Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 2.422
THÔNG BÁO Về việc chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây sen lấy hạt vụ Đông Xuân 2019-2020
Ngày cập nhật 03/04/2020

THÔNG BÁO

Về việc chăm sóc và phòng trừ sinh

vật gây hại trên cây sen lấy hạt vụ Đông Xuân 2019-2020

 

Năm 2020, kế hoạch trồng sen toàn tỉnh khoảng 517,4 ha, đến nay đã trồng khoảng 330 ha, sen giai đoạn phát triển thân lá, nhìn chung cây sen sinh trưởng phát triển bình thường. Cục bộ một số diện tích sen bị chết tỷ lệ 10-20%, nơi cao 50-70%, chủ yếu trên đất chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng sen. Nguyên nhân là do nhiễm chua, phèn, một phần do bệnh thối rễ, thối thân gây hại (Quảng Lợi - Quảng Điền; Hương Chữ, Hương Xuân - Hương Trà). Các đối tượng sinh vật gây hại khác như bệnh thán thư, đốm lá, bọ trĩ,…gây hại mật độ, tỷ lệ thấp.

Để chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất trồng và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây sen. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Đẩy nhanh tiến độ trồng sen đảm bảo khung lịch thời vụ. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, không nhiễm sâu bệnh để trồng, bón lót đầy đủ trước khi trồng theo đúng quy trình (600kg lân + 100 kg urê + 60 kg Kali clorua/ha).

Đối với những diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sen cần hướng dẫn nông dân làm đất kỹ, nhuyễn bùn (độ sâu bùn thích hợp >30cm), tăng cường bón thêm vôi bột (400 kg/ha) để cải tạo đất, nhằm hạn chế chua phèn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây sen; điều chỉnh mực nước hợp lý để cây sinh trưởng phát triển

2. Đối với diện tích sen đã trồng đang giai đoạn phát triển thân lá, tăng cường chăm sóc bón phân thúc cân đối, đầy đủ, đảm bảo theo đúng quy trình, tùy theo tình hình ruộng sen và chân đất để điều chỉnh lượng phân cho phù hợp theo từng giai đoạn. Quy trình bón thúc (tính cho 1 ha) như sau:

- Bón thúc lần 1 (sau khi trồng từ 20-30 ngày): 80 kg đạm urê, bằng cách vãi đều xung quanh cây con; hoặc bón 160-200kg phân NPK 16-16-8+13S.

- Bón thúc lần 2 (sau khi trồng từ 50-60 ngày): 60 kg đạm urê + 80 kg Kali clorua; hoặc bón 120-160kg phân NPK 16-16-8+13S.

- Bón thúc lần 3 (sau khi trồng từ 75-85 ngày): 60kg urê; hoặc 80-120kg NPK 16-16-8+13S.

3. Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo phòng trừ một số bệnh đang phát triển gây hại để hạn chế lây lan.

- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp.: Thường phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, bệnh gây các bộ phân cây sen như lá, bông, hạt. Nấm bệnh gây hại trên lá và bông khi còn dưới mặt nước nên khi nhô ra khỏi mặt nước bệnh đã làm thối lá hoặc bông. Phun phòng trừ bệnh khi mới xuất hiện bằng những loại thuốc đặc trị như: Vimonyl 72WP, MapHero 340WP,…

- Bệnh thối thân do nấm Phythophthora sp.: Bệnh gây hại làm đỉnh sinh trưởng và thân bị thối đen, lây lan rất nhanh trong hồ, ruộng sen. Triệu chứng ban đầu là lá bị vàng úa cả lá, sau đó khô đi rất nhanh. Mô bệnh bị thối đen, bầy nhầy có mùi thối ngay cả rễ vẫn phát triển tốt. Vệ sinh thu gom, nhổ cây sen bị bệnh đem đốt, hạ mực nước và bón sulphat đồng (0,25-0,3g/m3). Nếu bệnh vẫn tiếp tục lây lan phải khử trùng cả hồ bằng sodium hypochloride (nước Javen), nồng độ 10-12% .

- Bệnh thối rễ, củ do nấm Fusarium sp. và Pythium sp.:Cả 2 loại nấm này đều tồn tại rất lâu trong đất. Bệnh thường phát sinh gây hại khi nhiệt độ cao, ít mưa. Phun trừ bệnh mới chớm xuất hiện bằng các loại thuốc như Ridomil Gold 68 WP, Antracol 700WP, Score 250ND, Aliette 80WP,... Nếu ruộng bị bệnh gây hại nặng thì năm sau phải luân canh, chọn loại cây trồng khác để trồng cắt đứt nguồn bệnh.

Lưu ý: Khi hồ, ruộng sen đang nhiễm bệnh ngừng bón các loại phân, chất kích thích sinh trưởng, tháo cạn nước trong hồ và tiến hành phun trừ bệnh. Khi phun thuốc phòng trừ bệnh kết hợp với dầu khoáng SK 98EC hoặc chất bám dính để tăng khả năng bám dính của thuốc và loang đều trên thân, lá, nhằm tăng hiệu lực của thuốc. Sau phun 3 ngày tiến hành kiểm tra ruộng sen, nếu thấy bệnh ngừng phát triển thì cho nước vào ruộng trở lại và chăm sóc để cây sen phục hồi phát triển. Nếu bệnh có xu hướng phát triển phun lại lần 2 để khống chế bệnh, tăng cường bón thêm phân kaliclorua để cây hồi phục và phát triển.

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày