Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.350.110
Truy câp hiện tại 8.730
Tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò
Ngày cập nhật 11/05/2021

Các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin Viêm da nổi cục (VDNC), điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh VDNC; trong đó lưu ý khẩn trương bố trí kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC, đó là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3629/UBND-NN ngày 06/5/2021 về việc tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò.

Theo đó,  để chủ động các giải pháp phòng, chống bệnh VDNCở trâu, bò nhằm ngăn chặn và hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

1. Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 10/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò; Công văn số 961/UBND-NN ngày 29/01/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 04/3/2021 của UBND tỉnh về ngăn chặn và phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò; Công văn số 2086/UBND-NN ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh về việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC ở trâu, bò; Công văn số 2920/UBND-NN ngày 09/4/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC ở trâu, bò.

2. Đối với địa phương đang có dịch bệnh VDNC

a) Thực hiện công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y.

b) Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền các cấp theo đúng quy định.

c) Tổ chức xử lý, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh VDNC khi mới xuất hiện dịch bệnh, còn ở diện hẹp.

d) Hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh; hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh.

đ) Việc công bố hết dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quản lý chặt chẽ, không di chuyển số trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày con gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và gia súc đã được tiêm vắc xin VDNC.

3. Đối với địa phương chưa có dịch bệnh VDNC

a) Tăng cường giám sát giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp.

b) Hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… truyền bệnh.

4. Tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh VDNC

a) Các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin VDNC, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh VDNC; trong đó lưu ý khẩn trương bố trí kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC (để chủ động có đủ lượng vắc xin VDNC, các địa phương đăng ký nhu cầu với đơn vị nhập khẩu để kịp thời cung ứng vắc xin cho công tác phòng, chống dịch bệnh).

b) Đối tượng và phạm vi tiêm phòng:

- Tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh VDNC và các địa phương có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100 km từ địa phương có dịch VDNC); bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

- Đối với đàn trâu, bò tại các địa phương không thuộc phạm vi có nguy cơ cao (ngoài 100 km từ địa phương có dịch), các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò căn cứ vào tình hình dịch bệnh VDNC, đánh giá nguy cơ và điều kiện thực tế để quyết định sử dụng vắc xin phòng bệnh VDNC; bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

c) Lựa chọn chủng loại vắc xin phòng bệnh VDNC

Kết quả đánh giá hiệu lực, giám sát sau tiêm phòng đối với các loại vắc xin phòng bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò có thể lựa chọn vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, Mevac LSD của Ai Cập để tổ chức tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh VDNC.

Lưu ý: (i) tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả; (ii) tại nhiều địa phương, trâu, bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng, sau khi được tiêm vắc xin, gia súc có thể phát bệnh, chết, cần được xử lý theo quy định. Đối với các nội dung khác liên quan đến tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC, đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương; báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày