Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 24.760
Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường
Ngày cập nhật 19/02/2017

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2017 ban hành “Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2017.

Theo Quy định trên, địa điểm xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, tập trung phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, địa phương, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép; theo quy định về bảo vệ môi trường hiện hành. Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên: Khoảng cách từ cơ sở chăn đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt...tối thiểu 500m. Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000 m2: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 300m. Nơi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho hoạt động chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

Về xử lý chất thải, các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành. Khi chất thải rắn được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy định về vận chuyển chất thải hiện hành. Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành. Đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh, xác vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải thực hiện công bố dịch và tiêu hủy theo quy định. Chất thải nguy hại phải được quản lý và xử lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Riêng gia súc, gia cầm chết (do dịch bệnh) còn được quản lý và xử lý theo quy định về vệ sinh phòng bệnh.

Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đó là phải thực hiện việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương, cụ thể: đối với các cơ sở có quy mô chuồng trại dưới 1.000 m2 phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã theo đúng quy định đã được phân cấp để được hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục về môi trường; đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô diện tích từ 1.000 m2 trở lên phải hoàn tất hồ sơ trình sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục về môi trường. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh thú y và môi trường theo quy định của pháp luật. Chủ nuôi phải khai báo cho Ủy ban nhân nhân cấp xã hoặc cơ quan thú y gần nhất khi phát hiện động vật có biểu hiệu bất thường. Khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi huyện, tỉnh hoặc nhập động vật vào cơ sở phải khai báo với cơ quan thú y để được kiểm tra theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không tái đàn trong thời gian có dịch. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đúng theo quy chuẩn hiện hành.

Ngoài ra, Quy định còn nói rõ những hành vi bị nghiêm cấm đó là: (1) Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn vào môi trường tiếp nhận gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường đất, môi trường nước (nước mặt, nước dưới đất) và môi trường không khí. Nghiêm cấm việc chuyển giao (bán, cho, tặng...) chất thải rắn nguy hại chưa xử lý cho các cá nhân, đơn vị không có chức năng xử lý. (2) Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gần bệnh viện, trường học, chợ, công sở, khu vui chơi, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, đường giao thông và khu vực đông dân cư. Cơ sở chăn nuôi không nằm trong quy hoạch chăn nuôi của tỉnh và của địa phương. (3) Để gia súc, gia cầm phóng uế ở nơi công cộng và nuôi gia súc, gia cầm, động vật  gây mất vệ sinh chung ở khu đông dân cư. (4) Giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm bị bệnh hay nghi mắc bệnh. Trong trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, xác gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải kịp thời báo cáo cho cơ quan thú y và tổ chức tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại vị trí do cơ quan thú y quy định. (5) Nhập gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đúng theo các quy định hiện hành. (6) Chăn thả gia súc, gia cầm trong đô thị, các khu vực công cộng, các tuyết đường giao thông. (7) Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của Pháp luật.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày