Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.349.556
Truy câp hiện tại 8.488
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ vưỡng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19
Ngày cập nhật 04/06/2021

Sáng ngày 03/6/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, có Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tham dự hội nghị.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới nhiều tiềm năng.

Trong 04 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông - lâm - thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt tăng trưởng khá, riêng thị trường EU có xu hướng giảm.

Tại hội nghị, đại biểu kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn kỹ thuật trong xuất khẩu, tiêu thụ nông sản như: Đối với ngành hàng thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần bố trí nguồn lực cho các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; đàm phán mở rộng thị trường mới; tăng cường tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và quản lý tốt dịch bệnh gây hại; quản lý chặt chẽ vùng trồng và xây dựng các vùng trồng an toàn; sản xuất các loại nông sản an toàn gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…

Đối với tháo gỡ các khó khăn trong tiêu thụ thủy sản, các đại biểu cho rằng các địa phương tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy tiêu thụ nội địa; vận động người nuôi áp dụng các quy trình nuôi thủy sản an toàn thực phẩm; quy hoạch phạm vi, đối tượng thủy sản nuôi cần giám sát an toàn thực phẩm, dịch bệnh tại địa phương; các doanh nghiệp chế biến thủy sản tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng chống dịch bệnh trong sản xuất; nghiên cứu tuân thủ quy định kỹ thuật của thị trường nhập khẩu; tuân thủ các hướng dẫn về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Đối với ngành hàng động vật và sản phẩm động vật, đại biểu yêu cầu Cục Thú y tìm hiểu các quy định của thị trường nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi; tiếp tục đàm phán, thỏa thuận thú y với các nước để mở rộng thị trường và sản phẩm xuất khẩu; đàm phán về các giải pháp thay thế trong việc kiểm tra trực tiếp hệ thống chăn nuôi, sản xuất sản phẩm động vật Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh; tổ chức hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn khảo sát các vùng nguyên liệu chính đang vào vụ thu hoạch, tới một số cửa khẩu có lượng hàng hoá nông sản xuất khẩu lớn để kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ kiểm dịch ứng trực 24/24h để giải quyết các điều kiện kỹ thuật cho các loại nông sản phục vụ xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hoá trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. 

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng khoảng 10 điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 tại Hà Nội và khoảng 10 điểm ở các tỉnh, thành phố khác; các điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch đều được trang bị hệ thống sát khuẩn, bàn đo thân nhiệt; được bố trí khu vực xếp hàng bảo đảm khoảng cách an toàn và quầy thanh toán. Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ để xem xét thành lập Hiệp hội tiếp thị nông sản Việt Nam; phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn cung, bao gồm sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, truy xuất nguồn gốc thường xuyên để các trung tâm bán lẻ, phân phối lớn xử lý dữ liệu, có kế hoạch chủ động kết nối nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay ở nước ta.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, đảm bảo an toàn thực phẩm các loại nông sản và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh Covid-19 để có giải pháp kịp thời. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; tham mưu Bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật trong tiêu thụ nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày