Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.289.960
Truy câp hiện tại 17.021
CÔNG NGHỆ BIOFLOC TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Ngày cập nhật 09/06/2014

Trong nuôi tôm, môi trường nước là một phần rất quan trọng  để góp phần nuôi tôm, cá đạt hiệu quả cao về năng suất cũng như kinh tế. Mặc dù hiện nay bà con ngư dân đã nắm bắt kỹ thuật nuôi tôm, cá cao và nhiều năm kinh nghiệm nhưng không tránh khỏi việc tôm, cá bị bệnh hàng năm do môi trường nước và thời tiết bất lợi. Để cải thiện môi trường nước, đã có nhiều công nghệ chế phẩm sinh học được áp dụng như men vi sinh, Bio-Probiotic, Nani-deni,… Tuy nhiên, chỉ cải thiện được một phần nào đó và tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra hàng năm.

1.Đặt vấn đề

Công nghệ Biofloc được coi là công nghệ sinh học theo hướng mới được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng. Công nghệ Biofloc giải quyết được hai vấn đề trong nuôi trồng thủy sản:  loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước trong ao nuôi và sử dụng nó để làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho đối tượng nuôi.
Công nghệ Biofloc đã được các nước trên thế giới sử dụng thành công  từ năm 2004 tại một số nước như Indonesia, Malaysia,.. Tại Việt Nam, một số đã áp dụng thành công như tỉnh Ninh Thuận (2012), Bà rịa- Vũng Tàu (2013). Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, công ty CP đã ương tôm chân trắng  hơn một năm nay và đạt kết quả khả quan. Hiện nay, công ty CP đang thử nghiệm nuôi tôm thịt và dự kiến thu hoạch vào tháng 6/2014.
2.BIOFLOC nghĩa là gì?
Tại Việt Nam, trong ao nuôi tôm thay vì thường nuôi (cấy) tảo, người nuôi  tạo môi trường nuôi các vi khuẩn dị dưỡng có lợi, phân hủy chất thải trong ao nuôi thành cơ chất mà tôm có thể sử dụng lại; tạo bất lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển. Nước ao nuôi tôm cá luôn có vi khuẩn dị dưỡng. Chúng có khả năng đồng hóa chất thải hữu cơ, chuyển thành sinh khối của vi khuẩn (giàu protein) trong thời gian rất ngắn mà không cần ánh sáng như các loại tảo. Nếu được giữ lơ lửng liên tục trong nước, khi đã đạt mật độ nhất định, các vi khuẩn sẽ kết dính với nhau thành những hạt nhỏ, gọi là floc. Floc có 2 - 20% tế bào sống và 60 - 70% là chất hữu cơ. Trên hạt floc có các vi khuẩn dị dưỡng và nhiều sinh vật khác như nấm, tảo, động vật phù du….
Tóm lại, Biofloc là hỗn hợp của vi sinh vật, động vật không xương sống, tảo, vi khuẩn và các hạt vật chất hữu cơ. Mỗi hạt floc được gắn kết với nhau bởi các chất nhờn được tiết ra từ vi khuẩn, các vi sinh vật dạng sợi hoặc do lực hút tĩnh điện. Vì thế mà các hạt floc này có giá trị dinh dưỡng cao, có thể sử dụng làm thức ăn cho tôm, cá.
PHẦN II. ÁP DỤNG BIOFLOC
1.Những loài thích hợp nuôi với công nghệ Biofloc
Hệ thống biofloc phù hợp nhất đối với những loài có khả năng chịu đựng hàm lượng chất rắn lơ lửng cao trong nước và là những loài tôm cá có thể sử dụng trực tiếp các hạt biofloc. Những loài tôm, cá rô phi hoặc cá chép có đặc điểm sinh lý học phù hợp, do chúng tiêu hóa protein từ vi khuẩn và sử dụng các hạt biofloc như là một nguồn thức ăn. Do đầu tư hệ thống sục khí và ao nuôi cao nên ở Việt Nam chỉ mới áp dụng cho nuôi tôm, chủ yếu là tôm chân trắng.
Không nên áp dụng công nghệ Biofloc cho cá da trơn và cá vượt lai (hybrid striped bass) vì chúng không thể chịu đựng được điều kiện môi trường có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao và không thể lọc được các hạt biofloc trong nước.
2.Nguyên liệu chính trong công nghệ Biofloc
Trong môi trường nuôi tôm rất giàu chất thải hữu cơ. Vì thế dẫn đến tình trạng Nitơ thì thừa mà Cacbon (C) lại thiếu so với nhu cầu của vi khuẩn. Bổ sung đủ C sẽ giúp vi khuẩn phát triển, sử dụng hết các chất thải hữu cơ, chuyển hóa amonia, làm sạch môi trường. Nguồn C hữu cơ có thể dùng để bổ sung vào ao nuôi thường là nước rỉ đường/ mật mía hoặc bột mì/ bột sắn hoặc hạt ngũ cốc dạng viên. Tốt nhất nên dùng nước rỉ đường sẽ tốt cho môi trường hơn.
Công nghệ Biofloc tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn dị dưỡng phát triển mạnh bằng cách: bổ sung nguồn carbon rẻ tiền vào môi trường ao để cân đối với hàm lượng Nitơ có sẵn, duy trì mức độ khuấy đảo nước trong ao và hàm lượng oxy hòa tan thích hợp .
3.Thuận lợi và khó khăn
Thuận lợi: Công nghệ Biofloc mang tính an toàn sinh học cao. An toàn sinh học là một yếu tố chính đối với nghề nuôi tôm bền vững. Tôm tăng trưởng nhanh, năng xuất và sản lượng cao và chi phí sản xuất thấp hơn 15-20% so với hệ thống nuôi thông thường. Đặc biệt, bệnh đốm trắng không còn đáng lo ngại trong hệ thống này. Không cần thay nước trong quá trình nuôi (chỉ chêm nước khi cần). Các thông số môi trường ổn định khi thời tiết thay đổi.
Khó khăn: Các ao nuôi phải lót bạc hoặc làm bằng xi măng. Hệ thống sục khí cần nguồn năng lượng lớn, nếu mất điện trong khoảng thời gian 1 giờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nuôi tôm. Cần quan sát kỹ ao nuôi vào thời điểm 25-55 ngày tuổi khi môi trường ao nuôi chuyển từ tảo sang Biofloc. Ngoài ra, cần cán bộ chuyên môn am hiểu rõ về công nghệ này.
( Bài viết này mang tính tổng hợp từ các bài báo trong và ngoài nước)
 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày