Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 14.063
Kết quả một số mô hình Khuyến nông có hiệu quả năm 2015
Ngày cập nhật 29/12/2015

Năm 2015, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển hàng hóa chủ lực theo từng vùng sinh thái, gắn tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ là then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản; từng bước đa dạng hóa ngành nghề và dịch vụ trong nông thôn; góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng gía trị sản phẩm trên một đơn vị sản xuất. Việc xây dựng các mô hình trình diễn đã tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân tiếp cận và áp dụng có hiệu quả những kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Qua đánh giá, các mô hình khuyến nông lâm ngư đã đạt được những kết quả tốt, nhiều mô hình được đánh giá cao, là cơ sở thực tế để ngành và các địa phương có định hướng phát triển trong thời gian tới

1. Các mô hình ứng dụng và chuyển giao các  tiến bộ kỹ thuật mới
Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, việc ứng dụng và chuyển giao các  tiến bộ kỹ thuật được quan tâm và  có sự chuyển biến đáng kể. Trong năm 2015, Trung tâm đã thực hiện các loại mô hình
 -  Mô hình khảo nghiệm sản xuất các giống lúa mới có triển vọng :Các mô hình đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là  đánh giá được tiềm năng về năng suất, triển vọng về chất lượng, khả năng thích ứng với ngoại cảnh, sâu bệnh hại … của các giống lúa mới; xác định mức độ  phù hợp của các giống lúa mới với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu, trình độ canh tác của địa phương
+ Mô hình khảo nghiệm sản xuất giống lúa Ma Lâm 48: Được bố trí tại Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà và Phú Lộc. Giống có ưu thế về thời gian sinh trưởng ngắn, chịu chua phèn, chống đỗ tốt, nhất là trên chân đất cát, cát pha, ít sâu bệnh, ít nhiễm rầy.  Năng suất đạt từ 56 - 65 tạ/ha. Năng suất cao hơn hẳn  giống đối chứng TH5 từ 4-6 tạ/ha,
+ Mô hình khảo nghiệm sản xuất giống lúa RG3.3: Với những ưu điểm vượt trội về năng suất và chất lượng  Giống RG3.3 đẻ nhánh khỏe, cứng cây, chịu thâm canh, có khả năng đẻ nhánh khá, đẻ tập trung, ít sâu bệnh, năng suất đạt 60-80 tạ/ha cao hơn giống HT1 đại trà từ 5- 7 tạ/ha, chất lượng gạo ngon
- Mô hình thử nghiệm sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp nhân tạo: Là mô hình lần đầu tiên thực hiện thành công, đã sản xuất được hơn 2.000 con giống ở Thừa Thiên Huế, nhằm chủ động nguồn lươn giống đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm, đồng thời thúc đẩy nghề nuôi thủy đặc sản nước ngọt nói chung, nghề nuôi lươn nói riêng phát triển. Mặc khác mô hình thành công có thể nhân rộng cho các địa phương khác có nhu cầu về con giống phục vụ cho nuôi thương phẩm, đồng thời tạo được sinh kế và tăng thêm thu nhập cho người dân
- Mô hình nuôi xen ghép ở các mật độ khác nhau: Để xác định mật độ nuôi phù hợp trong nuôi xen ghép nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Trung tâm đã thực hiện Mô hình tại xã Quảng Thành và Thị trấn Sịa - Quảng Điền. Đến nay đã cho thu hoạch, lợi nhuận  đạt từ  90-100 triệu đồng/ha.
- Mô hình nuôi tôm thẻ theo VietGAP: Quy mô 02 ha; triển khai tại các xã Điền Môn, Điền Hương và Điền Hòa - huyện Phong Điền. Cán bộ chỉ đạo kỹ thuật đã cùng với hộ thực hiện mô hình tuân thủ nghiêm quy trình nuôi theo hướng VietGap để tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng và môi trường tốt cho sản xuất. Năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, lợi nhuận 200-250 triệu đồng /ha.
2. Các mô hình đa dạng hóa ngành nghề: Nhằm đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông ngư dân, Trung tâm đã thực hiện các mô hình:
- Mô hình chăm sóc hoa lan Mokara cắt cành: Để đáp ứng nhu cầu xã hội cả vật chất và tinh thần, trên mô hình trồng hoa lan, trung tâm tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng lan chăm sóc lan năm thứ 2 . Qua đánh giá, lan sinh trưởng phát triển tốt. Tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 30- 50%
-  Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng: Nhằm từng bước đa dạng hóa vật nuôi, đáp ứng nhu cầu cung cấp trứng chất lượng cao cho người tiêu dùng, mô hình được triển khai với quy mô 1.000 con/08 hộ nuôi tại xã Phong An, Phòng Điền và xã Quảng Lợi huyện Quảng Điền. Hiện nay đàn gà đang phát triển bình thường. Năng suất trứng ước đạt 200 trứng/ năm, chất lượng trứng tương đương với gà địa phương, mỗi hộ nuôi 100 gà mái Ai Cập đẻ trứng có thu nhập khoảng 17,5 -18 triệu đồng/ năm
-  Mô hình nuôi bò siêu thịt BBB: Là mô hình nâng cao chất lượng đàn bò lai bằng việc sử dụng  tinh bò 3B  phối giống cho  bò cái lai Sind, tại ra bê lai có khối lượng sơ sinh cao, tăng trọng nhanh và chất lượng thịt tốt hơn hẳn so với các loại bê lai khác.  Với quy mô 30 bò cái mang thai, mô hình được triển khai và tiếp tục theo dõi, đánh giá tại địa bàn huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà.
- Mô hình phát triển nuôi cá hồ chứa(cá Diêu hồng): Tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 100 hồ chứa thủy lợi có khả năng nuôi cá lồng nước ngọt; cá Điêu Hồng là đối tượng thích nghi tốt trong môi trường này, là đối tượng nằm trong danh mục xuất khẩu giai đoạn 2015-2020. Năm 2015 đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình này tại các hồ Niêm xã Phong Hòa - Phong Điền, hồ thủy điện A Lưới, hồ thủy điện  Bình Điền. Hiện cá đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là mô hình có khả năng nhân rộng trong thời gian tới
- Mô hình nuôi Cua biển từ nguồn giống sinh sản nhân tạo bằng thức ăn Công nghiệp: Thông qua mô hình đã làm giảm áp lực đối với việc khai thác nguồn cá tạp là  thức ăn chính của cua nuôi hiện nay, giảm áp lực từ nghề nuôi chuyên tôm kém hiệu quả. Được thực hiện tại xã Vinh Hưng - Phú lộc, xã Hải Dương - Hương Trà, xã Phú Mỹ - Phú Vang; xã Quảng An - Quảng Điền. Lợi nhuận của mô hình đạt từ 25 – 30 triệu đồng/ hộ.
-  Mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao: Với mục đích đa dạng hóa các đối tượng thủy đặc sản nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng chuyên canh, phát triển đối tượng nuôi có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng. Nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trong năm 2015, Trung tâm đã triển khai mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao với Quy mô 1.000m2;  được triển khai tại xã Thủy Phù - Hương Thủy và xã Phong Bình - Phong Điền. Đã thu hoạch cá chạch, sản lượng 646 kg, trọng lượng bình quân 40con/kg, TLS: 80%; Thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/hộ(15-16 triệu đồng/1.000m2)
3. Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới:  
- Mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên một số vùng năng suất thấp: Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nông dân vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên một số vùng trồng lúa, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện mô hình “Trình diễn thâm canh tăng năng suất lúa” với quy mô 44 ha. Các giải pháp kỹ thuật áp dụng là bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa thông qua việc bón lót phân hữu cơ vi sinh và phân bón lá Delta-K. Kết quả đã làm tăng năng suất 10- 15% so với đối chứng.
- Hỗ trợ hoạt động thụ tinh nhân tạo bò, trâu: Là hoạt động được triển khai hàng năm trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển đàn bò lai có năng suất và chất lượng cao; tạo điều kiện để hộ chăn nuôi bò có được lợi nhuận ngày càng lớn; năm 2015 thực hiện với quy mô hỗ trợ TTNT cho 1.700 bò cái sinh sản và 50 trâu cái sinh sản.
4. Các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
-  Mô hình hạn chế ngộ độc trên  lúa Hè Thu ở vùng thấp trũng:  thực hiện tại xã Vinh Giang, Phú Lộc. Giải pháp kỹ thuật ứng dụng để chống ngộ độc, bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa thông qua việc thực hiện tốt quy trình sản xuất, đặc biệt đưa giống lúa  Ma Lâm 48 vào sản xuất, sử dụng phân hữu cơ để bón lót, bón bổ sung phân Calcium nitrate vào thời kỳ đón đòng. Thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/ha
-  Mô hình trồng đậu xanh trên đất Hè Thu thiếu nước tưới: Với mục tiêu giúp người dân xác định được cơ cấu cây trồng hợp lý, có hiệu quả cao trên đất bị thiếu nước vụ Hè Thu, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Qua đó có cơ sở thực tế  để đề xuất chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý trên địa bàn tỉnh. Mô hình được triển khai với diện tích 10 ha, trong đó huyện Phú lộc 06 ha, huyện Phú Vang 04 ha. Năng xuất đạt 12 tạ/ha
-  Mô hình thâm canh sắn bền vững: Thực hiện với quy mô 10 ha tại xã Hồng Vân, A Lưới; Thông qua mô hình đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật thâm canh sắn đến người nông dân để nâng cao kỹ năng, trình độ thâm canh sắn, nhằm đạt được năng suất cao, chất lượng tốt, bảo vệ môi trường và đất đai. Năng suất ước đạt 31 tạ/ha, tăng 1,5 lần so với đối chứng
- Mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học: Đây là một tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2014, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình này nhằm khẳng định tính hiệu quả của nuôi lợn trên đệm lót sinh học với đối tượng nuôi là giống lợn 100% máu ngoại. Với quy mô 42 con/ 6 hộ nuôi, mô hình được bố trí tại xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy và phường Hương An thị xã Hương Trà. Về hiệu quả, sau 01 lứa nuôi, thu nhập bình quân đạt 1.870.000 đồng/hộ.  Hiện nay mô hình đang được bà con chăn nuôi áp dụng và nhân rộng.
-  Mô hình nuôi luân canh Tôm sú  - Rong câu trong ao nước lợ:Việc thực hiện mô hình đã làm giảm khoảng cách vụ nuôi tôm, ứng dụng các tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường nhưng vẫn đem lại được lợi nhuận cho người nuôi. Lãi suất ước đạt 60-70 triệu đồng/ ha. Mô hình triển khai tại các xã Phú Diên, Phú Đa, Phú Xuân - Phú Vang và xã Vinh Hưng - Phú Lộc..
Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự phối hợp chặc chẽ của các địa phương; Trung tâm Khuyến nông lâm ngư đã triển khai mô hình trên nhiều lĩnh vực. Thông qua các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, tăng thu nhập, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để các mô hình thực hiện có hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất. Đồng thời chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật,  xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của địa phương để triển khai mô hình  phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông ngư dân, giúp nông ngư dân yên tâm mở rộng sản xuất./.
 

Trung tâm Khuyến nông TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày