Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 2.905
Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại chó, quản lý chó nuôi và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó năm 2019
Ngày cập nhật 02/04/2019

Thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật, Thông tư số 07/2017/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, Kế hoạch số 1037/KH-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh Về việc phê duyệt Chương trình phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 59/KH-UBND, ngày 20/3/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Thực hiện “Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại  giai đoạn 2017-2021” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Công văn số 417/SNNPTNT-CCCNTY ngày 11/4/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT V/v triển khai công tác quản lý chó nuôi trên địa bàn; Công văn số 565/UBND-TH ngày 07/02/2014 của UBND tỉnh Về việc triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó; Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại chó, quản lý chó nuôi và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó năm 2019 như sau:

I. Mục tiêu:

- Tiêm phòng 100% số chó trong diện tiêm trên địa bàn tỉnh;

- Tạo miễn dịch chủ động cho đàn chó nhằm ngăn ngừa bệnh dại phát sinh và lây lan;

- 100% địa bàn thôn, xã quản lý được đàn chó nuôi.

II. Đối tượng và loại vắc xin tiêm phòng:

- Đối tượng tiêm phòng: chó, mèo.

- Loại vắc xin tiêm phòng: vắc xin phòng bệnh Dại; sử dụng những loại vắcxin được lưu hành tại Việt Nam, có chất lượng tốt để tiêm phòng bệnh dại ở chó như Rabisin, Rabigen-Mono,…

       III. Thời gian triển khai tiêm phòng:

       - Từ ngày 01/4/2019 đến 30/4/2019: tiêm vắc xin dại đồng loạt cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh.

       - Sau đó hàng tháng triển khai tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo mới lớn lên, mới nuôi, chó mèo chưa được tiêm phòng dại trong đợt tiêm chính, chó mèo tiêm phòng dại đã hết miễn dịch.

       IV. Chỉ tiêu tiêm phòng và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó:

       - Để nắm chắc số lượng và tiêm phòng triệt để, các địa phương cần tổ chức thống kê đàn chó, mèo trước khi triển khai tiêm phòng.

       - Các địa phương xây dựng chỉ tiêu tiêm phòng và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó trên cơ sở căn cứ vào tổng đàn chó, mèo và kết quả tiêm phòng dại năm 2018.

       V. Giá tiêm phòng và mức đóng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó:

       - Giá tiêm phòng: tuỳ theo điều kiện cụ thể, UBND các địa phương quyết định mức thu đủ chi phí: vắc xin; bảo quản, hao hụt; tiền công thú y; chi phí điều tra, tuyên truyền; điều hành chỉ đạo; xử lý chó không tiêm. Mức thu tiêm phòng tập trung thấp hơn mức thu tiêm phòng phân tán tại hộ gia đình. Gía vắc xin: theo thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về biểu giá các loại vắc xin gia súc, gia cầm, dại chó. Các huyện đăng ký nhu cầu vắc xin Dại về số lượng, quy cách đóng gói theo biểu mẫu đính kèm để Chi cục cung ứng .

       - Mức đóng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi theo thông báo của Công ty Bảo hiểm PVI Huế.

VI. Quản lý chó nuôi:

- Triển khai công tác quản lý chó nuôi để nắm chính xác được tổng đàn nhằm triển khai tiêm phòng triệt để và chủ động phát hiện, ứng phó kịp thời các ca bệnh dại trên đàn chó (nếu có).

- Tổ chức quản lý chó nuôi bằng việc:

+ Chủ nuôi chó đăng ký việc nuôi chó đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình với UBND cấp xã (thông qua tổ trưởng tổ dân phố, thôn trưởng).

+ Tổ trưởng tổ dân phố, thôn trưởng lập danh sách hộ nuôi chó, số lượng chó nuôi, nắm diễn biến tăng giảm đàn báo cáo UBND cấp xã trước khi triển khai tiêm phòng (tháng 3) và báo cáo đột xuất khi có biến động về số hộ nuôi, tổng đàn chó.

- Theo dõi Giấy chứng nhận tiêm phòng (CNTP): Khi cung ứng vắc xin dại cho các địa phương, cán bộ lập sổ theo dõi số sê-ri Giấy CNTP kèm theo số lượng vắc xin cung ứng để quản lý.

- Ghi Giấy CNTP: Khi tiêm phòng xong, Thú y cấp cho chủ nuôi Giấy CNTP (1 giấy/1con). Giấy CNTP ghi đầy đủ các thông tin (cả phần gốc và phần phát cho chủ nuôi): họ tên chủ hộ, đặc điểm, ngày tiêm phòng…và nộp lại phần gốc cho Chi cục (qua Trung tâm DVNN) lưu làm cơ sở giám sát dịch bệnh và tiêm phòng sau này.

       VII. Tổ chức triển khai:

       1. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo:

       - Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế tham mưu kế hoạch trình UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành, tổ chức hội nghị triển khai đến UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền; có kế hoạch kiểm tra tiêm phòng tại cơ sở để chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong công tác tiêm phòng.

       - UBND các xã, phường, thị trấn ban hành kế hoạch và triển khai tiêm phòng vắc xin dại trên địa bàn; phân công lực lượng thôn, tổ dân phố, các đoàn thể phối hợp với lực lượng thú y để triển khai tiêm phòng đảm bảo kế hoạch, tiến độ chung; tổ chức nắm danh sách thống kê đàn chó để tiêm phòng và quản lý chó nuôi trên địa bàn theo hình thức tập trung đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian; thường xuyên tổ chức kiểm tra, trực báo để nắm tiến độ, khó khăn kịp thời có giải pháp khắc phục; cuối vụ tiêm phòng tập trung xử lý kiên quyết những hộ không chấp hành chủ trương tiêm phòng chó mèo của mình.

       - Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) các huyện, thị xã phối hợp với UBND cấp xã, các ngành:

       + Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh phường xã, xe tuyên truyền lưu động đến tận chủ nuôi để triển khai tiêm phòng và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó đạt kết quả tốt trong thời gian từ 01/4/2019  đến 30/4/2019.

       + Nhận sổ quản lý chó nuôi tại Chi cục và phân bổ về cho các thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện công tác quản lý chó nuôi trên địa bàn.

       + Phối hợp với UBND cấp xã hướng dẫn thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố ghi chép đầy đủ vào sổ quản lý chó nuôi về số lượng chó nuôi của mỗi hộ gia đình, đặc điểm nhận dạng, số lượng chó được tiêm phòng dại và chưa được tiêm phòng dại, lý do chó chưa được tiêm phòng dại để có biện pháp xử lý, tiêm phòng bổ sung; chú ý khâu bảo quản chất lượng vắc xin, tập huấn qui trình kỹ thuật, theo dõi xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm phòng, giám sát liều lượng, lứa tuổi, ghi chép sổ sách và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ cho chủ nuôi.

       + Phối hợp các ngành, địa phương giám sát tình hình bệnh dại, hướng dẫn biện pháp xử lý khi bị chó cắn để kịp thời can thiệp. 

       + Đối với những vùng đời sống nhân dân có khó khăn, đề nghị Ban chỉ đạo các cấp, các địa phương cần quan tâm tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác tiêm phòng triển khai tốt.

+ Báo cáo tiến độ tiêm phòng hàng tuần (vào ngày thứ năm) và cho UBND huyện, thị xã và Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y bằng email: dichtecctyhue@gmail.com) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tổng hợp tiêm phòng dại theo hộ để báo cáo cho Cục Thú y.

       2. Phòng Quản lý dịch bệnh phối hợp Đài truyền hình làm chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dại và quản lý chó nuôi; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm DVNN các huyện, thị xã và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

       3. Phòng Hành chính Tổng hợp cung ứng kịp thời vắc xin, Giấy chứng nhận tiêm phòng dại; chuẩn bị phương tiện và vật tư liên quan để tuyên truyền lưu động trên địa bàn toàn tỉnh.

       Nhận được Kế hoạch này đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng Kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại, quản lý chó nuôi và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó năm 2019 đạt chỉ tiêu và kết quả cao.

Các tin khác
Xem tin theo ngày