Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.338.922
Truy câp hiện tại 2.382
Xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tại và chủ động hội nhập quốc tế
Ngày cập nhật 22/07/2021

        Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn thể hiện được vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và là trụ cột quan trọng giúp đất nước vượt qua những cuộc khủng hoảng. Mặc dù thường xuyên đối mặt những với thiên tai dịch bệnh, sự bất ổn của thị trường nhưng ngành nông nghiệp luôn tăng trưởng ổn định, sản xuất ngày càng phát triển không những đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng đa dạng trong nước và còn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn từ đại dịch Covid-19, từ sự cạnh tranh toàn cầu, từ thiên tai dịch bệnh, từ cạn kiệt về tài nguyên và tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế với đặc trưng của nền sản xuất nhỏ lẻ, đất đai manh mún, công nghệ chưa hiện đại. Để có thể duy trì tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng nông sản, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hội nhập tốt thì cần có giải pháp đồng bộ trong đó việc chuyển đổi nông nghiệp thông minh (NNTM) là giải pháp vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay

1. Nông nghiệp là trụ đỡ, động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn thể hiện được vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và là trụ cột quan trọng giúp đất nước vượt qua những cuộc khủng hoảng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao, nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và vị thế hàng đầu trên thị trường thế giới.

Mặc dù thường xuyên đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, sự bất ổn của thị trường nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam luôn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định so với các quốc gia trong khu vực. Trong 10 năm gần đây (2009-2019), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước. Từ một nước hàng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, với bình quân xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo/năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng đồng bộ, toàn diện đáp ứng nhu cầu nội địa và dư thừa phục vụ xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản được mở rộng. Đến nay, sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về giá trị xuất khẩu, nông sản Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới với 10 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ[1]. Năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm nông sản lập nên kỳ tích, đạt 41,3 tỷ đô la Mỹ.

Trong thời gian qua, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp không ngừng được triển khai rộng khắp đi sâu vào nâng cao năng suất chất lượng giá trị gia tăng. Đến nay, Việt Nam đã hình thành 3 trục sản phẩm với định hướng phát triển đồng bộ là nhóm các sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm địa phương bản địa. Cả ba trục sản phẩm đều phát triển mạnh và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Tổ chức sản xuất cũng không ngừng đổi mới, đặt biệt là trong 5 năm gần đây. Quy mô sản xuất hộ ngày càng tăng lên, số lượng trang trại ngày càng nhiều và đa dạng. Cả nước đã có 36 ngàn trang trại. Số lượng HTX cũng được tăng nhanh, đến nay cả nước đã có gần 17.000 HTX nông nghiệp (tăng 1,5 lần năm 2015) trong đó có trên 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (chiếm 88%) vượt xa nhiều so với 18,6% của năm 2015. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều, với quy mô ngày càng mở rộng công nghệ hiện đại. Đến nay, cả nước có gần 13 nghìn doanh nghiệp nông nghiệptăng gấp 3 lần năm so với 2015. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây có khoảng 20 dự án chế biến nông sản với công nghệ hiện đại đầu tư vào nông nghiệp với quy mô hàng trăm triệu đô la.

Cùng với quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những thành quả vô cùng quan trọng góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân, xây dựng vùng nông thôn ngày càng xanh sạch đáng sống. Cuối năm 2019, cả nước có 4.806 xã đạt chuẩn (chiếm 54%), về đích trước 1,5 năm so với kế hoạch đề ra. Hết tháng 7 năm 2020, số xã nông thôn mới là 5.312 xã (59,8%). Có 143/664 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập người dân nông thôn không ngừng nâng cao. Năm 2019, thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 39,3 triệu đồng/người,tăng khoảng 1,9 lần năm 2015.

2. Nông nghiệp đang phải đối mặt với các thách thức lớn mang tính toàn cầu

Mặc dù đạt nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng ngành nông nghiêp đang phải đối mặt những thách thức rất lớn mang tính toàn cầu.

Thứ nhất đó là sự suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Oxford Economics đã lên tiếng cảnh báo đại dịch toàn cầu này có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 1.000 tỷ đô la Mỹ do năng suất lao động giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đầu tư, thương mại và du lịch suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới tháng 6 năm 2020 cho thấy do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu có thể giảm ở mức 5,2% trong năm 2020. Các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và thương mại thế giới nếu không có sự áp dụng những công nghệ thông minh.

Thứ hai là biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt và phức tạp, gây ra nhiều tác động cực đoan tới môi trường và con người. Thiên tai và thảm hoạ tự nhiên có xu hướng gia tăng với tần suất xuất hiện ngày càng dày hơn so với quy luật trước đây, có thể gây thiệt hại trực tiếp đến quá trình vận hành nền kinh và đời sống người dân. Việt Nam được dự báo là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH và nước biển dâng vì phần lớn dân số, cơ sở hạ tầng và sản xuất nằm ở vùng đồng bằng và vùng đất thấp ven biển. Việt Nam luôn nằm trong 10 quốc gia có mức độ rủi ro khí hậu trong dài hạn cao nhất[2]. Tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn như rét đậm, rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc Bộ; Hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi. Tổng thiệt hại do thiên tai hàng năm ngày càng cao. Năm 2016 thiệt hại do thiên tai là 39 nghìn tỷ đồng và năm 2017 lên tới 60 nghìn tỷ.

Thứ ba là môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên suy thoái và dịch bệnh ra tăng. Tăng trưởng nông nghiệp dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, mặc dù đạt được các mục tiêu kinh tế nhưng gây tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên (rừng ngập mặn ven biển, tài nguyên nước ngầm, nguồn lợi hải sản ven bờ, đa dạng sinh học, tài nguyên đất...). Lạm dụng đầu vào, yếu kém trong quản lý tài nguyên nước và ít tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là nguyên nhân gây ra ô nhiễm và tăng phát thải khí nhà kính (KNK).  Dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối lo của toàn xã hội. Dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp. Công tác bảo vệ thực vật và quản lý thú y chưa được đầu tư đúng mức, chưa chủ động phòng tránh ngăn ngừa bệnh dịch từ khi chưa xảy ra. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở khắp 63 tỉnh thành, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và nền kinh tế nói chung, làm giảm tỷ lệ tăng trưởng ngành ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và sinh kế của nông dân.

Thứ tư, là sự bất ổn trong thương mại toàn cầu và cạnh tranh ngày càng mạnh. Phát triển kinh tế xã hội gia đoạn 2016 - 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm mạnh. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ ảnh hưởng mạnh tới thương mai toàn cầu. Ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia, có xu hướng tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp thông qua những rào cản kỹ thuật chặt chẽ hơn trước đây. Theo đó, các hiệp định thương mại song phương phát triển và mở rộng trở thành liên kết thương mại giữa các quốc gia nhưng hội nhập cũng tạo nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đối với các nông sản cả ở thị trường quốc tế và ngay tại thị trường trong nước.

Có thể nói, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn. Trong khi đó, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, quy trình canh tác nhìn chung còn chưa hiện đại, thiếu liên kết trong sản xuất cũng như kết nối với thị trường. Năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Năm 2019, năng suất lao động ngành nông lâm thủy sản đạt 44,7 triệu đồng/lao động, bằng 40,5% năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 35,6% năng suất lao động ngành công nghiệp, xây dựng và bằng 27,8% năng suất lao động các ngành dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, ước đạt bình quân 2,71%/năm trong giai đoạn 2016-2020, thấp hơn mục tiêu kế hoạch trong bối cảnh đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và rủi ro thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh những thách thức thì ngành nông nghiệp cũng đứng trước những cơ hội không nhỏ về mở rộng thị trường do các hiệp định thương mại đem lại. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội rất lớn để giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm. BĐKH ảnh hưởng lớn nhưng cũng tạo cơ hội phát triển đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập người dân. Tuy nhiên để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh nông sản thì cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành với hệ thống các giải pháp đồng bộ trong đó chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh là giải pháp vô cùng quan trọng.

3. Xây dựng nền nông nghiệp thông minh là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất, giữ vững tăng trưởng, thích ứng với BĐKH và góp phần hội nhập tốt hơn vào thị trường toàn cầu

Theo định nghĩa của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), nông nghiệp thông minh (NNTM) là nền “nông nghiệp sử dụng công nghệ mới, tiên tiến  trong hệ thống sản xuất nông nghiệp- thực phẩm thúc đẩy tăng năng suất bền vững thông qua việc cung cấp cho người nông dân và các chủ thể đưa ra các quyết định sản xuất chính xác và phù hợp”. Các công nghệ hiện đại và mới xuất hiện như dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, tự động hóa, số hóa,  Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo ...  là các thành tố quan trọng của NNTM. NNTM được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới để chuyển đổi nền sản xuất truyền thống sang nền sản xuất cho năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và ứng phó chủ động với BĐKH và các rủi ro thiên tai. NNTM có thể thực hiện trên tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ sản xuất (thông qua công nghệ giống, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số, công nghệ sinh học, mã số vùng trồng, vùng nuôi), chế biến (qua áp dụng công nghệ mới, quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm v.v.) và tiêu thụ (mã hóa nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối và dịch vụ logistic, quản lý khối, thương mại điện tử...).

NNTM có thể giúp giải quyết nhiều thách thức, đặc biệt là sự khan hiếm tài nguyên (đất, nước, đa dạng sinh học, năng lượng tự nhiên,...) và giảm nhẹ BĐKH thông qua việc tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên và đầu vào của sản xuất. Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), máy tự học và internet vạn vật (IoT) là những ứng dụng đột phá của khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Dữ liệu lớn có thể cung cấp thêm nhiều thông tin về đất, hạt giống, vật nuôi, cây trồng, chi phí, năng lực của máy móc, thiết bị nông nghiệp và liều lượng sử dụng các nguồn đầu vào như nước, phân bón, đất đai một cách chính xác và hiệu quả nhất. Sử dụng dữ liệu lớn, các mô hình AI có thể phân tích và cung cấp thông tin chi tiết về cách tối ưu hóa năng suất, cải thiện kế hoạch và đưa ra quyết định thông minh nhằm giảm thiểu lãng phí và tăng sản lượng và chất lượng. Với NNTM, hầu hết các công nghệ hiện đại được sử dụng để tối ưu hóa năng suất trên một đơn vị đất canh tác, do đó đạt được chất lượng, số lượng và lợi nhuận tài chính tốt nhất. Điều này giúp người sản xuất đưa ra quyết định tốt hơn, giảm lãng phí và tối đa hóa hiệu quả.

4. Chuyển đổi NNTM ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định

Theo APO[3], cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa và trí tuệ nhân tạo là các yếu tố công nghệ mang tính quyết định trong quá trình chuyển đổi NNTM và mức độ kết hợp giữa các thành tố này trong hệ thống sản xuất phản ánh mức độ chuyển đổi NNTM của mỗi quốc gia[4]. Việt Nam được xếp trong nhóm chuyển đổi NNTM trung bình của các nền kinh tế APO. Tuy nhiên, chuyển đổi NNTM ở Việt Nam đang diễn ra nhanh và ngày càng phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như công nghệ sản xuất cây trồng trong nhà kính, với hệ thống điều khiển tự động và bán tự động về chế độ chiếu sáng (bóng đèn Led Rạng Đông được sản xuất dựa trên bước sóng riêng phù hợp cho cây Thanh long sinh trưởng và phát triển), nhiệt độ, tưới nước, bón phân, phun thuốc. Công nghệ trồng thủy canh, khí canh và trên giá thể đang trở nên quen thuộc với người trồng. Ứng dụng của hệ thống tưới nhỏ giọt điều áp là giúp việc tưới cây đơn giản hơn và sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn. Trong chăn nuôi đã có những phần mềm ứng dụng quản lý và kiểm soát sức khỏe, chế độ ăn, dinh dưỡng cho từng vật nuôi. Công nghệ định vị toàn cầu (GPS), mạng viễn thám và Internet được áp dụng tại các trang trại lớn để tạo ra các hệ thống điều khiển học giúp tối ưu hóa việc sử dụng đầu vào của cây trồng dựa trên nhu cầu thực tế. Các hệ thống này có thể cung cấp thông tin về đất đai, nhu cầu sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi, điều kiện thời tiết, năng suất cây trồng. Các lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện tại áp dụng khá thành công và phổ biến các công nghệ này trong việc quản lý mực nước lũ, theo dõi hồ đập, phòng chống cháy rừng. Trong quản lý chuỗi thực phẩm, công nghệ Blockchain có thể cung cấp khả năng hiển thị thực phẩm có sẵn trong các cửa hàng làm tăng lòng tin của người tiêu dùng và nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm. Hệ thống này đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam và đưa vào áp dụng đối với truy suất nguồn gốc với thịt lợn ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nông sản ở Việt Nam.

5. Cơ sở hạ tầng xây dựng nền NNTM đang phát triển nhưng Việt Nam còn nhiều gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong việc phát triển nền NNTM

Hiện nay, điều kiện để thúc đẩy phát triển NNTM ở Việt Nam ngày càng phát triển. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đứng trong nhóm các nước đứng đầu ASEAN. Chỉ số Tiếp nhận công nghệ toàn cầu (DAI) Việt Nam xếp 4,6/10, cao hơn mức trung bình của thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2019 hơn 99% người dânở khu vực nông thôn sử dụng điện và 68% ở khu vực nông thôn sở hữu điện thoại thông minh cho thấy mức độ sẵn sàng cao cho quá trình số hóa trong NNTM nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển tốt có thể được coi là phương thức hữu hiệu để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh, đồng thời là nền tảng cơ bản để phát triển một nền NNTM. Thể chế hỗ trợ NNTM đang dần hoàn thiện. Tháng 9 năm 2019, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) được thành lập mở ra cơ hội đầu tư mới cho lĩnh vực số hóa trong nông nghiệp của Việt Nam. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây cũng là những cơ sở rất quan trọng để thúc đấy chuyển đổi NNTM tại Việt Nam. Đây là những định hướng lớn thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và ứng dụng công nghệ nói riêng trong nông nghiệp.

Mặc dù vậy, Việt Nam còn nhiều khó khăn hạn chế để phát triển một nền NNTM.

Thứ nhất là hạn chế về thế chế chính sách cho chuyển đổi NNTM. Mặc dù đã có một số chính sách được ban hành nhằm thúc việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nói chung và hiện đại hóa nông nghiệp nói riêng[5], tuy nhiên còn bất cập trong việc triển khai các chính sách trên thực tế nhất là các chính sách liên quan đến tiếp cận đất đai, vốn, tiếp cận công nghệ mới, bảo hiểm tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao hoặc đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới (số hóa, tự động hóa, tuần hoàn khép kín v.v.).

Thứ hai là công nghệ cho chuyển đổi NNTM.Chi tiêu cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Việt Nam ở mức thấp hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 0,37% GDP)[6]. Ngân sách nhà nước còn chiếm chủ yếu trong tổng chi R&D của Việt Nam  với 56,7%. Tỷ lệ đổi mới công nghệ của Việt Nam rất thấp (xếp thứ 71 trong số 137 nền kinh tế được đánh giá). Đánh giá về yếu tố công nghệ trong chuyển đổi NNTM ở Việt Nam theo thang 5 mức của APO, thì Việt Nam vẫn chủ yếu ở Mức 1- mức cơ bản, nghĩa là quá trình sản xuất nông nghiệp  vẫn được thực hiện chủ yếu bởi con người với sự hỗ trợ của công cụ, máy móc (cơ giới hóa) và máy tính, mặc dù đã xuất hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC (cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ số).

Thứ ba là về chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi NNTM. Theo Báo của Diễn đàn Kinh tế Thế (WFF) giới năm 2017, lao động có kỹ năng của Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm trung bình thấp, riêng lao động trình độ trung cấp trở lên Việt Nam gần như xếp cuối bảng (128/130) trong khi công nhân tay nghề cao xếp thứ 99 trong số 130 quốc gia được đánh giá. Báo cáo của WEF cũng chỉ ra mức độ sẵn sàng CMCN 4.0 của Việt Nam khá thấp, chỉ nằm trong nhóm “non trẻ”. Các chỉ số công nghệ và sáng tạo xếp thứ 90; nhân lực xếp hạng 70; thể chế xếp hạng 53. Tổng thể, Việt Nam mới đạt 51,2 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 70 trên 120 quốc gia.

Thứ tư là về hạ tầng sản xuất cho chuyển đổi NNTM. Nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ diện tích canh tác bình quân trên một lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng 0,6 - 0,8 lần của Campuchia, Myanmar hay Philippin,  không thuận lợi cho việc kích thích liên kết chuỗi giá trị và áp dụng NNTM. Cơ sở hạ tầng cơ bản hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế ngay cả ở những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

6. Một số định hướng chiến lược cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang tập trung để đẩy mạnh chuyển đổi NNTM ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số vào trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang xây dựng kế hoạch hành động đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang triển khai xây dựng chương trình số hóa ngành nông nghiệp, trước mắt tập trung ưu tiên cho ba lĩnh vực là phòng chống thiên tai, thủy sản và lâm nghiệp. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng vừa hoàn thiện Đề án Cơ giới hóa nông nghiệp và ngành chế biến nông sản trình Chính Phủ và  đang xây dựng Đề án tin học hóa trong thu thập và phân tích dự báo thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT ưu tiên tạo điều kiện phát triển và áp dụng những công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, để chuyển đổi NNTM mạnh hơn, đồng bộ hơn thì cần có những định hướng chiến lược dài hạn trong đó cần tập trung vào các giải pháp sau.

Một là, cần sớm xây dựng Chương trình tổng thể chuyển đổi NNTM với một lộ trình rõ ràng và các bước đi cụ thể cho từng lĩnh vực, vùng, chuỗi cung ứng  (từ sản xuất - chế biến- hệ thống logistic - thương mại) gắn liền với, ưu tiên tập trung vào các chuỗi nông sản chủ lực quốc gia (thủy sản, chế biễn gỗ, lúa gạo, rau, trái cây, cà phê,  điều,…), các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên) các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các tỉnh đã được phê duyệt và thành lập các Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (AHTZ).

Hai là, có chính sách hỗ trợ thành lập các vườn ươm/trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp NNTM. Huy động các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế và hỗ trợ kinh phí thúc đẩy các chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển bộ của các trung tâm này. Thúc đẩy các mô hình liên kết đa tác nhân, đa lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm nâng cao năng lực và kiến thức, kinh nghiệm quản lý vận hành hiệu quả các mô hình Chuyển đổi NNTM. Đào tạo nâng cao kỹ năng nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới tiên tiến  cho lực lượng lao động và các bên liên quan trong các chuỗi cung ứng nông sản làm tiền đề cho việc cải thiện Chỉ số tiếp thu công nghệ và Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Ba là, tiến hànhxây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư cho chuyển đổi NNTM một cách khả thi và hiệu quả.

Bốn là, xây dựng các khung chính sách để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, số hóa tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới (tự động hóa, số hóa, công nghệ sinh học, , IoT, AI, dữ liệu lớn v.v) trong việc lập kế hoạch, sản xuất, kinh doanh và kết nối thông tin cung – cầu – thị trường của sản phẩm. Tạo lập môi trường chính sách thuận lợi (như trong việc tiếp cận đất đai, vốn, công nghệ, thông tin, tiêu chuẩn, cơ sở dữ liệu quốc gia liên ngành về đất đai, khí tượng thủy văn, ảnh vệ tinh, diễn biến tài nguyên, rủi ro thiên tai v.v) cho các doanh nghiệp và người sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ số, phát triển thương mại điệu tử, kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, tăng cường truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm và hội nhập thương mại quốc tế./.

          

Tài liệu tham khảo

APO (2019). Chuyển đổi nông nghiệp thông minh cho các nước tổ chức năng suất Châu á, Tokyo, Nhật Bản.

Bộ NN&PTNT (2020). o cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quc gia đến năm 2020”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016). Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam. Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.

David Eckstein, Vera Künzel, Laura Schäfer, Maik Winges (2019). Chỉ số rủi ro khí hậu Toàn cầu năm 2020.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (2018).o cáo nhân lực toàn cầu năm 2017.

Ngân hàng Thế giới (2016). Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị giảm đầu vào, Báo cáo phát triển Việt Nam 2016.

Ngân hàng Thế giới (2020). Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2020/Global Economic Prospects 2020. A World Bank Group Flagship Report, June 2020. 1818 H Street NW, Washington, DC 20433.

Viện Quản lý kinh tế Trung Ương (2018). nh sẵn sàng của Việt Nam tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: so sánh Việt Nam và Trung Quốc.

 

Nguồn: Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

 


[1] Gạo, cà phê, rau quả, cao su, tiêu, điều, sắn, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm gỗ

[2] Việt Nam đứng lần lượt đứng thứ 8, 8, 9 và  6 cho các các giai đoạn tương ứng là 1996-2015, 1997-2016, 1998-2017 và 1999-2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày