Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.340.928
Truy câp hiện tại 3.608
HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NĂM 2022 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ, KẾ HOẠCH NĂM 2023
Ngày cập nhật 06/01/2023

Ngày 05/01/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023. Hội nghị do ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. 

Sáng ngày 05/01/2023, được sự nhất trí của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023. Hội nghị do ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Tham dự hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hân hạnh đón tiếp sự có mặt của ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh và một số các đơn vị liên quan.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Anh Tuấn thay mặt ngành Nông nghiệp và PTNT tổng kết lại những kết quả đạt được của ngành trong năm 2022:

Năm 2022, một năm với rất nhiều khó khăn và thách thức mà ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn phải đối mặt: Điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, các đợt mưa lớn trái mùa đã xảy ra trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, rau màu vụ Đông Xuân và gián tiếp ảnh hưởng đến tiến độ, diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu, giá cả vật tư, phân bón liên tục tăng cao đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hướng lớn đến thu nhập của bà con nông dân… Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực trách nhiệm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại, duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống cư dân nông thôn ngày được nâng cao.

- Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 ước giảm 3,26%, tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.280 tỷ đồng, giảm 3,4%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 190 triệu USD, tăng 22,7% so với năm 2021.

- Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn, đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển 03 nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP) và trên từng lĩnh vực của ngành.

- Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng; sản lượng thịt hơi các loại tăng 4%, sản lượng thủy sản tăng 2,6%, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng 5,5%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 190 triệu USD, tăng 22,7% (năm 2021 đạt 154,75 triệu USD).

- Khoa học công nghệ, công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hoạt động khuyến nông, lâm, ngư tiếp tục được tổ chức thực hiện, xây dựng nhiều mô hình khuyến nông phù hợp với nguyện vọng, điều kiện sản xuất của các địa phương và có khả năng nhân rộng cao.

- Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã dần đi vào ổn định, đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các thể chế liên quan đến Chương trình như: Kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2022-2025; Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới …; làm cơ sở để huy động nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

- Công tác phòng chống thiên tai được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, đặt biệt là công tác ứng phó bão lũ, vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, ngoài những mặt đạt được vẫn tồn tại một số vấn đề mà Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiêm túc nhìn nhận rõ hạn chế, khuyết điểm và sẽ quyết tâm tập trung khắc phục trong thời gian tới:

- Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẽ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; cơ cấu giá trị sản xuất còn phụ thuộc lớn vào lúa gạo do đó khi sản xuất lúa gặp khó khăn làm ảnh hướng lớn đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành.

- Công tác đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều lúng túng; hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa thật sự phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp.

- Còn chú trọng về nâng cao năng xuất, sản lượng, chưa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản; thị trường tiêu thụ nông sản vẫn chủ yếu ở trong tỉnh và sức cạnh tranh còn yếu so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

-  Kết quả giải ngân hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh chưa cao, đặt biệt là các chính sách thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.

- Khó khăn về chuyển đổi số trong nông nghiệp: Một số cán bộ công chức, người nông dân chưa hiểu rõ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu của ngành chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong chỉ đạo điều hành; thiếu nguồn lực và còn lúng túng trong triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị:

- Đề nghị ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm mục nâng cao thu nhập cho người dân, tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, tuần hoàn. Quá trình thực hiện cần có địa chỉ rõ ràng, kết quả có thể lượng hóa được.

- Tiếp tục nghiên cứu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lúa một cách hợp lý, tăng tỷ trọng nhóm cây ăn quả, cây dược liệu và rau, hoa thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô diện tích. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh, tăng quy mô hàng hóa; phấn đấu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.

- Tập trung vào công tác chuyển đổi số đồng bộ và toàn diện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý theo từng lĩnh vực của ngành và hỗ trợ mạnh mẽ nông dân, doanh nghiệp tham gia vào nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn và chuyển đổi số.

- Tiếp tục củng cố, nhân rộng và phát triển mô hình tổ hợp tác trong cộng đồng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; phát triển thêm nhiều mô hình xã nông thôn mới thông minh, xây dựng nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công viên chức, người lao động toàn ngành sẽ phát huy hết năng lực để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ năm 2023; xây dựng, phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng ổn định, bền vững, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

TÔN THẤT NIỆM - VPS
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày