Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.347.177
Truy câp hiện tại 7.187
Tăng cường chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại lúa vụ Đông Xuân 2015-2016
Ngày cập nhật 14/04/2016

Nhằm bảo vệ an toàn sản xuất lúa từ nay đến cuối vụ, ngày 12 tháng 4 năm 2016 Chi cục TT & BVTV đã ra thông báo  "Tăng cường  công tác hướng dẫn, chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây  hại lúa  cuối vụ Đong Xuân 2015-2016"

Vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn Tỉnh gieo cấy khoảng 27.962,4 lúa, hiện nay lúa đã trổ khoảng hơn 3.000 ha, lúa đại trà đang giai đoạn đứng cái-làm đòng. Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp xen kẽ các đợt không khí lạnh tăng cường là các ngày nắng ấm, sáng sớm có sương mù thuận lợi bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại, diện tích nhiễm 692 ha, tỷ lệ bệnh bệnh 5-10%, nơi cao 30-40%. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại tỷ lệ bệnh 10-20%, nơi cao 30-40%. Rầy phát sinh gây hại trên các giống nhiễm (Nếp, HT1,…), mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2, rầy giai đoạn tuổi 2-3 (Phù Bài-Hương Thủy; Bắc Sơn, Đông Hưng, Thanh Niên, Song Hà-Phú Lộc; Điền Lộc, Phong Hiền, Phong Sơn, Phong Xuân-Phong Điền; Đông Phú, Phú Thanh, Đông Vinh-Quảng Điền,...), đã chỉ đạo phun trừ nơi có mật độ cao. Chuột gây hại tỷ lệ hại 5-10%, cục bộ 20-30%, tập trung chủ yếu các vùng ruộng ven cồn mồ, mã, đê đập. Các đối tượng sinh vật gây hại khác: Sâu cuốn lá, bệnh lem lép hạt, vàng lá, thối thân, thối bẹ lá đòng, … gây hại rải rác, mật độ và tỷ lệ bệnh thấp.
Theo dự báo của Trung tâm KTTV Thừa Thiên Huế, trong tháng 4/2016 chịu ảnh hưởng của phía nam rãnh áp thấp nối với áp thấp nóng phía tây nên có khả năng xảy ra từ 2-3 đợt nắng nóng trên diện rộng, chiều tối có mưa dông, xen kẽ là các đợt không khí lạnh tăng cường yếu gây mưa nhỏ rải rác. Trong thời gian tới lúa tập trung trổ đại trà, các đối tượng sinh vật gây hại như: Bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, chuột,... tiếp tục phát triển, tích lũy gia tăng mật độ và tỷ lệ bệnh nếu không tích cực chỉ đạo phòng trừ.
Để tăng cường công tác quản lý, phòng trừ các đối tượng sinh vật gây lúa từ nay đến cuối vụ, Chi cục đề nghị Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:
1. Phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng nhằm phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, tránh chủ quan để các đối tượng sinh vật phát sinh gây hại nặng trên diện rộng.
2. Tập trung chỉ đạo phòng trừ một số đối tượng sinh vật gây hại từ nay đến cuối vụ:
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt: Chỉ đạo hướng dẫn nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông đúng thời điểm, phun khi lúa bắt đầu trổ vè thưa (trổ 3-5%) và sau khi trổ xong (sau phun lần 1: 7 ngày) bằng các loại thuốc Beam 75WP, Fujione 40EC, Flash 75WP, Filia 525SE, Ninja 35EC,…kết hợp với phun phòng bệnh lem lép hạt bằng các loại thuốc Tiltsuper 300EC, Nevo 330EC, Map super 300 EC, Nativo 750WG, Vixazol 275SC, Folicur 250WG,…. Nếu sau khi phun thuốc phòng bệnh gặp trời mưa thì tiến hành phun lại lần 2 để hạn chế các nấm bệnh xâm nhiễm gây hại.
- Đối với bệnh khô vằn: Kiểm tra phát hiện bệnh, nhất là trên các chân ruộng gieo sạ dày, ruộng thấp trũng, tù đọng nước để chỉ đạo phun trừ sớm khi bệnh mới chớm xuất hiện và ruộng đang nhiễm bệnh chưa phòng trừ bằng các loại thuốc như: Monceren 250SC, Vicuron 250SC, Validacin 5L, Anvil 5SC, … để hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng.
- Đối với rầy các loại: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các vùng nhiễm rầy mật độ cao đã chỉ đạo phun trừ, các vùng nguy cơ rầy gây hại nặng, nhất là trên các giống nhiễm rầy, các vùng ổ dịch rầy hàng năm,...để quản lý và chỉ đạo phun trừ những nơi có mật độ cao (>1.500 con/m2) bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Chery 70 WG, Acnipyram 50WP, Alika 247SC, … Khi phun trừ rầy đảm bảo trong ruộng phải có nước và phun đủ lượng nước trên đơn vị diện tích (25-30 lít/sào). Chú ý giai đoạn lúa đòng-trổ tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Acetamiprid để phun trừ rầy.
- Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Đã và đang vũ hóa, dự báo có khả năng sâu non nở từ ngày 15-25/4/2016, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi sâu non nở để chỉ đạo phun trừ những nơi có mật độ cao (>20con/m2 giai đoạn đòng -trổ) bằng các loại thuốc như Vitarko 40 WG, Ammate 30WG, Emagold 6.5WG, Scorpion 36 EC, Dylan 2.0 EC, Chief 520 WP,...
- Đối với chuột hại: Hiện nay lúa đang giai đoạn làm đòng và trổ, cây lúa có vị ngọt nên chuột thích cắn phá, diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như (đào bắt, bẫy kẹp, bẫy lồng, …) sẽ có hiệu qủa cao hơn so với đặt bã. Tuyệt đối không được sử dụng điện và dụng cụ kích điện để diệt chuột dưới mọi hình thức.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông lâm ngư phối hợp với trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác quản lý, đôn đốc kiểm tra tình hình chỉ đạo thực hiện của các địa phương, nhằm tổ chức phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả./.
                               Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật  Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày