Với quy mô trồng rừng nhỏ, các chủ rừng không thể tự đầu tư cho công tác PCCCR, mặc khác, cũng chưa bao giờ đóng góp kinh phí cho địa phương nhằm phục vụ công tác PCCCR, vì vậy công tác PCCCR ở địa phương còn rất bị động. Trên thực tế, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra ở diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân. Khi xảy ra cháy rừng, các chủ rừng đã không đủ năng lực huy động nhân lực và phương tiện để chữa cháy rừng. Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp xã lại không có đủ nguồn lực để mua sắm trang thiết bị phục vụ PCCCR, đồng thời không có đủ chi phí để bồi dưỡng nhân lực chữa cháy. Chính vì vậy, đây là khó khăn cho chính quyền địa phương cấp xã trong lĩnh vực PCCCR ở địa phương.
Nắm bắt tình hình thực tế trên, ngày 29 tháng 6 năm 2016, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1464/QĐ-UBND về việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thành lập Quỹ cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Quỹ cấp xã được thành lập nhằm mục đích tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp cho chính quyền cấp xã, huy động các nguồn lực của xã hội, chủ động nguồn lực tài chính phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Quỹ sẽ góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng tại địa phương; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; từ đó nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.
Theo lộ trình đã đề ra, trong năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thí điểm thành lập Quỹ cấp xã ở tại 6 xã, bao gồm: Bình Điền, Hồng Thủy, Xuân Lộc, Phong Mỹ, Hương Lộc, Phú Sơn và sẽ nhân rộng các mô hình này trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trên thực tế, một số tỉnh đã tiến hành thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, trong đó có tỉnh Quảng Trị - đã tiến hành lập Quỹ cấp xã thí điểm từ năm 2011, đến nay đã nhân rộng được 37/114 xã có diện tích rừng trên 200 ha, nhiều xã có nguồn thu hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, nên đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, công trình, nhân lực phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn các xã đạt hiệu quả cao. Hy vọng với sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, sự nỗ lực và cố gắng của các địa phương và các hộ trồng rừng, chúng ta sẽ đưa quyết định đi vào thực tiễn có hiệu lực và đạt được hiệu quả tốt nhất.