Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 11.558
Kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
Ngày cập nhật 17/08/2021

Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã có những thay đổi hết sức rỏ nét với những kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:

Về trồng trọt, đã thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng tập trung tăng diện tích lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Diện tích lúa chất lượng cao năm 2020 ước đạt trên 17.125 ha chiếm 31,5% diện tích lúa toàn tỉnh, tăng 6.780 ha so với năm 2015; năng suất ước đạt 59,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 102,8 nghìn tấn. Đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn, đến năm 2020 diện tích đạt 8.460 ha, tăng 4.600 ha so với năm 2015, trong đó diện tích cánh đồng có liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoảng 2.780 ha. Diện tích cây ăn quả 3.115 ha, diện tích trồng Sen đạt khoảng 531 ha, năng suất 14,4 tạ/ha, sản lượng 765 tấn. Các loại cây trồng khác như: lạc, ngô... ổn định diện tích và năng suất hàng năm đều tăng.
Sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ ngày càng được nhiều địa phương chú trọng, quan tâm. Đến nay, đã triển khai thực hiện với quy mô diện tích là 219 ha (trong đó lúa 210 ha, rau 8,6 ha). Một số hộ nông dân điển hình mạnh dạn đầu tư thành lập trang trại, nhà lưới sản xuất các loại rau quả, hoa theo hướng công nghệ cao, tạo sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700 m2. 
Giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 3.087 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về Chăn nuôi: Trên cơ sở định hướng chung của Chiến lược chăn nuôi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 và thực hiệnchủ trương của UBND tỉnh “Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai và lợn nạc trong tổng đàn, nâng cao năng lực sản xuất con giống”; đến nay, tỷ lệ bò lai và lợn nạc so với tổng đàn tiếp tục tăng, cụ thể bò lai chiếm 70% tổng đàn, tỷ lệ lợn nạc chiếm 94% so với tổng đàn. Đã có các cơ sở sản xuất giống lợn tại chổ giải quyết dần nhu cầu con giống phục vụ cho sản xuất, hạn chế dịch bệnh: Tổng đàn lợn nái hiện có khoảng 17.000 con, trong đó doanh nghiệp, trang trại lớn nuôi 50% tổng đàn lợn nái.
Chăn nuôi trang trại đang được khuyến khích phát triển nhằm tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn, gà liên kết với các công ty như CP Việt Nam, Mavin theo hình thức các công ty này đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó ổn định được đầu ra.
Các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung cách ly khu dân cư, có điều kiện đảm bảo về môi trường và áp dụng công nghệ cao, an toàn sinh học đã và đang được đầu tư phát triển với quy mô ngày càng mở rộng, cụ thể, hiện nay tại Khu Trang trại thuộc các xã Quảng Vinh, Quảng Lợi huyện Quảng Điền có các trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô công nghiệp khoảng 10.000 con/lứa ≈ 20.000 con/năm có áp dụng công nghệ bán tự động; Trang trại chăn nuôi lợn thịt Hoàng Bằng tại xã Phong An, huyện Phong Điền với quy mô ≈ 40.000 con/năm. Trại lợn nái Hoàng Vân tại xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc đang nuôi lợn nái với quy mô 2.400 con. Trại lợn nái Nam Sơn tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đang xúc tiến đầu tư, dự kiến nuôi 2.400 con.
Về Thủy sản, đã triển khai nhiều giải pháp để tập trung phát triển theo hướng bền vững, gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Nuôi trồng thuỷ sản chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, tăng cường ứng dụng các quy trình nuôi công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kết hợp đa dạng phương thức nuôi và đối tượng nuôi nhờ đó năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 7.300 ha, tăng 5,3% so với năm 2015; sản lượng ước đạt 17.630 tấn tăng 14,6% so với năm 2015.
Khai thác thủy sản có chuyển biến mạnh về sản lượng đánh bắt nhờ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tăng năng lực khai thác, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong khai thác. Số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ (chiều dài trên 15m) năm 2020 có 410 chiếc, tăng 80 chiếc (24,3%) so với năm 2015. Sản lượng khai thác năm 2020 đạt 39.300 tấn, tăng 7,8% so với năm 2015.
Hoạt động dịch vụ nghề cá trên biển đến nay đã có 86 tàu, vừa đánh bắt kết hợp với dịch vụ nghề cá như: cung cấp xăng dầu, các nhu yếu phẩm khác và đồng thời thu mua sản phẩm từ các tàu khai thác. Nhìn chung hoạt động khai thác thủy sản đang phát triển theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản: Tăng cường năng lực đánh bắt xa bờ, giảm áp lực khai thác vùng ven bờ và sông đầm nội đồng.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được chú trọng, kết hợp được sự tham gia của cộng đồng nên hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Tình trạng khai thác hủy diệt nguồn lợi bằng nghề cấm từng bước được kiểm soát, ngăn chặn. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được hệ thống 23 Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 614,2 ha, chiếm 2,8% tổng diện tích đầm phá.
Về Lâm nghiệp, đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, tăng tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ, thời gian qua ngành lâm nghiệp đã tập trung nghiên cứu chuyển giao công nghệ về sản suất giống trên cơ sở mô hình hiện có và tập trung nghiên cứu giống mới đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn sản xuất.
Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 9.926 ha (trong đóchứng chỉ FSC: 9.074 ha; chứng chỉ VFCS/PEFC: 852 ha). Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển trồng rừng ven biển, đầm phá với diện tích rừng đã trồng mới đến năm 2020 đạt 421 ha, trong đó: trồng rừng trên cát 255 ha, trồng rừng ngập mặn 125 ha, trồng rừng ngập ngọt 41,2 ha. 
Hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đang trên đà phát triển, nhất là công nghiệp chế biến xuất khẩu hàng mộc và chế biến nguyên liệu dăm gỗ xuất khẩu. Khai thác gỗ rừng trồng và chế biến lâm sản là hoạt động chủ yếu, đóng góp lớn nhất vào giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp.
Việc đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển dịch vụ môi trường rừng trở thành điểm sáng trong việc xã hội hóa ngành lâm nghiệp và thực hiện giải pháp gia tăng giá trị từ rừng. Cơ chế chi trả DVMTR đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Quỹ Bảo vệ và PTR là thành công lớn của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp.
Một số khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Đầu t¬ư phát triển kết cấu hạ tầng chư¬a đáp ứng đ¬ược yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
- Sản xuất phần lớn chưa có liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất thiếu hiệu quả; HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ; chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, tổ hợp tác thấp chưa bảo đảm các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế.
- Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp lại thường có rủi ro cao, nhất là về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.  
- Công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm, chưa thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn.
- Ô nhiễm môi trường tăng, nhiều tài nguyên bị khai thác quá mức: Tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng, các vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung,...tạo ra chất thải, dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, làm tăng khả năng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các làng nghề và chư¬a có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
- Lao động nông thôn dư thừa nhiều nhưng việc chuyển đổi sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn hạn chế; đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm.
Một số đánh giá về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững gắn việc sản xuất với tiêu thụ nông sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. 
Ngày 05/7/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, ngành nông nghiệp đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết cũng đã tích hợp, lồng ghép các chính sách của Nghị định 98/2018/NĐ-CP để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng các địa phương, ban ngành liên quan để phổ biến và triển khai một số nội dung sau:
a) Tổ chức lại sản xuất.
Hiện nay nông dân chủ yếu sản xuất riêng lẻ, qui mô nhỏ và theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Vì vậy, cần phải hình thành tổ, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất có qui mô hợp lý, dưới sự điều hành của tổ, nhóm, doanh nghiệp, họp tác xã nhằm sản xuất sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã; sản phẩm cung ứng ra thị trường phải có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, có số lượng đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối… Tổ, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ đại diện nông dân để ký hợp đồng hợp tác, liên kết với các tổ chức cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…
b) Khuyến khích, hỗ trợ việc phát triển, mở rộng sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm có chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của các loại nông sản chủ lực của địa phương.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu việc sản xuất, tiêu dùng nông sản an toàn; giới thiệu các điểm, cửa hàng bán nông sản an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hỗ trợ phát triển thị trường nông sản an toàn.
d) Xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hệ thống các điểm, cửa hàng để tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản an toàn.
Bạch Ngọc Bảo Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày