Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.354.080
Truy câp hiện tại 10.661
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Lăng đuôi đỏ bằng phương pháp kích dục tố LRHA3+DOM
Ngày cập nhật 30/08/2016

Cá Lăng đuôi đỏ có kích thước lớn nhất trong tất cả các loài cá thuộc họ Bgridae. Thịt cá lăng đuôi đỏ trắng, dai, giòn và có hương vị đặc trưng. Trước đây, loài cá này chỉ được đánh bắt trong tự nhiên, nhưng hiện nay đang dần trở nên khan hiếm nên có giá bán khá cao, dao động từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg.

Cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều vùng, miền trong cả nước. Cá sống thành từng đàn ở tầng đáy nơi có nước chảy nhẹ, cá thích sống sạch, nếu nuôi cá trong ao thì chúng thích sống trên gió, ở nơi có nhiều giá thể để trú ẩn và hoạt động bắt mồi về đêm. Cá sinh trưởng tốt ở nước ngọt, lợ 5-7%o, pH nước từ 6,5 – 7,5. Do cá không có cơ quan hô hấp phụ nên đòi hỏi hàm lượng oxy hòa tan phải cao (>3mgO2/l), cá nuôi bè tốt hơn nuôi ao.

Là loài cá ăn tạp thiên về động vật, cá thường chui rúc vào các hốc cây để tìm thức ăn. Trong tự nhiên cá thích ăn các loài cá nhỏ và giáp xác, trong quá trình nuôi có thể tập cho cá ăn thức ăn nổi. Năm thứ nhất cá lớn chậm hơn năm thứ 2, cá 1 năm tuổi đạt trọng lượng 0,7- 1kg, 2 năm tuổi đạt 1,5 - 3kg. Mùa vụ sinh sản chính từ tháng 3-11 hàng năm, cá đẻ trứng dính vào giá thể, thời gian tái phát dục 2.5 tháng.

Cá Lăng có sức sinh sản thấp, hệ số thành thục trung bình 7.48%, sức sinh sản tuyệt đối tăng theo tuổi cá, cá từ 3-11 tuổi đạt 6.342 - 54.575 trứng, sức sinh sản tương đối trung bình đạt 3.750 trứng/ cá cái. Cơ quan sinh dục cá đực có gai sinh dục nhọn và dài ở đầu mút, cá cái có phần bụng to và bè ra hai bên, lỗ sinh dục tròn, màu hồng và hơi lồi ra

1. Chuẩn bị ao

- Ao nuôi vỗ có diện tích 100 - 500m2 . Ao nuôi có hình chữ nhật, bờ ao chắc chắn, không bị hang mội, có cống cấp và thoát nước riêng biệt.

- Tháo cạn nước, nạo vét bùn, diệt tạp bằng vôi với liều lượng 7 - 10 kg/100m2. Phơi đáy ao từ 5 - 7 ngày, sau đó lấy nước vào và tiến hành gây màu nước.  Độ sâu mực nước từ 1,5 - 1,8 m.

2. Nuôi vỗ cá bố mẹ

- Cá đực, cái được nuôi chung trong cùng một ao với mật độ 0,5 kg/m2

- Sử dụng thức ăn có độ đạm >32%, khẩu phần ăn 1 – 2 % trọng lượng thân,  ngày cho ăn 2 lần. Trong đó: Sáng cho ăn 60% lượng thức ăn và chiều cho ăn 40% lượng thức ăn.

- Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa, premix vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá bố mẹ.

- Cá bố mẹ được chọn cho sinh sản đạt các tiêu chuẩn sau đây: Cá cái bụng phình to, mềm đều, lỗ sinh dục nở to và có màu ửng hồng; dùng que thăm trứng thấy trứng có màu trắng sữa, độ rời, độ căng và độ đồng đều cao, số trứng có nhân cực hóa đạt 80% tổng số trứng kiểm tra. Cá đực khỏe mạnh, không sây sát, thân thon dài, gai sinh dục càng dài càng tốt.

3. Kỹ thuật sinh sản nhân tạo:

Sau khi tuyển chọn cá đực và cá cái ta tiến hành tiêm kích dục tố. Sử dụng kích dục tố LR-HA­­­­3­ ­­­­­­­­­ và thuốc đệm DOM. 1 ống LRHA3 = 0.2mg, 1 viên DOM = 10mg.

Liều lượng: - Cá cái: Dùng 120µg LRHA3 + 6mg DOM/kg cá cái. Tiêm 3 liều, trong đó:

+ Liều dẫn  tiêm 20µg LRHA3 + 1mg DOM/kg cá cái.

+ Liều sơ bộ tiêm 30µg LRHA3 + 1,5mg DOM/kg cá cái.

+ Liều quyết định tiêm 70µg LRHA3 + 3,5mg DOM/kg cá cái.

Khoảng cách tiêm giữa 2 liều từ 5 - 6h.

- Cá đực: Tiêm 1 liều cùng lần với liều quyết định của cá cái, liều lượng của cá đực = 1/2 liều quyết định của cá cái.

Pha dung dịch thuốc + DOM + nước cất sao cho 1kg cá tương ứng với 0,5ml ­­­ dung dịch.

Sau 8 - 10h tiêm kích dục tố, tiến hành kiểm tra độ chín muồi của trứng bằng cách vuốt nhẹ bụng cá cái. Nếu trứng chảy ra thì tiến hành vuốt trứng.     Cá cái được cuộn trong băng ca vải, thấm khô nước ở bụng và lỗ sinh dục, dùng tay ép nhẹ vào phần bụng dưới của cá để trứng rơi vào chậu nhựa. Khi bắt đầu xuất hiện tia máu thì ngừng vuốt trứng.

Tiến hành mổ cá đực (3 con cái/ 1 con đực): dùng kéo nhọn rạch 1 vết dài 7 - 10 cm tại lườn bụng cách lỗ hậu môn 5 – 6 cm sau đó dùng ngón tay trỏ vén ruột và mở cá ra cho tới khi nhìn thấy tuyến sẹ là 2 dải dài hình lược nằm dưới thận, dùng panh gắp tuyến sẹ ra cho vào chén (mỗi con đực cắt 3/4 túi tinh ở mỗi nhánh). Sau khi mổ bụng cá đực ta tiến hành khâu vết thương, tiêm kháng sinh và nuôi dưỡng trong bể 7 ngày trước khi đưa ra ao. Dùng kéo cắt nhỏ sẹ rồi nghiền nhỏ, sau đó đổ sẹ đã nghiền vào chậu trứng, cho lượng nước sạch có thể tích bằng 1/4-1/5 thể tích trứng rồi quấy nhẹ bằng lông gà trong 2 – 3 phút. Dùng dây nilon xé nhỏ, buộc thành từng chùm làm giá thể cho trứng bám sau đó đưa giá thể vào bể ấp.

Khi đưa trứng vào ấp, phải sục khí liên tục 24/24 giờ, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan đạt trên 6 mg/l. Duy trì lưu tốc dòng nước ở mức 0,1 - 0,2 m/s từ giai đoạn đầu đến khi vỏ trứng mềm sắp nở. Khi cá bột bơi lội được thì điều chỉnh lưu tốc dòng nước ở mức 0,05 - 0,1m/s. Thời gian phát triển phôi và nở ra cá bột đến khi hết noãn hoàn của cá Lăng nha từ 120 – 140h (ở nhiệt độ 28 - 300C).

Cá lăng đuôi đỏ là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, thích hợp với thời tiết khí hậu ở Thừa Thiên Huế. Có thể triển khai quy trình sinh sản nhân tạo ở cả nước ngọt và nước lợ nhẹ.

 

Trung tâm Giống TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày