Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 2.742
Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp
Ngày cập nhật 30/07/2019

Ngày 29/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề " Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững - An toàn- Ứng dụng công nghệ cao". Hội nghị nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời lắng nghe các ý kiến thảo luận và đề xuất của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có những bước phát triển đột phá và bền vững.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện Văn phòng Jica tại Việt Nam. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng sự tham gia của gần 250 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn đã được cải thiên; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2009-2018 bình quân 4,65%/năm.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Thông qua Hội nghị này, Thừa Thiên-Huế mong muốn nhận được nhiều ý kiến đề xuất các nhà quản lý, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về giải pháp cũng như những ý tưởng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế cùng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến khích, ưu đãi chính sách đầu tư vào các dự án như: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao; đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao; khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tỉnh cũng sẽ tập trung vào các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm theo công nghệ mới và các dự án nghiên cứu lai tạo, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao. Thực hiện các dự án nuôi tôm trên cát áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC...) và dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền...

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, tỉnh Thừa Thiên-Huế cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.

Quang cảnh hội nghị

Đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Thừa Thiên Huế có dư địa rất lớn trong phát triển nông nghiệp với đặc điểm về địa hình đa dạng và phong phú có cả ba vùng (đồng bằng, trung du - miền núi và biển, đầm phá)với bờ biển dài 128 km, diện tích đất nông nghiệp chiếm 82% diện tích tự nhiên, diện tích rừng có tính đa dạng sinh học cao; đặc biệt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000 ha lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hệ sinh thái đầm phá đa dạng, có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Từ những yếu tố nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phát huy được những nét đặc trưng riêng có của mình, đó là "Phải xây dựng và phát triển nền nông nghiệp đa dạng; xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ từ cây, con, rừng, dược liệu; xây dựng nền nông nghiệp đặc sản tạo nên sự khác biệt và gắn với chuỗi ẩm thực của riêng Huế... hướng tới phục vụ phát triển du lịch". Để phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu thêm trong quy hoạch và hoạch định chính sách về cơ cấu nông nghiệp, nhất là nông nghiệp nông thôn, đưa "Người nông dân là chủ thể của nền nông nghiệp".

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe tham luận của các nhà nghiên cứu về nông nghiệp như: "Thực trạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực theo chương trình OCOP"; "Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế"; nhất là tham luận của đại diện JICA về "Mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản và khả năng áp dụng tại Việt Nam".

Các doanh nghiệp cũng có tham luận về phát triển sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: "Phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mô hình chăn nuôi gia úc công nghệ cao" của Công ty Cổ phần C.P Việt Nam; "Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản sạch (nông nghiệp hữu cơ), công nghệ sản xuất và cung ứng phân vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm; "Đầu tư giết mổ, chế biến gia súc chất lượng cao và phát triển trang trại cung cấp lợn giống của Công ty BuNong Industries; "Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường" của Công tuy CP Huetronics; "Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng, trồng rừng gỗ lớn theo chứng  chỉ FSC" của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong...

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án phát triển nông nghiệp (Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Fam-Thừa Thiên Huế cho Công ty CP sản xuất và nhập khẩu nông sản FAM; Dự án Vườn Bách thảo trên sông tại xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho Công ty TNHH Tiến Đạt; Dự án khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại phường Hương An, thị xã Hương Trà cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Khang Hân) và ký các biên bản hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Quế Lâm và Công ty Nong Industries.Ltd - Hàn Quốc.

 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án phát triển nông nghiệp

                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

Bạch Ngọc Bảo Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày