Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.297.951
Truy câp hiện tại 1.658
HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Ngày cập nhật 26/04/2023

Sáng ngày 25/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Long An - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hội nghị nhằm chào mừng kỷ niệm “Ngày đổi mới sáng tạo thế giới 21-4” và “Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18-5”.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình sản phẩm quốc gia. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Nhờ đó, ở khắp mọi miền đất nước, không ít những nhà khoa học đang âm thầm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, theo đuổi niềm đam mê khoa học… Không ít các học viện, viện, nhà trường không ngừng cố gắng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá về những đóng góp của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng đó là những đóng góp rất to lớn, góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới.

Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030:  Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030; có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030. Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.

Ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, đầu tư các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm chua phèn, sử dụng chế phẩm Metazhium phòng trừ rầy gây hại trên cây lúa, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP... Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, hướng tới tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, thực hiện các Đề án phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị tại các địa phương... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông thôn mới thông minh; xây dựng hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất./.

TÔN THẤT NIỆM - VPS
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày