Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.330.563
Truy câp hiện tại 21.077
Kết quả khảo nghiệm và triển vọng phát triển giống lúa KH1 (HG16) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 11/09/2017

KH1 (HG16) là giống lúa chất lượng, năng suất cao, chịu phân, chống đỗ ngã, …  đang được bà con nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế hết sức quan tâm, có triển vọng phát triển trong thời gian tới, có khả năng thay thế các giống cũ đang sản xuất hiện nay.

Là giống lúa do Công ty cổ phần giống cây trồng và vật nuôi tỉnh Thừa Thiên Huế chọn lọc, được đưa vào khảo nghiệm cơ bản từ vụ Đông Xuân 2014-2015 và được đánh giá cao trong tập đoàn giống lúa chất lượng; giống KH1 có thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân 120 ± 5ngày, vụ Hè Thu 95 ± 5ngày; chiều cao cây từ 90-95cm, thuộc loại thấp cây, có dạng khóm gọn, màu sắc lá xanh, dạng lá thẳng, đẻ nhánh trung bình, cây cứng, trỗ bông trung bình, bông to dài, dạng hạt dài, màu vàng sáng trọng lượng 1000 hạt khoảng 23g. Chất lượng cơm mềm, dẻo, ngon, vị đậm, ăn nguội vẫn mềm dẻo. Giống có khả năng chống đổ rất tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh khá, chịu thâm canh, phạm vi thích ứng rộng. Năng suất trung bình đạt 70 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 tạ/ha.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế; năm 2017, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp các HTX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các mô hình “Khảo nghiệm sản xuất giống lúa KH1 ”, với tổng diện tích 122 ha ở cả hai vụ Đông Xuân  và Hè Thu.

Qua theo dõi thực tế sản xuất và đánh giá tại các Hội nghị đầu bờ, giống KH1 có thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân từ 115 - 117 ngày, vụ Hè Thu từ  95 - 98 ngày. Năng suất đạt khá cao, thực tế sản xuất tại các điểm khi thu hoạch đều đạt trên 70 tạ/ha trong vụ Đông Xuân, 60 -62 tạ/ha vụ Hè Thu, cao hơn năng suất của giống Khang dân, HT1 sản xuất cùng trà vụ. Giống có khả năng đẻ khá, số nhánh hữu hiệu cao; số bông trên khóm đều, bông dài, số hạt/ bông nhiều, hạt sếp sít; hầu như tất cả các dãnh đều có bông và có hạt. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại giống KH1 ở cả 2 vụ ít hơn so với các giống hiện đang sản xuất đại trà. Trong vụ Đông Xuân ít nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo cổ bông; nhiễm nhẹ rầy, khô vằn; vụ Hè Thu ít bị sâu cuốn lá… Giống chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh (chống đỗ ngã), thuận lợi để đầu tư thâm canh, tiết kiệm chi phí gặt,  hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Theo ông Nguyễn Quang Hồng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Tân - là địa phương có tham gia thực hiện mô hình khảo nghiệm sản xuất giống lúa KH1:  “Bà con nông dân đánh giá cao về giống lúa này. Năng suất cao hơn các giống đang sản xuất đại trà ở cả 2 vụ và đặc biệt không đỗ ngã. Năm 2018 địa phương sẽ có kế hoạch đưa giống này thay thế các giống cũ Khang dân, HT1 … với diện tích khoảng trên 100 ha  cho cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu”.

Tại Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất lúa vụ Hè Thu 2017, ông Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế đã kết luận: “Tổ chức khảo nghiệm sản xuất vụ Đông Xuân 2017–2018 khoảng 100 ha gồm các giống KH1,JO2, QR15,HG16…trong đó ưu tiên bố trí diện tích lớn đối với giống lúa KH1”.

Để sản xuất giống lúa mới KH1 đạt kết quả tốt, bà con nông dân và các địa phương cần lưu ý bố trí trên các chân đất sâu bùn, tập trung với diện tích đủ lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc, cũng như phòng trừ sâu bệnh một cách đồng bộ; chú trọng đến công tác tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa. Về kỹ thuật sản xuất nên sử dụng lượng giống gieo vừa phải, hợp lý để tận dụng khả năng đẻ nhánh của cây lúa, tăng cường hiệu quả của các biện pháp chăm bón, giảm sử dụng thuốc BVTV. Với giống KH1 nên sử dụng lượng giống 4,5- 5kg/sào  là phù hợp. Cần chú ý bón lót và bón thúc sớm, bón kịp thời để lúa phát triển mạnh ngay từ đầu, tăng cường thêm phân đạm vào thời kỳ đón đòng. Mặt dù giống lúa KH1 ít bị sâu bệnh hại nhưng trong quá trình sản xuất cần thường xuyên theo dõi, dự tính dự báo, áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ kịp thời. Là giống có thời gian sinh trưởng dài hơn các giống đang sản xuất phổ biến khoảng 5-7 ngày, cần bố trí gieo trà sớm để tránh bị ảnh hưởng của thời tiết và tiến độ gieo cấy của vụ sau./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày