Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 12.746
Kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn và những kiến nghị đề xuất trong thực hiện hợp phần phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015
Ngày cập nhật 23/03/2016

I. Kết quả đạt được:
 Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Chi cục Phát triển nông thôn theo dỏi chỉ đạo và giám sát hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chi cục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng định mức và đạt hiệu quả cao. Đồng thời đã triển khai lồng ghép nhiều hoạt động ở địa bàn nông thôn giúp bà con nông dân miền núi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững.
 

Trong 5 năm Chương trình 135 đã bố trí 25.750 triệu đồng cho hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, hàng năm xây dựng được 18 loại mô hình sản xuất, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.... Số được hưởng lợi trong 5 năm là 2.100 hộ, tập trung chủ yếu là hộ nghèo và hộ cân nghèo.

 Phối hợp với các đơn vị, phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Dân tộc và các Xã tổ chức được 45 lớp/1800 lượt người tham gia về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản…, đã làm thay đổi tập quán sản xuất quảng canh sang sản xuất có đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó  làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm nông lâm ngư nghiệp ngày càng tăng.

Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp cho người dân có thu nhập, góp phần giảm nghèo và từng bước vươn lên khá giả. Như mô hình nuôi bò lai bán thâm canh sau khi đẻ, nuôi 1 năm cho thu nhập bình quân  khoảng 15 triệu đồng/con; mô hình trồng chuối hàng hóa có thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng/ hộ/4 sào; mô hình chăn nuôi lợn, gà có thu nhập bình quân từ 2 đến 4 triệu đồng/ lứa 4 tháng,... Nhờ vậy bộ mặt nông thôn ngày được thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, thu nhập kinh tế ngày càng nâng cao, nhiều điển hình các xã xin ra khỏi chương trình 135.

 Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh đạt 23,01 triệu đồng, tăng 81,6% so với 2010 (12,6 triệu đồng), tốc độ tăng bình quân đạt 12,8%/năm;  Tỷ lệ hộ nghèo vùng Dân tộc thiểu số giảm từ 28,04% năm 2010 xuống còn 13,15% năm 2014. Khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo giữa khu vực nông thôn và vùng Dân tộc thiểu số giảm từ 13,14% năm 2010 xuống còn 5,92% vào cuối năm 2015. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên hiện nay là 81%.

II. Những thuận lợi, khó khăn:

1. Thuận lợi:

Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo tỉnh, sự kết hợp chặt chẽ của Ban Dân Tộc và các phòng ban chuyên môn, các đơn vị trong ngành, phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Dân tộc các huyện và chính quyền địa phương.

 Kế hoạch của Chương trình các năm gần đây có thông báo sớm cho các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cụ thể cho các BQL xã thực hiện tốt nhiệm vụ, nông dân sử dụng nguồn vốn đầu tư đúng mục đích có hiệu quả, nhiều hộ đã có thu nhập khá, góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo.

Công tác xây dựng kế hoạch, hạng mục đầu tư, bình chọn hộ hưởng lợi được làm tốt từ thôn, bản. Đảm bảo các tiêu chí của và công khai, dân chủ, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân. Đã phê duyệt kế hoạch, dự toán đảm bảo đúng tiến độ, chủ động triển khai kế hoạch sớm, nguồn vốn và các loại cây, con giống đến với người nông dân đúng mùa vụ, nhờ vậy hiệu quả các mô hình đạt kết quả tốt.

2. Khó khăn:

Diễn biến tình hình về thời tiết ngày càng phức tạp, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn.

 Kinh nghiệm chỉ đạo còn thiếu tính thực tiễn, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với cán bộ chỉ đạo sản xuất thiếu chặt chẽ, phương pháp làm việc có lúc,  chưa phù hợp với tập quán địa phương.

 Hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường…

Việc thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác… để cùng giúp nhau hổ trợ phát triển sản xuất ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác đã là hộ nghèo nên việc tham gia đóng góp vốn đối ứng để phục vụ sản xuất, đầu tư chăn nuôi thực hiện các mô hình lại càng khó khăn hơn.

Công tác tổng kết, nhân rộng các mô hình còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên kế hoạch sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn là vấn đề nan giải của nhiều địa phương.

Chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều là những thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền địa phương vùng miền núi, tỷ lệ hộ nghèo DTTS tăng từ 12,66% lên thành 21,77%; Hộ cận nghèo từ 5,33% lên 5,49% (Theo báo cáo số 23/BC-UBND, ngày 25/02/2016 của UBND tỉnh về kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).

  Một số địa phương triển khai đầu tư mô hình chưa đúng trọng tâm, còn manh mún và giàn trải, chưa tập trung vào các loại cây, con chủ lực theo định hướng phát triển của từng địa phương, việc triển khai thực hiện và công tác báo cáo, quyết toán vẫn còn chậm.

III. Những kiến nghị đề xuất

- Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất. Đồng thời chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của địa phương để triển khai mô hình phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông ngư dân, giúp nông ngư dân yên tâm mở rộng sản xuất

- Phát triển kinh tế - xã hội miền núi những năm đến vẫn dựa vào nông lâm nghiệp là chủ yếu. Do vậy, cần tập trung sản xuất nông lâm nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng huyện, xã.

- Cần đánh giá lại công tác quản lý đối với các chính sách, chương trình, dự án. Hiện tại, tồn tại quá nhiều đầu mối quản lý nhà nước đối với các chính sách, chương tình, dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành.

- Phân cấp quản lý về các địa phương gắn với tăng cường trách nhiệm để công tác quản lý được thông suốt, đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt và sử dụng các nguồn lực đầu tư phù hợp với thực tế của từng địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

 - Hình thành các nhóm, tổ hợp tác sản xuất dựa trên lợi thế của từng địa phương, để cùng nhau hỗ trợ và liên kết phát triển. Nhanh chóng thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, phát triển kinh tế hàng hóa. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả.

  - Do đặc thù hợp phần phát triển sản xuất mang tính thời vụ, vì vậy hàng năm đề nghị Tỉnh có kế hoạch thông báo vốn sớm cho các địa phương, đồng thời nghiên cứu tăng nguồn lực đầu tư với mức cao hơn, nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giảm nhanh được tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn.

- Hướng dẫn để xây dựng phương án, quy chế huy động đóng góp vốn của người dân với hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với khả năng của người dân từng địa phương.

- Có chính sách khuyến khích, ưu tiên kêu gọi và thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn miền núi, nhằm thu hút giải quyết việc làm tai chổ đối với bà con DTTS.

Phạm Đình Văn - Chi cục trưởng Chi cục PTNT
Các tin khác
Xem tin theo ngày