Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.342.065
Truy câp hiện tại 4.340
Cần tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế của pháp luật để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính
Ngày cập nhật 02/11/2020

việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tìm ra những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, để từ đó có biện pháp xử lý là việc làm hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nói riêng, cũng như góp phần làm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung.

Trong thực tiễn, còn tồn tại không ít trường hợp quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẩn, không thống nhất, gây nên sự cản trở, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân

Do đó, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tìm ra những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, để từ đó có biện pháp xử lý là việc làm hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nói riêng, cũng như góp phần làm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung.

Chính phủ đã có chỉ đạo tại các văn bản: Thông báo số 136/TB-VPCP ngày 01/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp công bố Quyết định thành lập và triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Công văn số 1202/TCT ngày 01/4/2020 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật về việc cung cấp thông tin, phản ánh về vướng mắc, hạn chế của hệ thống pháp luật.

Qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có một số những vướng mắc, hạn chế nổi bật gây khó khăn, cản trở cho người dân và doanh nghiệp, cần sự quan tâm giải quyết  triệt để. Đó là:

I. Lĩnh vực Đất đai

1. Về quy định đối với công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, cụ thể: tại khoản 4 Điều 5 “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”; khoản 1 Điều 159 “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”; khoản 1 Điều 160 “ Đất tín ngưỡng gồm đất có công trình đình, đền, miếu am, từ đường, nhà thờ họ”.

Tại khoản 4 Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định: Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều cơ sở tôn giáo cùng với đó là nhiều hình thức, chủ sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất như của tổ chức tôn giáo, đơn vị cơ sở tôn giáo, công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư (chùa làng do cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng); chùa tư là do của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng trên đất của hộ gia đình, cá nhân. Hai loại hình chùa làng, chùa tư vừa nêu là không thuộc đất đai và công trình của giáo hội, của tổ chức tôn giáo và thực tiễn cho thấy chùa làng, chùa tư đã tồn tại trong lịch sử.

Trong khi Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 có quy định về cơ sở tương tự khác là hướng mở cho các loại hình nêu trên thì Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định về công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Điều này dẫn đến vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đối với chùa làng, chùa tư.

Đề xuất: Bổ sung quy định đối với các công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư, của hộ gia đình, cá nhân để phù hợp thực tiễn; góp phần thuận lợi trong việc giải quyết các vấn đề liên quan như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các đối tượng sử dụng đất; đồng thời đảm bảo thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.

2. Khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định Tổ chức Phát triển quỹ đất được thực hiện dịch vụ “đấu giá quyền sử dụng đất”.

Điều 15 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định cán bộ công chức không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá trừ cán bộ công chức làm việc cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Đề xuất: Bổ sung cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá cho cán bộ viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất khi có đủ điều kiện để thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất.

3. Theo quy định 2 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 91, điểm a, khoản 1 Điều 93 và khoản 2 Điều 94 Luật Xây dựng đối với điều kiện cấp phép các công trình xây dựng trong đô thị, nhà riêng lẻ và cấp phép xây dựng có thời hạn thì phải “Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” nên thực tế tại các địa phương không thể tiến hành cấp giấy phép xây dựng

Đề xuất: Xem xét, kiến nghị điều chỉnh thống nhất giữa 02 Luật.

4. Tại điểm a, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định, trong quý III hàng năm, UBND cấp huyện gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau đến Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 27 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm thì việc phê duyệt Quyết định đầu tư đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch; do đó, việc đăng ký danh mục công trình, dự án cho kế hoạch sử dụng đất của năm sau bị ảnh hưởng.

Nếu áp dụng theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai vào thời gian này thì nhiều dự án đầu tư công vẫn chưa được phê duyệt

Đề xuất: Điều chỉnh thời gian đăng ký công trình sử dụng đất trong năm kế hoạch là ngày 15 tháng 11 của năm trước (sau khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công)

5. Tại khoản 2, Điều 15 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính Phủ quy định “Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê”.

Tại điểm 4b, 4c Điều 114 Luật Đất đai chỉ quy định “giá đất cụ thể được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá”.

Chưa quy định cơ sở xác định giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất

Đề xuất: Xem xét bổ sung Điều 114 Luật Đất đai về việc giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, giao đất tái định cư.

6. Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ

Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Đề xuất: Sửa đổi những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhằm tạo sự thống nhất của hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước về biển và hải đảo, sớm giải quyết việc chồng chéo trong phạm vi vùng biển 3 hải lý tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, rà soát, đánh giá để sửa đổi bổ sung Nghị định số 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

7. Theo điểm 1, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Theo khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014 “Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư”.

Thời gian giãn tiến độ đầu tư và gia hạn sử dụng đất chưa được thống nhất

Đề xuất: Kiến nghị xem xét thống nhất thời gian giãn tiến độ đầu tư và gia hạn sử dụng đất.

8. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định điều kiện năng lực tài chính của Chủ đầu tư “Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên”.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản thì điều kiện doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản thì “vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”.

Về năng lực tài chính giữa pháp luật đất đai và kinh doanh bất động sản.

Đề xuất: Kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung đảm bảo thống nhất.

9. Theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai quy định “Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư quy định “Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất”.

Do đó, đối với trường hợp này có phải cấp Quyết định chủ trương đầu tư hay không

Đề xuất: Kiến nghị sửa đổi  thống nhất giữa 02 luật.

II. Lĩnh vực Kế hoạch Đầu tư

1. Khoản 14 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và đề nghị Nhà nước thu hồi đất của người bán tài sản gắn liền với đất thuê để cho người mua tài sản thuê theo đúng mục tiêu các dự án đã được cấp phép đầu tư và phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Tại khoản 1 Điều 189 Luật Đất đai năm 2013, quy định:

“Điều 189. Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm

1. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;

b) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận”. - Nghị định số 01/2017/NĐ-CP là tài sản đầu tư trên đất còn dở dang mâu thuẫn với quy định tại Luật Đất đai là đã hoàn thành việc xây dựng nên địa phương còn lúng túng trong thực hiện.

Nhằm tháo gỡ khó khăn của các nhà đầu tư trong việc xử lý tài sản cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác mua tài sản được tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đảm bảo quy định pháp luật.

Kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hướng dẫn cho Tỉnh trong việc áp dụng nội dung trên đã phù hợp với quy định hiện hành của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn dưới Luật.

2. Theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP: "Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư thuộc diện quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành làm thay đổi nội dung văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định này" (Khoản 5 Điều 62). Do khái niệm chưa rõ ràng về dự án đầu tư thuộc diện quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực, vì vậy, hầu như tất cả các dự án trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực khi điều chỉnh đều phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư vì chắc chắn nó sẽ làm thay đổi nội dung văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, tại Khoản 3, Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định: “Dự án đầu tư không thuộc diện quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành nhưng thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định này thì không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư, trừ các trường hợp sau:…”.

Hiện nay, các địa phương rất lúng túng trong việc thụ lý các hồ sơ thuộc trường hợp chuyển tiếp do các quy định nói trên. Kiến nghị hướng dẫn

Trên đây là một số bất cập, vướng mắc, hạn chế điển hình được phát hiện ra trong quá trình rà soát các quy định của pháp luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc giải quyết các vướng mắc, hạn chế, bất câp này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ cũng như của tỉnh.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày