Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.321.885
Truy câp hiện tại 15.738
KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2022 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Ngày cập nhật 27/01/2022

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do đó, hy vọng rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn; cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.

Cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, Nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước. Để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải áp dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0. Đồng thời, triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống một cửa điện tử; đồng bộ, công khai 241 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cung cấp trên hệ thống một cửa hải quan.

Tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra chiều ngày 27/12/2021, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm không mới, chuyển từ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ sang sản xuất dựa trên dữ liệu và dự báo về điều kiện tự nhiên, nhu cầu, xu hướng và thị hiếu của thị trường tiêu thụ. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo ra giá trị phát triển cho nông sản, tiết kiệm chi phí và sức khỏe cho người nông dân. Đồng thời, Bộ sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các công nghệ mới để giải quyết tình trạng ùn ứ sản phẩm nông sản của người nông dân khi vào cao điểm thu hoạch sản phẩm nông sản, giúp người nông dân giữ giá sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá.

Nhằm định hướng lộ trình, tổ chức thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, thống nhất trong cả nước. Ngày 31/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 (Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP):

1. Mục đích

a) Khởi động Chương trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp.

b) Đề ra định hướng, phương án, lộ trình triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số thống nhất, hiệu quả.

2. Yêu cầu

a) Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số cơ bản, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022. Lựa chọn ít nhất từ 1 - 2 nội dung/hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực chuyên ngành để triển khai trong năm 2022 (trong đó, lựa chọn một số nội dung ưu tiên thuộc lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi để thực hiện trước).

c) Xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, trách nhiệm thực hiện và đôn đốc, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị đảm bảo hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022).

3. Mục tiêu

- 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4 được xác thực một lần; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 2 70%; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- Hoàn thành số hóa cập nhật dữ liệu tối thiểu 60% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ (không bao gồm nội dung mật) được ký số, gửi qua Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia.

- 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- Bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp, 100% máy chủ, máy trạm của Bộ được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; Xây dựng kịch bản, phương án ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng của Bộ; tổ chức từ 1- 2 cuộc diễn tập ứng phó với sự cố gây mất an toàn thông tin; 100% hệ thống thông tin được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

- 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số; trong đó 10% được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên sâu kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc nhóm 10 bộ, ngành dẫn đầu về chuyển đổi số theo Bộ Chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ (DTI) năm 2022.

Xem chi tiết nội dung Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 tại tập tin đính kèm.

Tập tin đính kèm:
VĂN PHÒNG SỞ
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày