Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.312.433
Truy câp hiện tại 9.963
96,5% xã, phường, thị trấn của tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022
Ngày cập nhật 10/05/2023

Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, vì vậy, để kịp thời phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thống nhất, đồng bộ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Văn bản 539/UBND-TP ngày 14 tháng 01 năm 2022 về chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Trong đó chỉ đạo, hướng dẫn những nội dung mới, quan trọng liên quan đến công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022

Trong năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, ngăn ngừa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. 

Nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện và phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến các tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật một cách trực quan, đã tổ chức 08 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở và 01 Hội nghị điểm về tập huấn chuẩn tiếp cận pháp luật cho 60 đại biểu là lãnh đạo, công chức, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở và người có uy tín trong cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Hương Hữu, huyện Nam Đông. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn pháp luật cho đội ngũ công chức Văn phòng - Thống kê và Tư pháp - Hộ tịch của các xã, thị trấn (đặc biệt là đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu UBND cấp xã trong công tác này tại địa phương).

Song song với hình thức Hội nghị, đã tiến hành biên soạn, cấp phát đến từng xã, phường, thị trấn 15.000 tờ gấp pháp luật với nội dung: “Các bước tiến hành hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới”; xây dựng các đề cương, bài viết nghiên cứu – trao đổi liên quan đến công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thực hiện biên soạn, biên tập, đăng tải 67 tình huống giải đáp pháp luật với các chủ đề liên quan đến các lĩnh vực pháp luật gắn liền với đời sống của Nhân dân... trên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan và địa phương, Trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tuyên truyền bằng loa truyền thanh tại cơ sở; giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới trên Trang Fanpage Pháp luật với Cuộc sống...

Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh  đã trực tiếp thẩm định tiêu chí 18.4 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Năm 2022, giao Sở Tư pháp phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới thực hiện thẩm định tiêu chí 18.4 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2022 đối với 05 xã: xã Điền Hương, xã Phong Bình, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền); xã Vinh An (huyện Phú Vang); xã Hương Thọ (thành phố Huế) nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã nông thôn mới. Qua công tác thẩm tra, đã hướng dẫn các Phòng Tư pháp, các xã trong việc lập, bổ sung hồ sơ đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo yêu cầu, khắc phục hạn chế và định hướng giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật ở từng địa phương. Kết quả, 100% đơn vị đủ điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Trong năm 2022, nhờ thực hiện tốt công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, huyện Quảng Điền là địa phương thứ 2 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau: có 136/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 96,5%). Theo báo cáo của Hội đồng đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các huyện, thị xã, thành phố, các xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đều là những xã có tổng số điểm của các tiêu chí không đạt 80 điểm (trong đó, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý là tiêu chí có điểm số chưa cao).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương còn những khó khăn, hạn chế như:

- Sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có nơi chưa chặt chẽ; nguồn lực để thực hiện chưa được đảm bảo.

- Công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chủ yếu giao cho công chức Tư pháp – hộ tịch thực hiện. Tuy nhiên, do công tác hộ tịch, chứng thực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đồng thời công chức Tư pháp – Hộ tịch hiện nay phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác, do đó công tác tham mưu, triển khai tự đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có nơi còn chưa được đảm bảo;

- Tại một số địa phương, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, do đó dẫn tới ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa cao.

- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của một số cơ quan, địa phương có lúc chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các ngành chưa thường xuyên, đồng bộ.

- Một số đơn vị cấp xã còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí nên khó bảo đảm đạt các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan (việc bố trí cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ hòa giải và hòa giải viên chưa được đảm bảo; công tác tuyên truyền về trợ giúp pháp lý dù đã được tăng cường tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...).

- Việc điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các xã, phường, thị trấn đã làm biến động đến diện tích, dân số quản lý của từng địa phương; dẫn tới sự chênh lệch giữa các khu vực, tình hình an ninh chính trị mỗi khu vực diễn biến khác nhau nên công tác quản lý xã hội trên các lĩnh vực gặp phải không ít khó khăn.

- Một số đơn vị chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân để thích ứng với tình hình thực tế; việc đánh giá tiếp cận pháp luật ở một số xã, phường còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo yêu cầu; còn lúng túng trong đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.

Để nâng cao chỉ tiêu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2023, chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai các giải pháp trọng tâm sau đây:

- Bám sát và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 476/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2022 của UBND tỉnh về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và Kế hoạch của địa phương nhằm bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ.

- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó, thống nhất ý chí hành động, tăng cường thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này.

- Các Sở, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo, đề ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật liên quan đến phạm vi quản lý, bảo đảm cấp cơ sở hoàn thành được các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các xã, phường, thị trấn trong tổ chức thực hiện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng trình tự, thủ tục, thời hạn. Có giải pháp chỉ đạo quyết liệt và biện pháp đối với các đơn vị cấp xã không thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Phát huy hơn nữa vai trò của các thành viên và của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong tư vấn các nhiệm vụ theo quy định. Chú trọng xây dựng những giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.

- Sở Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tham mưu hướng dẫn triển khai đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn cấp huyện triển khai các nhiệm vụ đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng quy định.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày