Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trình bày dự thảo Hướng dẫn về khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản và nghề muối cũng như các phương án bồi thường và chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do sự cố môi trường biển.
Theo đó, phương án nêu rõ nguyên tắc xác định thiệt hại, đối tượng thiệt hại, phương pháp xác định thiệt hại cũng như trình tự thực hiện và thời gian tính thiệt hại từ tháng 4-9/2016. Trong đó, đối tượng thiệt hại được xác định gồm: đối tượng trực tiếp khai thác hải sản đối với tàu/thuyền từ 90CV trở xuống, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, kinh doanh thủy sản ven biển; đối tượng gián tiếp gồm dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch, thương mại ven biển.
Về khai thác hải sản, Bộ NN&PTNT đề xuất 4 phương án để các địa phương xem xét tổ chức sản xuất. Về nuôi trồng thủy sản, Bộ đề nghị tiếp tục khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản bình thường trên biển và vùng ven biển 4 tỉnh. Đối với nghề muối, các địa phương có vùng sản xuất muối tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn diêm dân tham gia hoạt động sản xuất muối bình thường và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm muối theo định kỳ (3 tháng/lần).
Nhiều đề xuất, bổ sung
Thảo luận tại hội nghị, đại diện UBND các tỉnh cho biết, hiện tại các ngành chức năng liên quan và các địa phương ven biển bị ảnh hưởng đã tổ chức thực hiện công tác điều tra, khảo sát, xây dựng định mức/đơn giá và tổ chức tập huấn hướng dẫn, thành lập tổ xác định, xác nhận. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai một số nội dung theo hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, nhất là triển khai các nội dung tại Công văn 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Tuy nhiên, khi thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Công văn 6851 chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác định đối tượng; đối tượng lao động bị mất việc làm ở cơ sở dịch vụ, thương mại theo Mục II Công văn 6851 không có hướng dẫn nhưng Biểu 8 Phụ lục 1 thì lại có kê khai đối tượng này; các cơ sở nuôi trồng thủy sản tạm ngừng nuôi do sự cố môi trường biển và các lao động làm việc trong các cơ sở bị mất việc làm nhưng chưa có hướng dẫn kê khai đối tượng này. Phụ lục 2 Công văn hướng dẫn có nêu cơ sở chế biến thủy sản, tuy nhiên trong phần đối tượng bị thiệt hại thì không có đối tượng này; một số biểu kê khai về thời gian hoạt động từ 4/2016 đến 9/2016, đây là thời gian sự cố môi trường biển diễn ra nên các hoạt động đều ngừng, vì thế không hợp lệ cho việc kê khai; đến nay định mức và đơn giá chưa được thẩm định phê duyệt, khó cho việc đảm bảo tiến độ.
Theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT đến ngày 10/9/2016 các địa phương phải hoàn thành tổng hợp báo cáo thiệt hại, vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ NN&PTNT phải nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung hệ thống biểu mẫu kê khai, phụ lục và đối tượng được thống nhất để thuận lợi cho việc kê khai, xác định đúng đối tượng; bổ sung các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường chưa có trong thống kê theo hướng dẫn tại Công văn 6851 của Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT và Bộ Tài Chính trình Thủ tướng phê duyệt mức, đơn giá để các địa phương áp dụng tính toán thiệt hại kịp thời theo tiến độ; Bộ NN&PTNT có dự báo và hướng dẫn vùng an toàn cho các địa phương biết để tổ chức đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn; Bộ Y tế sớm công bố kết quả kiểm định chất lượng thủy sản để người dân biết sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị
Đại diện UBND tỉnh và các ngành chức năng các tỉnh Quảng Bình, Hà Tỉnh, Quảng Trị cũng đã thống nhất với các khó khăn, vướng mắc mà đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nêu trong quá trình thực hiện hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; đồng thời cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đó, đề nghị Bộ NN&PTNT cần có khuyến cáo cụ thể ở những vùng biển chưa an toàn; giám sát chặt chẽ các nguồn thủy sản đánh bắt khi đưa về bờ. Bộ cũng xác định rõ đối tượng trực tiếp, gián tiếp sản xuất trên biển (cả đối tượng là chủ tàu, chủ cơ sở sản xuất thủy sản và người lao động) để bồi thường, chuyển đổi nghề phù hợp, không bỏ sót đối tượng; cần khoanh vùng ngư trường đánh bắt và xác định chất lượng cá đánh bắt để ổn định sản xuất; có đầu mối để thống nhất lấy mẫu đánh giá chất lượng thủy sản sau khai thác. Các đại biểu cũng đề nghị lùi thời gian báo cáo tổng hợp thiệt hại đến ngày 15/9 nhằm đảm bảo tính chính xác số liệu tổng hợp; đồng thời cần thống nhất thời gian thực hiện một số chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với ngư dân vùng ven biển bị ảnh hưởng.
Kịp thời bổ sung và có phương án sản xuất tối ưu nhất
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, tinh thần của Hội nghị hôm nay cơ bản đã thống nhất được về quan điểm là làm sao để các đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đều được hỗ trợ, đền bù và thời gian tiến hành phải kịp thời nhằm tạo sự yên tâm trong sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tại các địa phương bị ảnh hưởng.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng đề nghị, nhiệm vụ trước mắt và hàng đầu hiện nay là các địa phương phải tập trung và khẩn trương tiến hành triển khai các nội dung theo Công văn 6851/BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT, bởi các nội dung trong Công văn này đã lấy ý kiến và được các địa phương, Bộ, ngành đồng ý. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế cần phải điều chỉnh và bổ sung; Bộ cũng sẽ giao các đơn vị trực thuộc khẩn trương làm rõ các khái niệm, giải thích từ ngữ có liên quan đến đối tượng, vùng biển bị ảnh hưởng để sớm công bố, thống nhất làm căn cứ thực hiện.
Về trình tự và tổ chức kê khai, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như các Bộ có liên quan, không để đối tượng nào trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng mà không được bồi thường; phải phát huy dân chủ ở cơ sở trong kê khai, nhất là vai trò của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp… để cùng giám sát việc thực hiện. Về mặt tài chính, Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính lập tổ công tác cùng các địa phương trực tiếp đi kiểm tra, hướng dẫn phương pháp, cách tính định mức đơn giá bồi thường và hoàn thành sớm trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành.
Toàn cảnh hội nghị
Về chỉ đạo sản xuất, qua các ý kiến, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn đối với lĩnh vực sản xuất có liên quan; sẽ sớm có hướng dẫn để ngư dân khai thác bình thường ở các ngư trường, không phân biệt 20 hải lý hay ngoài 20 hải lý và có chế độ giám sát, lấy mẫu thống nhất (kể cả trong nuôi trồng). Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương và ngư dân chưa nên khai thác 3 vùng nước xoáy gồm Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình) và hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế); ngư dân cũng chưa nên khai thác hải sản ở vùng tầng đáy, bởi việc khai thác ở vùng đáy không chỉ liên quan đến ATTP mà đây cũng là tầng có hệ sinh thái và các nguồn lợi thủy sản non đang phục hồi, cần có thời gian để bảo vệ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác giám sát an toàn sản phẩm hải sản khai thác khi tàu vào bờ. Về phía Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng với Bộ Y tế và các tỉnh tập trung lấy mẫu hải sản ở các kho đông lạnh (theo báo cáo hiện còn khoảng 3.900 tấn hải sản đông lạnh tại 4 tỉnh) để kiểm tra mức độ an toàn, sau đó phân loại, lô hàng nào an toàn sẽ có tiêu thụ, còn không an toàn sẽ cho tiêu hủy.
www.thuathienhue.gov.vn