Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.338.906
Truy câp hiện tại 2.368
Một số vấn đề cần lưu ý trong chăn nuôi bò lai F1 BBB
Ngày cập nhật 11/07/2016
Bê con 5 tháng tuổi

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai mô hình lai tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng cách sử dụng tinh bò siêu thịt BBB (Blanc Blue Belge) để thụ tinh nhân tạo cho bò cái lai Zebu có trọng lượng trên 270kg.

Bò BBB là giống bò siêu thịt có nguồn gốc từ Bỉ, trọng lượng trưởng thành con cái từ 8-9 tạ, con đực từ 1,1-1,2 tấn. Khi lai tạo với bò cái lai Zebu, sản xuất con lai tăng trọng nhanh trong điều kiện nuôi đầy đủ dinh dưỡng. Sau 6 tháng đạt 170-180kg, sau 18 tháng đạt 360-370kg, tỷ lệ thịt xẻ 60%,  hiệu quả kinh tế cao gấp 1,4-1,5 lần so với nuôi bò lai Zebu.

Năm 2015,  trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối giống được 40 bò cái và đã có 24 bê lai ra đời (tính đến hết tháng 6/2016). Đàn bê lai F1 BBB sinh trưởng và phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi bán thâm canh ở nông hộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Trọng lượng bê sơ sinh đạt bình quân 30kg/con, gấp 1,5 lần so với giống bò lai Zebu cùng tuổi. Trọng lượng bê 4 tháng tuổi đạt 115kg/con, gấp 1,4-1,5 lần so với bê lai Zebu. Theo dõi tăng trọng bước đầu cho thấy bò lai F1BBB sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với bò lai Zebu. Do bò lai BBB có trọng lượng sơ sinh lớn, tăng trọng nhanh nên quá trình sản xuất bà con cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật như sau:

1. Chọn bò cái nền để phối giống:

Chọn bò cái lai Zebu có tầm vóc lớn, trọng lượng cơ thể ≥ 270 kg, có lứa đẻ thứ 2 đến lứa 7. Bò mẹ cho sữa nhiều và nuôi dưỡng bê con tốt, không có các bệnh tiền sử như: đẻ khó, sa tử cung, tắc sữa ....

2. Chuồng trại

Chuồng trại nên xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và ấm áp mùa đông, nền chuồng không nên làm trơn láng. Chuồng trại nên xây dựng cách xa nhà ở, hướng chuồng quay về hướng Nam hoặc Đông nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng của chuồng, diện tích từ 3-4 m2/con.

3. Phối giống

Chu kỳ động dục của bò cái trung bình là 21 ngày (dao động 18-24 ngày), thời gian động dục lại sau khi sinh 2-3 tháng. Bò cái khi động dục có biểu hiện ít ăn, kêu rống, thích gần hít ngửi âm hộ và nhảy lên lưng con khác hoặc để con khác nhảy, âm hộ sưng đỏ, chảy nước nhờn lúc đầu trong, lỏng sau đặc dần và keo dính.

Thời điểm phối giống thích hợp cho bò là khi thấy nước nhờn keo dính, âm hộ hơi mở, niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt, lúc đó bò có biểu hiện đứng yên khi con khác nhảy lên. Thời điểm phối giống thường theo quy luật sáng - chiều tức là nếu thấy bò có biểu hiện động dục buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều, nếu bò động dục buổi trưa hoặc chiều thì phối giống vào buổi sáng hôm sau.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng

4.1. Chăm sóc bò cái mang thai: Trong suốt thời gian mang thai bò cái cần được ăn uống đầy đủ thức ăn thô xanh và bổ sung thức ăn tinh 1kg/con/ngày. Tránh cưỡng bức, xua đuổi bò mạnh trong các tháng chửa thứ 3, thứ 4 và tháng thứ 7 đến tháng thứ 9.

4.2. Đỡ đẻ cho bò: Thời gian mang thai trung bình của bò là 280 ngày. Trong trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái bằng cách dùng tay kéo nhẹ bê ra theo nhịp rặn của bò mẹ. Cắt dây rốn cho bê con dài khoảng 10-12 cm, sát trùng bằng cồn Iốt 5%. Lau nhớt dãi trong mũi, miệng bê sau đó để bò mẹ tự liếm con hoặc dùng khăn khô lau cho bê. Vệ sinh phần thân sau và bầu vú bò mẹ, cho bò mẹ uống nước, thêm ít muối, cám và nước ấm. Trường hợp đẻ khó phải gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.

4.3. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ:  Từ 1-3 ngày sau khi đẻ cho bò mẹ ăn cháo (0,5- 1kg thức ăn tinh/con/ngày) hòa với 30-40gam muối ăn và 30-40gam bột xương, cung cấp đủ cỏ xanh tại chuồng. Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, mỗi ngày cho bò mẹ ăn 30kg cỏ tươi, 2-3 kg rơm, 1-2 kg cám hoặc thức ăn hổn hợp để bò mẹ phục hồi sức khoẻ, nhanh động dục lại để phối giống. Khoảng 2-3 tháng sau khi sinh bò mẹ sẽ động dục lại và ta cho phối giống lứa tiếp theo.

          4.4. Chăm sóc và nuôi dưỡng bê lai:

          - Sau khi sinh cần cho bê con bú sữa đầu ngay.

           - Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi nuôi ở nhà với mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, lót chỗ cho bê nằm thật khô và sạch. Bê từ 10-15 ngày tuổi cho tập làm quen với cỏ non và thức ăn tinh. Tẩy giun cho bê từ 15-20 ngày tuổi

- Từ 1-3 tháng tuổi: Chăn thả theo mẹ ở bãi gần, bổ sung cho bê ăn thức ăn tinh 0,5kg/ngày.

- Từ 3-6 tháng tuổi: Cho ăn 5-10kg cỏ tươi non và 0,5 – 1kg thức ăn tinh/ngày. Tập cho bê ăn cỏ khô, rơm. Cai sữa và nuôi riêng bê lúc đạt 6 tháng tuổi.

          - Từ 6-14 tháng tuổi: Chăn thả là chính, mỗi ngày cho ăn thêm 10-20kg cỏ tươi, ngọn mía, cây ngô non và 1-2kg thức ăn tinh (75% cám gạo hoặc bột sắn + 25% khô dầu lạc). Mùa thiếu cỏ cho ăn thêm rơm,  thân cây chuối cắt ngắn trộn với thức ăn tinh.

          - Từ 15-18 tháng tuổi: Ngoài chăn thả, mỗi ngày cho bò ăn thêm 15-20kg thức ăn xanh, 2- 3kg thức ăn tinh, bổ sung thêm rĩ mật đường nếu có.

- Vỗ béo bò trước khi bán thịt: Trước khi bán thịt, ta cần vỗ béo khoảng 2 tháng sẽ cho lợi nhuận cao. Để bò nhanh béo ta áp dụng các kỹ thuật như: Tẩy giun sán trước lúc vỗ béo, nuôi nhốt tại chuồng suốt thời gian vỗ béo, mỗi ngày cho ăn 8-15kg thức ăn thô xanh, 3-5 kg thức ăn tinh chia làm 4-5 bữa trong ngày. Luôn luôn có nước sạch trong máng uống cho bò

Các tin khác
Xem tin theo ngày