Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.316.778
Truy câp hiện tại 12.586
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM, THỦY SẢN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2023
Ngày cập nhật 14/12/2022

Năm 2022, diễn biến khí hậu, thời tiết trái quy luật, nhất là các đợt mưa lớn bất thường, làm thiệt hại đến sản xuất, nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng, đổ ngã nên làm giảm năng suất, sản lượng đáng kể. Cộng thêm tình hình giá cả vật tư, phân bón biến động, tăng cao đột biến (tăng khoảng 1,5 lần so với các năm trước) gây khó khăn và hạn chế trong việc sản xuất, đầu tư.

Tuy vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao niếm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó sự ra đời của Hội Nông nghiệp hữu cơ Thừa Thiên Huế cũng là một bước ngoặt đối với sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản an toàn và thân thiện môi trường.

Các mô hình mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã rút ngắn được thời gian chăn nuôi, trồng trọt; nâng cao nâng suất, chất lượng hàng hóa; tăng chu kỳ sản xuất. Người trồng trọt, chăn nuôi đã chuyển dần từ hình thức quảng canh với quy mô nhỏ mang tính truyền thống, tận dụng, sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao có quy mô vừa và lớn, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu có chất lượng cao. Đây cũng là tiền đề để đảm bảo chất lượng, hàng hóa thực phẩm ngày càng an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện có cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức hợp tác, liên kết với hợp tác xã, nông dân trong sản xuất nên sản phẩm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt chất lượng.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn gặp một số hạn chế nhất định như:

(1) Do tình hình dịch Covid19  kéo dài, sự khôi phục sản xuất tại các cơ sở diễn ra chậm nên công tác thẩm định định kỳ các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chưa đảm bảo đúng tần suất quy định (1 năm đối với cơ sở loại B, 18 tháng đối với cơ sở loại A). Trong 6 tháng cuối năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản đã tổng lực tiến hành thẩm định kỳ để khắc phục tình trạng quá thời hạn thẩm định kỳ so với năm 2021, đã đảm bảo tiến độ.

(2) Các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn duy trì tốt điều kiện cơ sở tuy nhiên sau thời gian dịch bênh, sức sản xuất và tiêu dùng vẫn chưa tăng trở lại nhiều, các cơ sở sản xuất có tâm lý cầm chừng, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển.

(3) Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi còn nhiều bất cập và chưa phổ biến, do đó chưa nâng cao được giá trị nông sản, dễ dẫn đến nguy cơ được mùa, rớt giá, đặc biệt đối với các mặt hàng phục vụ ăn tươi như rau các loại... Giá nông sản còn thấp, chưa ổn định ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nông dân, việc đầu tư chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức. Diện tích liên kết sản xuất còn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế của địa phương. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng, giá trị trên đơn vị diện tích sản nông nghiệp thấp.

(4) Chính sách và cơ chế cho sản xuất hữu cơ chưa đầy đủ như: Thiếu chính sách về thị trường cho các sản phẩm hữu cơ; chính sách đặc thù hỗ trợ cho mô hình liên kết chuỗi; vốn đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học mới, giá cả.... Đặc biệt, việc thực hiện sản xuất hữu cơ theo đúng quy trình còn gặp nhiều khó khăn (do tập quán canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV,…). Mặt khác chưa có nhiều tổ chức chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ nên đã ảnh hưởng tới tâm lý của người sản xuất và tiêu dùng.

(5) Chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, thị trấn) chưa thực sự quan tâm và chủ động trong công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. Chưa tích cực triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành, vẫn có tâm lý chờ cấp trên, thiếu chủ động.  Lý do khách quan do số lượng cán bộ chuyên trách từng lĩnh vực hầu như không có, đa số làm việc kiêm nhiệm hoặc tổng hợp chung nhiều lĩnh vực; địa bàn quản lý tương đối rộng nên khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.

Nhiệm vụ trọng tâm quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023:

(1) Trong bối cảnh thời tiết và dịch bệnh chăn nuôi, cây trồng, thủy sản còn nhiều diễn biến bất thường, toàn Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì phòng chống dịch bệnh đồng thời có các phương án tiếp tục đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tiến tới gia tăng sản xuất. Tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi-thú y, định hướng kế hoạch và mùa vụ, thông tin kịp thời, bám sát diễn biến thị trường để tạo điều kiện thuận lợi phát triển.

(2) Thường xuyên phối hợp lực lượng Ngành Y tế, Công thương, Cảnh sát, Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vận chuyển động vật tại các chốt kiểm dịch; kinh doanh thuốc thú y thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt nhằm đề phòng, ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng vật tư ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng.

(3) Tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe và thân thiện môi trường. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện môi trường, chính sách cho người dân, doanh nghiệp liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng.

(4) Tập trung thanh tra đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về An toàn thực phẩm, vừa tăng cường thông tin, tuyên truyền vừa xử lý vi phạm. Chủ động tổ chức và đôn đốc các địa phương và các đơn vị chuyên môn triển khai giám sát, kiểm tra theo quy định.

(5) Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

(6) Tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến cho các chủ tàu cá khai thác thủy sản về chống khai thác IUU; tiếp tục thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham gia dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ chức thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường theo Kế hoạch Quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản; Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đăng ký nuôi đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, nuôi thủy sản lồng bè. Tăng cường công tác tái tạo nguồn lợi trên khắp các vùng nước như đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các mặt nước sông, hồ chứa, hồ tự nhiên,... nhằm đa dạng hóa các đối tượng tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo quần đàn và cân bằng hệ sinh thái. Nghiên cứu, điều tra NLTS vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai theo qui định của Luật Thủy sản năm 2017./.

Nguyễn Phước Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày