Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.351.400
Truy câp hiện tại 9.353
THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ KIỂU MỚI: MÔ HÌNH HỘI QUÁN TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 19/03/2022

Hội quán của nông dân là một hình thức liên kết tự nguyện giữa những người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa người nông dân với chính quyền về những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản.

 

Trong những năm qua, tại một số địa phương trong nước như: Đồng Tháp, Hà Tĩnh,… Mô hình hội quán đã được thành lập và hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của người nông dân. Mô hình này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, hình thành niềm tin cho người nông dân thông qua việc phát huy dân chủ.

Hội quán là một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, mô hình hiệu quả, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật những thông tin về giá cả thị trường. Bên cạnh đó, Hội quán còn là nơi để các nhà khoa học, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với nông dân, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao sản xuất, hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản; đồng thời còn là kênh trao đổi giữa nông dân với chính quyền, đoàn thể, qua đó giúp hội viên, nông dân nắm bắt, tiếp cận thông tin về những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngày 01/3/2022, đồng chí Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với các đơn vị về mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh. Thành phần tham dự gồm có: Đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; đồng chí Trần Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình hội quán trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế:

Triển khai thành lập thí điểm mô hình Hội quán trong nông nghiệp trên cơ sở tập hợp, gắn bó các hội viên, cộng đồng dân cư nông nghiệp, nhằm tổ chức sinh hoạt liên kết những người dân tại địa phương, thực hiện kết nối ngành nghề, sản xuất mặt hàng nông sản chủ lực, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân trong cộng đồng; nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ, cùng địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Việc đổi mới về mô hình tổ chức cơ sở Hội sẽ góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn.

Việc thành lập thí điểm mô hình Hội quán nông nghiệp cần tránh hình thức, đảm bảo đạt được tiêu chí 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.

Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình thí điểm thành lập Hội quán, các địa phương tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng mô hình Hội quán nông nghiệp tại địa bàn quản lý.

Một trong những mô hình được lựa chọn triển khai thí điểm là mô hình Hội quán Thanh Trà tại phường Thủy Biều.

Thanh trà Thủy Biều từng là đặc sản tiến vua, được công nhận là 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam. Thanh trà không chỉ được biết đến là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là “cây làm giàu” của hàng trăm hộ nông dân ở phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến Huế, người ta không chỉ biết đến những đặc sản nổi tiếng đã làm nên thương hiệu cho vùng đất cố đô như mè xửng, tôm chua… mà du khách cũng không thể bỏ qua một loại đặc sản vườn đã gắn liền với vùng đất này hàng trăm năm nay, đó là quả thanh trà.

Ở Huế, cây thanh trà thường được trồng tập trung chủ yếu những vùng phù sa, ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương… nhưng có lẽ khi nhắc đến “Thanh trà Huế” người ta thường nhắc đến thanh trà Thủy Biều.

Phường Thủy Biều nằm ven bờ sông Hương ở phía Tây Nam thành phố Huế. Do ở địa thế đặc biệt, Thủy Biều luôn được một lượng lớn phù sa của sông Hương bồi đắp hàng năm. Chính sự kết tinh từ những hạt phù sa màu mỡ này đã làm cho quả thanh trà ở đây có vị ngọt mà chẳng nơi nào có được.

Cây thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều từ bao đời nay, nó đã làm “thay da đổi thịt” làng quê vốn nghèo khó, là cây trồng chủ lực ở địa phương có giá trị thu nhập cao nhất so với các cây như lúa, hoa màu… Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu. Toàn địa phương hiện có hơn 2,2 nghìn hộ thì có đến 800 hộ trồng thanh trà với diện tích hơn 200ha.

Tuy nhiên, trên địa bàn phường Thủy Biều, cây Thanh trà sản xuất dựa trên kinh nghiệm của mỗi hộ gia đình, nhận thức của người dân về sản xuất an toàn, thực phẩm sạch vẫn còn nhiều hạn chế, sản xuất thường theo tính tự phát,... Ngoài ra, người dân còn phải đối mặt về giá cả đầu ra bấp bênh của thị trường, còn phụ thuộc vào thương lái, khả năng tiếp cận với thị trường còn nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế vì thế cũng giảm đi rõ rệt… Mô hình Hội quán Thanh trà được thành lập sẽ thổi một luồng gió mới vào vùng đất Thủy Biều, thúc đẩy, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển cây đặc sản Thanh trà một cách bền vững trên đất Thừa Thiên Huế, hướng đến đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, văn minh hiện đại”. Tạo không gian sân chơi thu hút các tầng lớp nhân dân trao đổi kinh nghiệm,giải trí, tạo điểm nhấn về cảnh quan “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn” trong khu dân cư góp phần chỉnh trang đô thị và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và vật chất cho người dân và du khách khi đến với Thủy Biều.

VĂN PHÒNG SỞ
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày