Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 16.975
Nhìn lại sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngày cập nhật 24/12/2019

Sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực; hiện nay, độ che phủ rừng đạt 57,34% (56,63% năm 2016) thuộc nhóm cao trong cả nước

.

Ngày 12/01/2017 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ. Sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực; hiện nay, độ che phủ rừng đạt 57,34% (56,63% năm 2016) thuộc nhóm cao trong cả nước.

Chỉ thị số 13-CT/TW là dấu mốc đánh dấu bước chuyển mới trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để chỉ đạo việc thực hiện sát sao Chỉ thị 13-CT/TW, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, các Sở, Ban, Ngành có liên quan đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị,… để thực hiện. Trong 3 năm gần đây từ khi có Chỉ thị 13-CT/TW, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế việc vi phạm lâm luật, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép đã giảm gần 16% về số lượng và mức độ so với cùng kỳ; toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng, sử dụng mục đích khác giảm; đối với diện tích rừng phòng hộ ven biển được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt.

Có được kết quả đó là nhờ Tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 04/12/2015 về việc tăng cường công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các bên liên quan đã được làm rõ. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác QLBV&PTR đã được phát huy sau khi Tỉnh đã thí điểm và xây dựng thành công Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ngoài việc luôn tích cực rà soát, truy quét nhằm phát hiện các hoạt động vi phạm ra thì việc ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác giám sát tài nguyên rừng, đặc biệt là việc xâm lấn rừng và đất rừng. Các đơn vị chủ rừng, các cơ quan Kiểm lâm, Công an, Quân đội đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp tuần tra, chốt chặn, truy quét ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng, vi phạm quy định về động vật hoang dã, công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Qua quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và nhân dân về công tác QLBV&PTR có sự chuyển biến mạnh mẽ; nhận thức rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 10.500 ha rừng trồng gỗ lớn trong đó, có 7.768,3 ha tham gia chứng chỉ rừng FSC tiến đến đạt tối thiểu có 9.000 ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên tổng số 16.000 ha kế hoạch vào năm 2020. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án giống cây lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa để quản lý chặt chẽ nguồn giống và nâng cao chất lượng giống. Chú trọng phát triển trồng cây lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây dược liệu, dưới tán rừng để nâng cao giá trị gia tăng kinh doanh lâm nghiệp.

Các sở, ban, ngành và các địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, thái độ, trách nhiệm trong nội bộ cán bộ, đảng viên cũng như cộng đồng dân cư, chủ rừng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR); tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể xã hội. Xây dựng các phong trào toàn dân tham gia công tác QLBV&PTR bằng nhiều hình thức phong phú, đặc biệt thông qua việc thành lập các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả tại cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về QLBV&PTR.

Ngoài ra, các hoạt động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực QLBVR&PTR được thực hiện để tăng cường hợp tác quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới, đẩy mạnh phối hợp tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng giáp ranh, xử lý không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trong vùng giáp ranh giữa hai nước; kiểm soát gỗ xuất nhập khẩu qua biên giới, không để lợi dụng trà trộn gỗ không nguồn gốc để hợp thức hóa qua nhập khẩu; tăng cường trao đổi thông tin về hợp tác quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực quản lý cho ngành lâm nghiệp, tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án trong và ngoài nước.

Một số bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW: Một là, công tác BV&PTR phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, toàn diện của cấp ủy Đảng; chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt của chính quyền địa phương; tham mưu đắc lực của các cấp, các ngành; sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị; tạo được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Hai là, trong chỉ đạo điều hành phải chọn những việc trọng tâm, địa bàn trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở để có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; giao rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, đơn vị, chủ rừng chịu trách nhiệm trong công tác QLBV&PTR. Ba là, làm tốt công tác khuyến lâm, đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào BV&PTR, giúp người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, làm giàu từ rừng, gắn bó người dân với rừng. Bốn là, xây dựng các chương trình, dự án, chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển; cùng với việc phải tích cực tuyên truyền sâu rộng công tác QLBV&PTR, bảo tồn đa dạng sinh học để người dân tích cực tham gia.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị chủ rừng và người dân gần rừng đã nâng cao hiệu quả công tác QLBV&PTR. Trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các tổ chức ban ngành được xác định rõ ràng và được thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. 

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày