Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.346.583
Truy câp hiện tại 6.870
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất Lúa
Ngày cập nhật 29/10/2014

Việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh cây lúa, đưa vào sản xuất các giống triển vọng kết hợp ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật là ưu tiên hàng đầu, nhằm bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, đồng thời nâng cao trình độ canh tác của người nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích là yêu cầu cần thiết và cấp bách. 

Những năm gần đây, diễn biến thời tiết có những biến động khá phức tạp do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Tình hình nước biển ngày càng dâng cao làm một phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở nhiều nơi trở nên chua phèn gây khó khăn trong sản xuất, thêm vào đó là tập quán canh tác còn thiếu hiểu biết của người nông dân là chỉ sử dụng phân hóa học làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, bạc màu dẫn đến năng suất thấp.

Do vậy, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng giá trị sản lượng, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, thì việc đưa vào sản xuất thử các giống lúa có triển vọng kết hợp ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm bổ sung vào cơ cấu giống lúa, đồng thời nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, cũng như tạo ra những sản phẩm lúa chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường là hết sức cần thiết.

Vụ Hè Thu 2014, phòng Trồng trọt – Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới đến bà con nông dân, đã phối hợp một số Hợp tác xã nông nghiệp Hiền Lương - huyện Phong Điền, Vinh Thái - huyện Phú Vang, Tín Lợi - huyện Quảng Điền, Đông Hưng - huyện Phú Lộc triển khai xây dựng mô hình “Ứng dựng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên một số vùng năng suất thấp” quy mô 10ha, trong đó 07ha giống DT39, và 03ha giống HN6, với sự tham gia của 69 hộ nông dân.

Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Phòng Trồng trọt - Chăn nuôi Sở, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư cùng với BQL các HTX thường xuyên bám sát đồng ruộng và kịp thời chỉ đạo người dân thực hiện các giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: bón lót đầy đủ phân hữu cơ vi sinh, bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa thông qua phân bón lá, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa và diễn biến sâu bệnh hại để cùng bà con nông dân có giải pháp xử lý kịp thời.

Qua đánh giá kết quả tại hội nghị đầu bờ, tổng hợp cả 4 điểm thực hiện mô hình cho thấy, mặc dù điều kiện đất đai ở các vùng này không được màu mỡ nhưng có đầu tư thâm canh đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt, năng suất bình quân giống DT39 đạt 58,4 tạ/ha; giống HN6 đạt 59 tạ/ha cao hơn giống đối chứng HT1 từ 8-10%, lợi nhuận tăng 26,8%. Đặc biệt, điểm mới trong mô hình là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về bón phân như bón lót hữu cơ vi sinh, sử dụng phân bón lá Delta K phun vào giai đoạn trước và sau trổ đã bổ sung dinh dưỡng kịp thời, nên hạt lúa chắc mẩy, có màu sắc sáng, trổ tập trung hơn so với những ruộng không dùng phân bón lá, bón phân mất cân đối .

Qua việc thực hiện mô hình, công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã được các hộ nông dân tham gia nhiệt tình, thực hiện tốt những yêu cầu kỹ thuật đã đề ra nên đã cải thiện năng suất ngay trên chính mảnh ruộng của người nông dân.

Mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất đối với những vùng trồng lúa, đất bị nhiễm chua phèn không chỉ đem lại lợi ích cho người sản xuất như tăng năng suất, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích mà còn nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật cho người nông dân.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở những vùng khó khăn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu thị trường, và đặc biệt là trong điều kiện chịu sự tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu những mô hình đã có ý nghĩa thiết thực.

Qua đó, đòi hỏi các địa phương cũng như các hộ nông dân cần phải thay đổi  tư duy trong nhận thức, thực hiện tốt việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cơ cấu giống, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng để thay thế các giống đã bị thoái hóa, đầu tư thâm canh, bón phân cân đối, bổ sung phân bón kịp thời, tích cực mở rộng diện tích, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, tạo mối liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ để sản phẩm nông nghiệp làm ra được chủ động thị trường, ổn định, phát triển bền vững./.

Hoàng Nguyễn Minh Đức
Các tin khác
Xem tin theo ngày