1. Thực trạng nghề, làng nghề và nghề, làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt quy hoạch phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đánh giá hiện trạng của quy hoạch, hiện nay có 94 làng nghề hoạt động ở 27 nhóm nghề và nghề khác nhau và có 69 nhóm nghề hoạt động riêng lẻ với 3.486 hộ, cơ sở, doanh nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15.000 lao động và hàng ngàn lao động mùa vụ, doanh thu hàng năm khoảng 900-1.000 tỷ đồng.
Trong 94 làng nghề có 32 làng nghề thủ công truyền thống (không tính đến các làng nghề chế biến nông, thủy sản) nhưng chỉ có một số làng nghề hoạt động tốt như đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân; mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, mộc An Bình; nón lá Đốc Sơ, Mỹ Lam, Truyền Nam, Thanh Tân; mây tre đan Bao la, Thủy Lập…; nhiều làng nghề hoạt động trung bình, nhiều làng nghề hoạt động khó khăn do hạn chế về thị trường, trong đó có một số làng nghề có nguy cơ mai một như gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, gạch- ngói Thủy Phú, Nam Thanh, Tranh giấy làng Sình, làng dệt thổ cẩm (zèng),…..
Trong 69 nghề và nhóm nghề riêng lẻ, có 27 nghề, nhóm nghề thủ công mỹ nghệ. Những nghề, nhóm nghề hoạt động tốt như: thêu-móc-đan, tiện gổ, mộc mỹ nghệ, nghề làm đầu lân-đầu rồng, nghề làm dày dép, nghề đèn lồng,… nhưng cũng có nhiều nghề, nhóm nghề hoạt động cầm chừng như nghề chạm xương - khảm, nghề làm mặt nạ tuồng; có nhiều nghề trước đây khá nổi tiếng nhưng nay không còn như nghề vẽ ngược tranh gương, nghề vẽ truyền thần,…
2. Những vấn đề cần được quan tâm trong thực hiện quy hoạch nghề, làng nghề gắn với bảo tồn và phát triển sản phẩm thủ công truyền thống
Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã định hướng cụ thể việc khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, nhóm nghề, làng nghề theo các hướng:
- Khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống mang từ lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
- Khôi phục để phát triển các nghề và làng nghề đang phát triển cầm chừng, không ổn định sản xuất.
- Các nghề và làng nghề phát triển hoặc phát triển tốt có khả năng lan tỏa sang các khu vực khác.
- Du nhập nghề, hình thành làng nghề mới.
Theo đó các nghề, làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống cũng gắn với định hướng chung đó.
Quy hoạch cũng đề ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện.
Để thực hiện quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh gắn với bảo tồn và phát triển sản phẩm thủ công truyền thống cần quan tâm một số vấn đề sau:
- Trước hết phải công bố quy hoạch, thông tin phổ biến quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề đến các địa phương, các làng nghề, nghề truyền thống… . Từ đó mỗi địa phương có chương trình, kế hoạch bảo tồn, kế hoạch cụ thể.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy để làng nghề hay một nghề nào đó phát triển cần phải có hạt nhân trong tổ chức sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hạt nhân đó tốt nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc cá nhân có năng lực, tâm huyết. Do vậy cần tuyên truyền, có chính sách thu hút, tổ chức, tạo điều kiện để lực lượng này đầu tư hoạt động trong làng nghề.
- Nghiên cứu thị trường, sáng tác mẫu sản phẩm mới, cải tiến bao bì đáp ứng yêu cầu thị hiếu tiêu dùng. Một số làng nghề, cơ sở nghề truyền thống trước đây sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất, sinh hoạt nay không còn thị trường, qua cải tiến mẫu mã sản phẩm đã giúp cho làng nghề, cơ sở nghề phát triển; chẳng hạn như nghề đan lát mây tre Bao La, Thủy Lập trước đây sản xuất thúng- mủng, dần- sàn, rổ-rá phục vụ cho đời sống và sinh hoạt, nay chủ yếu sản xuất hàng mỹ nghệ; nhiều cơ sở mây tre chuyển sang sản xuất lồng chim, nhiều cơ sở điêu khắc tượng chuyển sang sản xuất đồ gổ lũa, nhiều cơ sở sản xuất mắm chỉ đổi mới bao bì sản phẩm đã phát triển tiêu thụ sản phẩm tốt.
- Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ: Sản phẩm thủ công truyền thống Thừa Thiên Huế xuất khẩu không nghiều; tại thị trường các tỉnh, thành khác ngoài một số nhóm sản phẩm thông qua đặt hàng đơn lẻ như sản phẩm đúc đồng, nhà rường, tủ- án thờ, lồng chim… còn lại phần lớn tiêu thụ tại chổ; một số ít cơ sở, làng nghề tích cực tham gia nhiều hội chợ như: mộc mỹ nghệ Tây Lộc, nghệ nhân Lê Văn Toàn, làng nghề Phò trạch, làng nghề Bao La, v.v. nhưng vẫn có ít hợp đồng ở các tỉnh, một số sản phẩm tượng điêu khắc gổ khi vào các tỉnh, thành phía Nam lại không còn mang xuất xứ sản phẩm Huế. Vì vậy cần thiết phải hỗ trợ các làng nghề, cơ sở nghề kết nối với thị trường, hỗ trợ các nghề đặc trưng của Tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả ở trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển sản phẩm thủ công truyền thống gắn với du lịch: Nghề thủ công truyền thống không đơn thuần sản xuất sản phẩm mà còn là văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy phát triển du lịch các cơ sở nghề và làng nghề vừa tạo thêm sản phẩm tuor du lịch phong phú, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của của nghề và làng nghề thủ công truyền thống của địa phương, tổ chức cho du khách cùng trải nghiệm tham gia sản xuất một số công đoạn vừa giới thiệu văn hóa làng nghề.
- Quan tâm công tác dạy nghề truyền nghề: Nhiều nghề truyền thống đòi hỏi thời gian đào tạo khá dài ngày như: đúc đồng, kim hoàn, điêu khắc gổ, mộc, thêu, v.v mới có thể đào tạo tay nghề nghề thành thạo… Những nghề này khó có thể đào tạo, dạy nghề tập trung ở các cơ sở đào tạo. Vì vậy nhà nước cần có chính sách xã hội hóa đào tạo nghề theo lối truyền nghề, vừa học vừa làm tại các cơ sở sản xuất, hỗ trợ cho cả nghệ nhân, cơ sở đào tạo và người học nghề.
- Có chính sách hỗ trợ và xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất: Một số nguyên liệu khai thác cho sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống như nón lá, mây, tre, gổ, đót… cần phải được quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; giao quyền quản lý, khai thác cho cộng đồng dân cư địa phương, hướng dẫn quy trình khai thác bền vững, có như vậy mới bảo đảm chất lượng và sự đồng đều của nguyên liệu; một số nguyên liệu trong tự nhiên giảm mạnh thì có chính sách hỗ trợ gieo trồng như mây, tre, gổ. v.v.
- Cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ mới vào một số khâu sản xuất, nghiên cứu chuyển đổi nguyên liệu mới: Các cơ sở nghề, làng nghề cần đầu tư cơ giới hóa một số khâu trong quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đồng đều, tăng khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế để tăng thu nhập cho người lao động. Với đa dạng các máy móc trên thị trường tham gia vào quá trình sản xuất ngành nghề thủ công như máy cưa, máy mài, máy khoan, máy chẻ, máy tời, máy chạm,…, công nghệ sấy, công nghệ dập, công nghệ đúc,… đã góp phần giải phóng những khâu lao động nặng nhọc, tăng nhanh năng suất lao động, đáp ứng được nhu yêu cầu đặc hàng quanh năm. Cần thiết hỗ trợ nghiên cứu chuyển đổi một số nguyên liệu mới phù hợp với khả năng cung ứng nguyên liệu và thị hiếu thị trường như giấy bóng, ni lông trong sản xuất hoa giấy, sợi nhựa thay cho mây tự nhiên,…
Để bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống trong thực hiện quy hoạch nghề và làng nghề đến 2020, định hướng đến năm 2025 cần nhiều giải pháp và chính sách phù hợp thực hiện một cách đồng bộ mới thúc đẩy ngành nghề phát triển xứng tầm với vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với nghề thủ công truyền thống. Chúng tôi xin chia sẻ một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thực hiện quy hoạch./.