Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.335.564
Truy câp hiện tại 241
ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020
Ngày cập nhật 03/01/2013


Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bổ các khu dân cư, là nơi để xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng. Đất đai còn là loại tài nguyên không tái tạo và có nguồn cung cố định.

Sử dụng đất đai một cách khoa học, hợp lý là nhiệm vụ mang tính cấp bách và lâu dài của Tỉnh ta, đây là vấn đề liên quan đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đất đai chỉ thật sự phát huy vai trò vốn có của mình dưới sự quản lý chặt chẽ, thống nhất, phù hợp của Nhà nước. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, việc khai thác và sử dụng đất đai luôn bảo đảm nguyên tắc phục vụ lợi ích toàn xã hội.      

 Thừa Thiên Huế có diện tích không lớn, nhưng đất đai đa dạng và được hình thành từ các nhóm đất khác nhau. Với tổng diện tích tự nhiên 503.320,53 ha, trong đó có nhiều loại đất hiệu qủa khai thác chưa cao trong sản xuất nông nghiệp như: Đất cồn cát và cát ven biển, đất mặn, đất phèn, có 10 loại đất chủ yếu được phân bổ như sau:

-Đất cát: Nhóm này gồm có 2 loại: Cồn cát trắng và đất cát biển, có diện tích 43.962 ha, chiếm 8,7% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, phân bổ dọc bờ biển từ Phong Điền đến Phú Lộc. Là loại đất nghèo mùn, nghèo dinh dưỡng, một số vùng cát nội đồng còn có tầng kè dưới lớp cát khó thấm nước làm úng về mùa mưa, hạn về mùa khô. Một số diện tích đã được trồng cây lâm nghiệp và nông nghiệp, nhưng còn nhiều diện tích cần đầu tư, cải tạo mới khai thác được.

-Đất mặn: Có diện tích 6.290 ha, chiếm 1,24% diện tích tự nhiên, phân bổ tại các vùng thấp của đồng bằng ven biển từ Phong Điền-Quảng Điền đến Phú Lộc. Đất này chịu ảnh hưởng xâm thực của nước biển, có hai loại đất mặn nhiều và mặn trung bình ít. Loại mặn trung bình ít dùng để trồng lúa nhưng năng suất thấp, cần phải có nước ngọt thường xuyên để hạn chế bốc mặn ảnh hưởng đến cây trồng.

-Đất phèn: Có diện tích 6.888 ha chiếm 1,36% diện tích tự nhiên, phân bổ ở vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của nước sông và biển theo mùa tại cửa sông thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc. Thường ở vùng trũng khó thoát nước, chủ yếu bố trí trồng lúa, đây là loại đất khá tốt nhưng lại chứa các độc tố Al3+, SO42- gây chua ảnh hưởng đến cây trồng.

-Đất phù sa: Được hình thành do sự bồi đắp của các dòng sông có diện tích 41.002 ha chiếm 8,11% diện tích đất tự nhiên. Có 7 loại: Đất phù sa được bồi, phù sa không được bồi, phù sa glây, phù sa có tầng loan lổ đỏ vàng, phù sa trên nền cát biển, phù sa úng nước, phù sa ven ngòi suối.

-Đất lầy và than bùn: Có diện tích 100 ha chiếm 0,02% diện tích đất tự nhiên, phân bổ ở Phong Điền, Phú Lộc. Được hình thành ở vùng thấp, trũng, quanh năm đọng nước hoặc nơi có mực nước ngầm dâng cao. Đất này giàu mùn nhưng rất chua có hại cho cây trồng.

-Đất xám bạc màu: Có diện tích 800 ha chiếm 0,16% diện tích đất tự nhiên, phân bổ chủ yếu ở Phong Điền, A Lưới, thành phần cơ giới nhẹ, thô, ở địa hình dốc nên quá trình rửa trôi mạnh nên tầng đất mặt trở nên bạc màu, khi canh tác cần đầu tư thâm canh và chống xói mòn nếu không đất sẽ trơ sỏi đá.

-Đất đỏ vàng: có diện tích 347.431 ha chiếm 68,74% diện tích đất tự nhiên. Đất này chủ yếu là đất rừng, đất trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, ở gần khe suối nhân dân san phẳng để trồng lúa nước.

-Đất thung lũng dốc tụ: 640 ha chiếm 0,13% đất tự nhiên, phân bổ ở Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc. Loại đất này ở địa hình thấp trũng quanh các chân đồi núi, đất chua, hiện đang trồng lúa nước.

-Đất mùn vàng đỏ trên núi: Có diện tích 15.942 ha chiếm 3,15% diện tích đất tự nhiên, phân bổ ở Phú Lộc, Nam Đông, Phú Lộc nằm ở độ cao 900m trở lên. Đất này trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả.

-Đất xói mòn trơ sỏi đá: Có diện tích 5.200 ha chiếm 1,03% diện tích đất tự nhiên, phân bổ ở Hương Trà, Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, đất không có kết cấu, sử dụng đất này rất khó khăn đòi hỏi đầu tư lớn với thời gian dài.

 I. Hiện trạng sử dụng đất năm 2010 ở Thừa Thiên Huế như sau:

 1.1.Cơ cấu sử dụng đất:

Diện tích tự nhiên được phân bổ cho các đơn vị hành chính của tỉnh như sau:  

 

 

STT

 

      Đơn vị

 

Diện tích

 

Cơ cấu (%)

 

 

Toàn tỉnh

 

503.320,53

 

100

1

Thành phố Huế

7.168,49

1,42

2

Phong Điền

95.081,28

18,89

3

Quảng Điền

16.294,75

3,24

4

Hương Trà

51.853,40

10,30

5

Phú Vang

27.987,03

5,56

6

TX Hương Thủy

45.602,07

9,06

7

Phú Lộc

72.092,03

14,32

8

Nam Đông

64.777,88

12,87

9

A Lưới

122.463,60

24,34

  Quỹ đất năm 2010 được sử dụng như sau:

  a.Đất nông nghiệp: 

  Có 385.248,11 ha chiếm 76,54% diện tích tự nhiên của tỉnh, được phân bổ như sau:

-Đất sản xuất nông nghiệp: Có 59.143,29 ha chiếm 15,35% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó:

+Đất trồng cây hàng năm: 44.364,80 ha ( trồng lúa 32.086,55 ha, đất cỏ dùng cho chăn nuôi 125,83 ha, đất trồng cây hàng năm khác 12.152,42 ha).

+Đất trồng cây lâu năm: 14.778,49 ha (Cây công nghiệp lâu năm 10.010,18 ha, chủ yếu cây cao su và cà phê)

-Đất lâm nghiệp: Có 319.958,78 ha (rừng sản xuất 140.086,11 ha, rừng phòng hộ 100.805,64 ha, rừng đặt dụng 79.067,03 ha). Chiếm 83% đất nông nghiệp. Diện tích rừng phòng hộ, rừng đặt dụng chủ yếu tập trung ở khu vực đầu nguồn các hệ thống sông lớn như sông Bồ, sông Hương.

-Đất nuôi trồng thủy sản: Có 5.848,62 ha (đất nuôi trồng nước lợ, mặn 4.465, 32 ha, nước ngọt 1.383,30 ha), chiếm 1,51% diện tích đất nông nghiệp. Trong những năm gần đây diện tích đất nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng. Các huyện có nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ phát triển mạnh như: Quảng Điền (889 ha), Phú Vang (1.918 ha), Phú Lộc (1.408 ha), Phong Điền(759 ha).

 b.Đất phi nông nghiệp:

 Đất phi nông nghiệp có 85.567,07ha chiếm 17% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó:

-Đất ở: Có 17.786,14ha, (đất ở tại đô thị 4.175,06ha, đất ở tại nông thôn 13.611,08ha) chiếm 20,78% đất phi nông nghiệp.

-Đất chuyên dùng: Có 25.870,59ha, chiếm 30,23% diện tích phi nông nghiệp. Trong đó:

+Đất trụ sở cơ quan và công trình sự nghiệp: 556,06ha;

+Đất quốc phòng: 1.370,35ha;

+Đất an ninh: 1.720,15ha;

+Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp: 2.905,06ha;

+Đất có mục đích công cộng: 19.318,22ha, trong đó:

.Đất giao thông: 7.630,68ha;

.Đất thủy lợi: 3.574,09ha;

.Đất di tích lịch sử, danh thắng: 461,18ha.

.Đất công cộng: Y tế, Trường học, Thể dục: 7.652,27ha.

-Đất tôn giáo tín ngưỡng:1.010,57ha; chiếm 1,18% đất phi NN

-Đất nghĩa trang, nghĩa địa: 9.696,35ha; Chiếm 11,33%

-Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 31.192,34ha (sông ngòi, kênh rạch, suối: 8.240,57ha, mặt nước chuyên dùng: 22.951,77ha) chiếm 36,45% diện tích đất phi nông nghiệp, chiếm 6,19% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

 c.Đất chưa sử dụng:

 Đất chưa sử dụng có 32.505,34ha chiếm 6,46% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó đất bằng chưa sử dụng 6.619,78ha, đất đồi núi chưa sử dụng 25.166,86ha, núi đá không có rừng cây 718,70ha. Diện tích đất chưa sử dụng phân bổ rãi rác, phần lớn nằm ở các vùng có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn tập trung ở các huyện A Lưới, Nam Đông, phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang.

1.2.Mức độ thích hợp của đất so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội:

 Qua hiện trạng sử dụng đất cho thấy đất đã được sử dụng 93,54% so với đất tự nhiên, phần lớn đất đã được sử dụng ổn định và có hiệu quả. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển chuyển hướng theo cơ cấu  Dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp nên ngoài một số diện tích đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng thì phần lớn đất đai phục vụ cho nhu cầu phát triển là do chuyển đổi mục đích sử dụng giữa các loại đất với nhau để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 1.3.Những tồn tại trong sử dụng đất, nguyên nhân chính, giải pháp khắc phục:

 Trong những năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Việc khai thác sử dụng đất hợp lý đã góp phần rất lớn cho những thành tựu mà Tỉnh đạt được cả về kinh tế và xã hội. Do đó đất đai là tài sản đặc biệt, các quan hệ về đất đai rất phức tạp, chính sách về đất đai đang từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới, nhận thức của người dân về quyền sở hữu đất đai không giống nhau nên dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất. Công tác quy hoạch sử dụng đất chậm, thiếu, chưa đồng bộ và chất lượng chưa cao, chưa lập được quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch ngành; định hướng chưa rõ, tầm nhìn chưa xa dể bị lạc hậu làm ảnh hưởng rất lớn đến quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội. Một số địa phương, tổ chức, cá nhân chưa thật sự coi trọng hiệu quả sử dụng đất dẫn đến sử dụng đất một cách tùy tiện, lãng phí, vi phạm quy hoạch đã được duyệt. Trong quá trình sử dụng đất, các doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường dẫn đến ô nhiễm, hủy hoại đất.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác quản lý còn lỏng lẻo đồng thời ý thức của người sử dụng đất chưa cao, chưa chấp hành nghiêm chỉnh Luật Đất đai.

Để khắc phục trình trạng này, đối với Nhà nước cần coi trọng công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường hơn nữa việc xây dựng và quản lý quy hoạch đã được duyệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và thực thi pháp luật của các cấp, các ngành. Người sử dụng đất tiến tới giảm dần các vi phạm về đất đai, môi trường, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

II.Định hướng sử dụng đất tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020:

1.Quan điểm sử dụng đất đến năm 2020:

Đất đai là tài nguyên có hạn, việc sử dụng đất phải vì sự phát triển của con người. Vì vậy, quan điểm tổng quát trong việc khai thác sử dụng đất phải phù hợp và gắn liền với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm phát huy được nguồn lực, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời phải xuất phát từ tình hình đất đai cụ thể, phù hợp với định hướng chung trong khai thác sử dụng đất của tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng Trung Bộ. Trên cơ sở đánh giá tài nguyên đất đai, điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, một số quan điểm khai thác sử dụng quỹ đất làm cơ sở cho việc định hướng sử dụng đất của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

1) Sử dụng đất đai phải trên quan điểm bền vững như: Tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu theo định hướng phát triển kinh tế xã hội. Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.

2) Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh từ nay đến năm 2020 cần phải đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa được đặt lên vị trí hàng đầu. Vì vậy Tỉnh phải giành quỹ đất thích đáng và hợp lý để phát triển các khu Thương mại –Dịch vụ, khu công nghiệp tập trung, một số điểm xử lý chất thải công nghiệp, tăng hệ số sử dụng đất xây dựng, sử dụng đất có hiệu quả. Dành quỹ đất cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và vùng Trung Bộ.

3) Trong những năm tới nông nghiệp của tỉnh vẫn là ngành mang lại nguồn thu nhập chính cho đại bộ phận nông dân. Tuy nhiên, dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế sẽ có một số diện tích đất nông nghiệp chuyển sang các loại đất khác. Để góp phần đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia và ổn định đời sống nông dân thì tỉnh chủ trương phải duy trì diện tích đất nông nghiệp ở một tỷ lệ hợp lý, đặt biệt là đất trồng lúa. Đồng thời tăng cường các biện pháp thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích. Phát triển nông ngiệp toàn diện và tổng hợp tạo bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển lúa chất lượng cao, tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích đất canh tác trong nông nghiệp được xem xét một cách tổng hợp về điều kiện sinh thái môi trường phù hợp với tính chất đất, điều kiện thủy văn, hiệu quả mang lại, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của Tỉnh.

4) Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ từng bước bố trí lại hệ thống dân cư nông thôn, khu tái định cư dân thủy diện trên sông trên phá đáp ứng nhu cầu ăn ở, môi trường sống và điều kiện văn hóa tinh thần của nhân dân. Hình thành các khu trung tâm cụm dân cư tập trung thông qua mở rộng khu dân cư củ hoặc hình thành khu dân cư mới có quy mô đủ lớn để tiết kiệm đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Chú trọng bố trí dân cư kết hợp với phát triển giao thông, thủy lợi, kết hợp với bảo vệ an ninh chính trị.

5) Khai thác sử dụng đất phải coi trọng mục tiêu phòng thủ an ninh Quốc gia, ưu tiên bố trí những địa thế tự nhiên thuận lợi kết hợp kinh tế với quốc phòng.

 2. Định hướng sử dụng đất  năm 2020:

 1) Đối với đất nông nghiệp:

 Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đồng bộ về phát triển nông nghiệp; hệ thống quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, các giống cây trồng, vật nuôi, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp; các phương pháp canh tác tiên tiến và vấn đề bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.  Tăng cường sự phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường và các cơ quan quản lý khác. Tiếp tục bồi dưỡng cán bộ quản lý ở địa phương nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý cho phát triển nông nghiệp bền vững. Quy hoạch phát triển nông thôn, khuyến khích đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý thông qua các chính sách tài chính, phát triển công nghệ và chính sách dân số, nhằm tạo sự phát triển bền vững ở cả nông thôn và đô thị, tạo lập mối quan hệ hợp lý về phân công lao động, trao đổi và thúc đẩy lẫn nhau giữa nông thôn và đô thị, làm cho đời sống vật chất ở nông thôn ngày càng đầy đủ tiện nghi và đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng văn minh, tiến bộ.

 Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở những vùng ruộng đất manh mún, phân tán, tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thích hợp cho canh tác theo những phương thức lớn, hiện đại. Xây dựng và thực hiện những chương trình nâng cao năng suất đất đai, sử dụng hợp lý nguồn nước ở các địa phương, áp dụng những hệ thống sản xuất kết hợp nông-lâm -ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu. Mở rộng sản xuất và thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch, chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm nhằm tạo cho người tiêu dùng niềm tin vào mức độ vệ sinh, an toàn của nông sản, thực phẩm. Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi, lương thực, rau, hoa quả, gỗ rừng trồng để tăng chủng loại, quy mô và hiệu quả sản xuất lương thực, thực phẩm, rừng kinh tế. Cải thiện chất lượng môi trường công nghiệp chế biến. Hoàn thiện các hệ thống kho lưu giữ, bảo quản, hệ thống chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm ở cấp tỉnh huyện. Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi và sử dụng nguồn lao động nông thôn. Đa dạng hóa cơ cấu sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, phân công lại lao động nông thôn, tạo điều kiện cho việc định cư ổn định, giảm bớt sức ép di dân từ nông thôn ra thành thị.  Củng cố và hoàn thiện hơn nữa hệ thống dịch vụ kỹ thuật hiện có đối với các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi. Thiết lập một hệ thống hướng dẫn sản xuất và tiêu thụ nông sản.Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển các công trình thuỷ lợi nhằm tăng diện tích được tưới tiêu chủ động. Giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân và vật nuôi ở những vùng dân cư nghèo.Phát triển các ngành nghề và doanh nghiệp phi nông nghiệp ở nông thôn phải đi đôi với việc xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp, làng nghề tập trung, có đủ kết cấu hạ tầng bảo đảm hạn chế khả năng gây ô nhiễm. Nghiên cứu để hình thành mạng lưới các tổ chức làm công tác tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống. Chủ động quy hoạch và xây dựng các cụm làng nghề, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung ở vùng nông thôn để phát triển kinh tế, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường do các ngành nghề này gây ra.

 Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển những giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao, không thoái hoá, không làm tổn hại tới đa dạng sinh học. Hình thành các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, nhập khẩu có chọn lọc và thẩm định kỹ những giống cây trồng, vật nuôi của nước ngoài.Phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, phân bón phân giải chậm phục vụ cho việc phát triển nền nông nghiệp sinh thái.Mở rộng việc áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện phổ cập quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM). Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi của địa phương. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

 Đến năm 2020 đất nông nghiệp có 385.600ha (tăng 352ha so với năm 2010) chiếm 76,61% đất tự nhiên và trong đó được sử dụng:

+Đất trồng lúa: 29.260ha (Giảm 2.827ha so với năm 2010) chiếm 7,59% diện tích đất nông nghiệp.

+Đất rừng phòng hộ: 100.175,5ha (giảm 630 ha so với năm 2010) chiếm 25,97% diện tích đất nông nghiệp.

+Đất rừng đặt dụng: 87.056ha (tăng 7.988,97ha so năm 2010) chiếm 22,57% diện tích đất nông nghiệp.

+Đất rừng sản xuất: 144.193,5ha (tăng 4.107,39ha so năm 2010) chiếm 37,3 đất nông nghiệp.

Đối với đât lâm nghiệp có rừng: Trong thời gian tới tập trung bảo vệ nghiêm ngặt vốn rừng hiện có, đầu tư trồng mới, phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặt dụng, tăng cường trồng rừng kinh tế.

+Đất nuôi trồng thủy sản: 6.000ha tăng không đang kể. (sẽ giảm nuôi hạ triều và tăng nuôi cao triều)

+Cây công nghiệp lâu năm: 18.916 ha (tăng 4.138 ha so năm 2010)

 2)Đất phi nông nghiệp:

 Đến năm 2020 được sử dụng theo hướng rà soát các loại đất sử dụng ít hiệu quả, còn lãng phí để bổ sung đất phát triển các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng.

Diện tích đất phi nông nghiệp sẽ có 87.400ha chiếm 17,36% đất tự nhiên, trong đó:

-Đất quốc phòng: 1.520ha tăng 150ha so năm 2010 chiếm 1,78% đất phi nông nghiệp.

-Đất an ninh: 1.825ha tăng 105ha, so năm 2010 chiếm 2,13% đất phi nông nghiệp.

-Đất bãi rác, xử lý chất thải: 190ha tăng 116ha, chiếm 0,22% so với đất phi nông nghiệp.

-Đất khu công nghiệp: 3.930ha tăng 3.553ha, chiếm 4,59% đát phi nông nghiệp.

-Đối với đất nghĩa địa: Chấn chỉnh và tăng cường quản lý đất xây dựng mồ mã, cấm mở rộng đất nghĩa địa trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó vận đọng nhân dân thay đổi tập quán chôn cất từ “địa táng” sang “hỏa táng” mục đích là giảm đất nghĩa địa.

3)Đối với đất chưa sử dụng: Tăng cường đầu tư khai hoang cải tạo đất, đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

 3.Một số chính sách sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên đất:

 * Về chính sách, pháp luật:

- Bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn các chính sách và pháp luật về quyền sở hữu, sử dụng và quản lý nhà nước về đất đai. Xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin về tài nguyên đất.

- Quy hoạch và quản lý sử dụng tài nguyên đất đối với tất cả các đối tượng sử dụng đất.

- Tiếp tục xây dựng và ban hành các chính sách, các quy định về quản lý đất dốc, đất lưu vực sông và đất ngập nước.

- Lồng ghép tốt hơn nữa các chính sách quốc gia với các kế hoạch hành động quốc tế về việc chống thoái hoá và sử dụng đất bền vững.

* Về kinh tế:

- Điều hoà sự phân bố dân số và di dân giữa các vùng  nhằm giảm áp lực của dân số đối với tài nguyên đất.

- Có những giải pháp hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực vùng núi, định canh định cư, bảo vệ và phát triển rừng, chống xói mòn đất.

- Xây dựng các chương trình tổng hợp nhằm bồi dưỡng, "trẻ hóa" đất nông nghiệp ở các vùng đồng bằng đông dân.

- Nghiên cứu và áp dụng các hệ thống sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp liên hoàn ở các vùng sinh thái khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

 * Về kỹ thuật:

 - Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp (nông học, sinh học, hóa học, cơ học...) và đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu.

- Thực hiện tuần hoàn hữu cơ trong đất. Trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế, thương mại cao nhưng ít phải xới xáo đất và thực hiện các hệ thống nông-lâm-súc kết hợp ở vùng đất dốc.

- Quản lý lưu vực để bảo vệ đất và nước, phát triển thuỷ lợi, giữ cân bằng sinh thái và điều hoà các tác động lẫn nhau giữa đồng bằng và miền núi.

- Tái tạo lớp phủ thực vật bằng cây rừng hoặc tổ hợp nông-lâm kết hợp để bảo vệ độ phì nhiêu của đất và sử dụng bền vững đất dốc.

*  Về nhận thức:

 - Nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất.

 - Đào tạo và huấn luyện để nâng cao kiến thức của nhân dân về công nghệ, kỹ thuật sử dụng và quản lý đất.

 - Tổ chức tuyên truyền và phát động phong trào quần chúng áp dụng các mô hình tiên tiến về sử dụng bền vững tài nguyên đất.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày