Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 12.718
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy chế Phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 08/06/2020

      Ngày 20 tháng 5 năm 2020, ông Nguyễn Văn Phương Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký ban hành Quy chế Phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

   Hiện nay do hậu quả của sự biến đổi khí hậu toàn cầu nên tình hình thời tiết diễn biễn ngày càng thất thường và khắc nghiệt. Tình hình cháy rừng vì thế cũng diễn biến rất phức tạp và khó lường. Mức độ các đám cháy rừng cũng ngày càng lớn không những gây ảnh hưởng đến rừng, độ che phủ rừng mà còn đe dọa nghiêm trọng các hạ tầng năng lượng quốc gia như cột điện cao thế, đường dây truyền tải điện quốc gia…

   Chính vì vậy việc ban hành một quy chế để đạt được sự đồng thuận giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, quân đội... là thực sự rất cần thiết. Ngoài ra trong quy chế còn nêu rõ trách nhiệm bảo vệ, chữa cháy rừng không chỉ của các cơ quan nhà nước mà còn là các cá nhân, tổ chức và các chủ rừng những người có liên quan đến hoạt động chữa cháy rừng, chú trọng nguyên tắc “Thực hiện phương châm 04 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi cháy rừng xảy ra”.

   Cụ thể hơn trong Mục 1 Chương II Quy chế phối hợp lực lượng tham gia chữa cháy đã nêu chi tiết về các lực lượng chữa cháy và sự phân công chỉ đạo chỉ huy, phối hợp như:

Điều 6. Phân công, phối hợp của các lực lượng tham gia chữa cháy rừng

1. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng cấp tỉnh: Khi có cháy rừng lớn, hoặc nguy cơ cháy lớn; cháy rừng vùng giáp ranh giữa các huyện; vùng giáp ranh với tỉnh khác, lực lượng chữa cháy rừng cấp tỉnh quy định như sau:

a) Lực lượng chính gồm: Lực lượng của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh, Kiểm lâm, chủ rừng có rừng bị cháy;

b) Lực lượng phối hợp gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị Quân đội trung ương đóng quân trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng tại địa phương nơi xảy ra cháy rừng, các chủ rừng khác khi được huy động.

2. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng cấp huyện: Khi có cháy rừng lớn, hoặc nguy cơ cháy lớn; cháy rừng vùng giáp ranh giữa các xã; vùng giáp ranh với huyện khác, lực lượng chữa cháy rừng cấp huyện quy định như sau:

a) Lực lượng chính gồm: Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Kiểm lâm cấp huyện, chủ rừng có rừng bị cháy;

b) Lực lượng phối hợp gồm: Cơ quan Quân sự cấp huyện, cơ quan Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn, các đơn vị Quân đội trung ương đóng quân trên địa bàn huyện, Công an cấp huyện, lực lượng tại địa phương nơi xảy ra cháy rừng và địa phương lân cận, các chủ rừng khác khi được huy động.

3. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng cấp xã

a) Lực lượng chính gồm: Chủ rừng có rừng bị cháy, Kiểm lâm địa bàn;

b) Lực lượng phối hợp gồm: Dân quân tự vệ, Công an cấp xã, lực lượng dân phòng, tổ đội bảo vệ rừng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng của thôn, bản, làng, tổ dân phố, lực lượng tại địa phương nơi xảy ra cháy rừng và địa phương lân cận.

Điều 7. Phân công, phối hợp chỉ đạo và chỉ huy chữa cháy rừng

1. Chỉ đạo chữa cháy rừng

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc người được ủy quyền có mặt tại đám cháy rừng là người chỉ đạo chữa cháy rừng. Người chỉ đạo chữa cháy rừng có nhiệm vụ:

- Huy động, điều phối và phân công các lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguồn nước và vật liệu để chữa cháy rừng;

- Bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy như giao thông, trật tự, thông tin liên lạc, hậu cầu, y tế và công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy rừng.

b) Người đứng đầu các lực lượng tham gia chữa cháy có trách nhiệm phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc người được ủy quyền thực hiện chữa cháy theo chỉ đạo, phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc người được ủy quyền.

2. Chỉ huy chữa cháy rừng

a) Người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

Trường hợp cháy rừng khi chưa có Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn, trưởng bản tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn, trưởng bản hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Người đứng đầu đơn vị Kiểm lâm hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; trường hợp có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng, người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như sau:

- Đối với lực lượng Quân đội, thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

- Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa cháy rừng;

- Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Người chỉ huy chữa cháy rừng có nhiệm vụ:

- Trực tiếp điều hành các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng;

- Tổ chức trinh sát đám cháy; xác định vị trí, hướng chữa cháy chính và việc triển khai lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy, các biện pháp để chữa cháy;

- Quyết định phân chia khu vực chữa cháy và chỉ định người chỉ huy của từng lực lượng chữa cháy rừng theo từng khu vực;

- Báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp quản lý hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền về tình hình, diễn biến của đám cháy;

- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; bảo đảm các hoạt động hỗ trợ trong công tác chữa
cháy rừng;

- Phối hợp tổ chức bảo vệ khu vực chữa cháy, hiện trường vụ cháy; áp dụng các biện pháp bảo vệ tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra vụ cháy, xác định nguyên nhân gây ra cháy rừng;

- Tổ chức tập hợp lực lượng, thu hồi phương tiện trở về đơn vị khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy rừng;

- Sau khi dập tắt đám cháy, yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra hiện trường để đám cháy không bùng phát trở lại;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

b) Người đứng đầu các lực lượng tham gia chữa cháy rừng có trách nhiệm phối hợp với người chỉ huy để tổ chức chữa cháy rừng theo sự chỉ đạo, phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc người được ủy quyền.

   Đính kèm bản tin là toàn văn nội dung Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 Ban hành Quy chế Phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế./.

 

Tập tin đính kèm:
Huỳnh Văn Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày