhân đã đăng ký nuôi tôm chân trắng trên địa bàn.
Tiến hành rà soát, đề xuất bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn với UBND huyện, thị xã để phê duyệt.
Lập tờ trình (mẫu 05), gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã xem xét các tổ chức, cá nhân đã đăng ký nuôi tôm chân trắng trên địa bàn.
3. Đối với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, phòng Kinh tế thị xã
Tuyên truyền người dân thực hiện đúng các quy định trong Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh và các văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến các tổ chức, cá nhân trong địa bàn quản lý.
Tiếp nhận tờ trình, các hồ sơ liên quan và đề nghị Chi cục Nuôi trồng Thủy sản đánh giá đủ điều kiện cơ sở sản xuất của các tổ chức, cá nhân đã đăng ký nuôi tôm chân trắng trên địa bàn.
Tham mưu UBND huyện, thị xã ban hành quyết định về việc được nuôi tôm chân trắng trên địa bàn đối với các tổ chức, cá nhân đã đăng ký đủ điều kiện theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn để kịp thời ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
4. Đối với UBND huyện, thị xã
Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế; UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, các đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân chấp hành nghiêm Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh.
Phê duyệt các tổ chức cá nhân đăng ký đủ điều kiện nuôi tôm chân trắng trên địa bàn. (mẫu 07)
Tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn nhằm khai thác tiềm năng sẳn có để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm chân trắng đảm bảo các quy định của pháp luật. Xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
5. Đối với Chi cục Nuôi trồng Thủy sản
Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, phổ biến các quy định trong Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh và các văn bản quản lý Nhà nước khác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến các tổ chức, cá nhân.
Thực hiện việc đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất của các tổ chức, cá nhân đã đăng ký nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô theo đề nghị của phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế các thị xã. (mẫu 06)
Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm chân trắng đảm bảo các quy định của pháp luật. Xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Phối hợp với địa phương rà soát quy hoạch, điều kiện của vùng nuôi theo đúng quy định.
6. Đối với Chi cục Thú y
Kiểm dịch tôm giống và kiểm soát dịch bệnh theo các quy định hiện hành.
Xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh hàng năm.
7. Đối với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Thực hiện việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm thủy sản.
8. Đối với Trung tâm Khuyến nông lâm ngư
Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện Quy định này.
Thực hiện các hoạt động khuyến ngư, nhằm hỗ trợ các hoạt động quản lý các cơ sở, vùng nuôi.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm chân trắng đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững về môi trường.
9. Đối với các cơ quan tổ chức liên quan khác (Tỉnh hội nghề cá, Hiệp hội nuôi tôm, các Chi hội nghề cá cơ cở, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản…)
Phổ biến Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh đến từng chủ cơ sở, từng vùng nuôi và tổ chức thực hiện nghiêm và đầy đủ những quy định trong Quyết định này.
Xây dựng quy ước cụ thể về quản lý cơ sở, vùng nuôi của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản,…; tổ chức thu và sử dụng quỹ phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung đúng mục đích.
Cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình nuôi, diễn biến môi trường, dấu hiệu bệnh của các ao nuôi khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn liên quan trong xử lý môi trường và dịch bệnh tôm.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong đầu tư và thực hiện nuôi tôm theo quy hoạch.
Báo cáo kịp thời cho cơ quan thẩm quyền địa phương các hành vi vi phạm những quy định trong Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh.
10. Khen thưởng, xử lý vi phạm và khiếu nại tố cáo
Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tuyên truyền, thực hiện Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND Tỉnh, được  khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều kiện về việc nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô sẽ bị xử lý theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với chính quyền địa phương những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, UBND các huyện, thị xã; các xã, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung.
 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày