Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, thị xã và thành phố Huế; Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh; Lãnh đạo, Trưởng và Phó các Phòng chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm; Lãnh đạo các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, Khu Bảo tồn và Vườn Quốc gia Bạch Mã;
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thành viên Ban Chỉ đạo Tỉnh, thừa ủy quyền Trưởng Ban Chỉ đạo Tỉnh trình bày báo cáo trước Hội nghị.
Báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, khó khăn trong công tác QLBVR - PCCCR trong năm 2016, nhận định tình hình và đề ra các giải pháp trong năm 2017.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phát biểu chỉ đạo và kết luận một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Đối với Cấp ủy, chính quyền địa phương:
- Chỉ đạo các ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên nhiều kênh thông tin khác nhau.
- Nâng cao vai trò, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả của Ban Chỉ đạo các cấp.
- Các huyện, thị xã căn cứ các xã đã thí điểm thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn tỉnh theo Quyết định 1464/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Ban hành Quy định về việc thành lập thí điểm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm phát huy tốt việc xã hội hóa công tác Quản lý, bảo vệ rừng cấp xã.
- Có kế hoạch huy động các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức diễn tập, phòng ngừa và sẵn sàng lực lượng chữa cháy rừng hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái phép, xử lý dứt điểm các tụ điểm phá rừng ngay từ khi mới phát sinh, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép và có biện pháp quản lý đất sau khi thu hồi.
- Duy trì thường xuyên, có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp; tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách Phòng cháy, chữa cháy rừng, Chỉ thị số 1685/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Ban Chỉ đạo các cấp căn cứ tình hình tại địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể về Bảo vệ rừng - PCCCR, huy động sức mạnh của nhân dân địa phương, các ban, ngành theo phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng”. Lực lượng của tỉnh chỉ điều động cho các địa phương khi thật sự cần thiết và có đề nghị tăng cường của Trưởng Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành phố Huế.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành mức hỗ trợ cụ thể đối với khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn 2015 - 2020;
- Tiếp tục giám sát các đơn vị chủ rừng nhất là các Ban quản lý rừng, trong việc quản lý rừng và đất rừng được giao quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án QLBVR - PCCCR; có các biện pháp xử lý hành chính các chủ rừng thiếu trách nhiệm.
- Chỉ đạo các chủ rừng khẩn trương thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng theo Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLBVR.
- Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong công tác QLBVR - PCCCR; tăng cường năng lực cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách, lực lượng kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng cộng đồng, trong đó chú trọng tập huấn, hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ, gắn trách nhiệm kiểm lâm địa bàn với hoạt động QLBVR - PCCCR tại cơ sở; thực hiện và đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình của Dự án tăng cường năng lực PCCCR giai đoạn 2015 - 2018.
3. Các đơn vị chủ rừng:
- Trên cơ sở xác định vùng trọng điểm theo phương án phòng chống chặt phá rừng đã được phê duyệt, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị cần thiết và có biện pháp tổ chức lực lượng ngăn chặn, xử lý triệt để khi tình trạng chặt phá rừng mới phát sinh, tránh không để xảy ra thành điểm nóng phá rừng; có phương án tổ chức tuần tra, quản lý các khu vực dễ xảy ra cháy rừng, và bằng mọi biện pháp để ngăn chặn lửa rừng từ xa, không để xảy ra các vụ cháy trên diện rộng.
- Các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp khẩn trương thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng theo Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLBVR; mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang cấp trang phục theo quy định nhằm củng cố lực lượng đủ mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng./.