Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bám sát mục tiêu và chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra và Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2015 - 2016 ước đạt 46.216 ha (trong đó gần 30 nghìn ha lúa), năng suất ước đạt 60,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm ngoái, sản lượng lúa đạt trên 168 nghìn tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm tính đến thời điểm 01/5/2016 có trên 2,38 triệu con (đàn bò trên 25 nghìn con, đàn lợn trên 203 nghìn con và gia cầm gần 2139 nghìn con). Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6.227 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của hiện tượng cá chết bất thường trong thời gian vừa qua nên tổng sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng giảm 30,7% so với cùng kỳ (11.976 tấn).
Về lâm nghiệp, đã tổ chức trồng mới trên 2 nghìn ha rừng tập trung, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ (chủ yếu là rừng kinh tế đã khai thác và trồng lại); công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được chủ động và kiểm tra thường xuyên, đã thu hồi trên 13 ha đất rừng bị lấn chiếm; xử lý 245 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 263m3 gỗ các loại và xử phạt hành chính 2,9 tỷ đồng.
Công tác quản lý thủy lợi, đề điều và vận hành điều tiết các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã thực hiện theo đúng kế hoạch, chủ động trong phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.
Bám sát Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp đã chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên một số cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế phát triển của tỉnh. Trong đó, đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị sản xuất như mở rộng mô hình sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao đối với các địa phương có điều kiện đất đai phù hợp; xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn; hình thành nhiều vùng trồng cây nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như cao su 9.500ha, sắn công nghiệp 7.000ha, lạc 4.000ha...). Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau màu trong nhà kính, nhà lưới, thủy canh...nuôi bò bán thâm canh, chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học; hỗ trợ xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông sản như gạo Thủy Thanh và Phú Hồ, rau má Quảng Thọ...
Việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển mạnh trong chăn nuôi theo hướng trang trại và gia trại. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 14 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi đanh hoạt động hiệu quả, 11 trang trại đang làm thủ tục đầu tư và có 01 công ty đang xúc tiến đầu tư dự án nuôi bò giống và bò thịt với quy mô 100.000 con.
Thảo luận về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND cho rằng, do đặc thù về điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng nên khó khăn trong sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa lớn. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần căn cứ vào điều kiện thực tế của địa bàn để có giải pháp căn cơ và phương thức sản xuất phù hợp nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và sinh kế cho người dân ở vùng nông thôn. Hiện nay, do ảnh hưởng của yếu tố môi trường nên trong việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần phải linh hoạt và chủ động tìm hướng phát triển cho phù hợp, nhất là đẩy mạnh và hỗ trợ phát triển cho các lĩnh vực khác có lợi thế ít bị ảnh hưởng; hiện tượng cá chết bất thường có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác thủy sản nhưng để bù lại cần nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá và nước ngọt cùng với đó hỗ trợ và chuyển dịch sang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, trước những khó khăn chung của ngành Nông nghiệp cộng với sự tác động của yêu tố môi trường vừa xảy ra vừa qua đã làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp; do vậy về tổng thể ngành Nông nghiệp cần phải chủ động triển khai các hoạt động của mình, nhất là đưa các giải pháp khắc phục cũng như đưa ra hướng phát triển mới, đồng thời rà soát các chính sách phát triển nông nghiệp đã và đang thực hiện để tham mưu, đề xuất nguồn lực đầu tư trong thời gian tới cũng như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho doanh nghiệp và người dân. Muốn làm được việc này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm công tác cải cách hành chính; xác định cụ thể trách nhiệm của từng đầu ngành, lĩnh vực trong tổ chức thực hiện; kịp thời triển khai các đề án, dự án, thẩm định hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi; cùng với đó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn trong ngành và các sở, ngành liên quan, đặc biệt với các địa phương để đảm bảo các điều kiện cho triển khai các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời phải tham mưu, đề xuất và chủ động thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, điều quan trọng là ngành nông nghiệp phải quyết định và đưa ra yêu cầu trong các đề tài nghiên cứu, có như vậy mới đảm bảo tỉnh khả thi, hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học khi áp dụng vào thực tế sản xuất.