Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 13.110
Dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng vụ Hè Thu năm 2020
Ngày cập nhật 05/05/2020

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế: Dự báo hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng. Trong các tháng từ 5 - 8/2020, nắng nóng gay gắt xảy ra trên toàn khu vực với 2-3 đợt trong 1 tháng, có đợt kéo dài nhiều ngày, với nhiệt độ lên tới 39 - 410C, khả năng lượng mưa thấp hơn TBNN, có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt đối với những vùng không chủ động được nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, một số đối tượng sinh vật gây hại phát triển gia tăng và có khả năng gây hại nặng cục bộ vào cuối vụ như: rầy, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, lem lép,…; Bọ phấn trắng, nhện đỏ gây hại trên cây sắn, …; Sâu keo mùa thu hại ngô; Bệnh nứt thân, xì mủ trên cây bưởi Thanh Trà; …

Kế hoạch sản xuất cây trồng
1. Kế hoạch sản xuất
- Cây lúa: Kế hoạch sản xuất khoảng là 26.000 ha (trong đó Hè Thu sớm 160 ha).
- Cây trồng khác:
+ Lạc:  350 ha
+ Ngô: 400 ha
+ Rau đậu các loại: 4.000 ha.
2. Cơ cấu giống
* Cây lúa
- Bố trí chủ yếu nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chủ lực là: Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100 (KH1), IR352 (nếp), … Để đảm bảo năng suất và sản lượng lúa, các địa phương cần bố trí hợp lý các giống trên cơ sở xem xét cụ thể điều kiện sản xuất. Mở rộng diện tích gieo cấy giống ĐT100 (KH1) ở những vùng đất tốt, thâm canh, sâu bùn. Cần tăng tỷ lệ cơ cấu hợp lý các giống có thời gian sinh trưởng ngắn như TH5, Ma Lâm 48,… trên các diện tích gieo cấy muộn để đảm bảo được lịch thời vụ gieo trồng. Khuyến khích mở rộng thêm diện tích khảo nghiệm sản xuất một số giống lúa đã được công nhận chính thức có tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm như Hà Phát 3, DT39,…
- Lịch thời vụ: Theo hướng dẫn khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT.
* Cây trồng khác: Sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng, giống xác nhận để gieo trồng, phấn đấu đạt tỷ lệ giống mới trên 85%.
Tình hình sinh vật gây hại trong thời gian qua
1. Trên cây lúa
- Rầy gây hại mật độ 750-1.000 con/m2, nơi cao 1.500-3.000 con/m2, cục bộ >5.000 con/m2, rầy giai đoạn trưởng thành, tuổi 2-3, mật độ ổ trứng rầy từ 1-3 ổ/dảnh, nơi cao 5-7 ổ/dảnh.
- Sâu cuốn lá nhỏ gây hại mật độ 10-20 con/m2, nơi cao 30-40 con/m2, sâu tuổi 1-2.
- Bệnh khô vằn gây hại tỷ lệ bệnh 10-20%, bệnh cấp 1-3, nơi cao 30->40%, bệnh cấp 3-5.
- Bệnh lem lép hạt gây hại tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 20-40%.
- Chuột gây hại tỷ lệ 5-10%, nơi cao 10-20%.
Ngoài ra, các đối tượng sinh vật gây hại khác như: nhện gié, sâu cắn gié, bệnh đốm nấu, bệnh thối thân, thối bẹ, … gây hại rải rác, mật độ, tỷ lệ hại thấp.
2. Cây cao su
- Bệnh xì mủ gây hại tỷ lệ bệnh 5-10%, bệnh loét sọc miệng cạo gây hại tỷ lệ bệnh 5-10%.
- Các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh thán thư, nấm hồng, đốm lá, rụng lá Corynespora,… gây hại cục bộ, tỷ lệ bệnh thấp.
3. Cây ăn quả có múi (bưởi Thanh Trà, bưởi da xanh, cam, quýt,...)
- Bệnh chảy gôm gây hại tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 20-30%; Sâu đục quả gây hại, tỷ lệ hại 5-10%; Sâu vẽ bùa gây hại, tỷ lệ hại 5 -10%.
- Các đối tượng gây hại khác như: nhện đỏ, sâu đục thân, đục cành, bệnh muội đen, bệnh vàng lá greening,... gây hại mật độ và tỷ lệ hại thấp. 
4. Cây tiêu
- Bệnh chết nhanh gây hại tỷ lệ bệnh 3-5%, nơi cao 10-15%.; Bệnh thán thư gây hại tỷ lệ bệnh 3-5%, nơi cao 5-10%; Bệnh đốm rong gây hại, tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 15-20%.
- Các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh chết chậm, tuyến trùng, ,… gây hại cục bộ mật độ và tỷ lệ hại thấp.
5. Cây hành lá
- Dòi đục cọng hành gây hại  mật độ 10-15 con/m2.
- Sâu xanh da láng gây hại mật độ 5-10 con/m2, nơi cao 20-30 con/m2, sâu gối nhiều tuổi.
- Các đối tượng sinh vật như bệnh khô đầu lá, bọ nhảy, ... gây hại rải rác mật độ, tỷ lệ thấp.
6. Cây sắn
- Bệnh khảm lá gây hại tỷ lệ 5-10%, nơi cao 70-80%; Bọ phấn trắng gây hại mật độ 30-50 con/cây, nơi cao 100-300 con/cây; Rệp sáp, rệp sáp bột hồng gây hại, tỷ lệ hại 5-7%, cục bộ nơi cao 30-40%.
- Các đối tượng sinh vật như nhện đỏ, đốm lá, ... gây hại rải rác mật độ, tỷ lệ thấp.
7. Cây lạc
- Bệnh héo rũ gây hại tỷ lệ 5-10%, nơi cao 20%; Sâu ăn lá gây hại  mật độ 3-5 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2.
- Các đối tượng sinh vật như bệnh rỉ sắt, đốm lá, ... gây hại rải rác tỷ lệ thấp.
8. Cây Sen
- Bệnh thối rễ, thối thân trên sen gây hại tỷ lệ 10-20%, nơi cao 30-50%; Bệnh thán thư gây hại tỷ lệ bệnh 10-20%; nơi cao 30- 50%.
- Các đối tượng sinh vật gây hại khác: sâu ăn lá, bệnh đốm lá,… mật độ và tỷ lệ thấp. 
9. Cây trồng khác (rau, ngô, …)
- Sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô rải rác, mật độ 3-4 con/m2, sâu giai đoạn tuổi 5-6.
- Các đối tượng sinh vật gây hại khác như bệnh khô đầu lá, sâu tơ,... mật độ và tỷ lệ thấp, tiếp tục theo dõi quản lý và dự tính dự báo thời gian tới. 
Dự kiến một số đối tượng sinh vật gây hại chính trên một số cây trồng 
1. Trên cây lúa
1.1. Ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng gây hại giai đoạn đầu vụ, với đặc điểm sinh sản nhanh, liên tục gối lứa đẻ trứng và nở, ốc non, đặc biệt trên những chân ruộng thấp trũng, mặt ruộng không bằng phẳng đọng nước, chân ruộng ven các mương thủy lợi,...
1.2. Bọ trĩ
Bọ trĩ sẽ phát sinh gây hại sớm ngay từ giai đoạn mạ-đẻ nhánh, đặc biệt gây hại nặng cục bộ trên các chân ruộng gieo sạ không bón lót, chăm sóc bón phân kém, ruộng khô nước, gieo sạ muộn,...
1.3. Chuột 
Chuột thường phát sinh gây hại thường xuyên trên đồng ruộng, có khả năng gây hại nặng cục bộ ở các vùng không được tổ chức phòng trừ tốt ngay từ đầu vụ, nhất là các chân ruộng ven cồn mồ mả, gò đồi, ven đường, gần khu dân cư, gieo sạ không tập trung,...
1.4. Sâu cuốn lá nhỏ
Sâu cuốn lá phát sinh gây hại từ giai đoạn đẻ nhánh đến trổ chín, nhất là các đợt sâu non nở gây hại lá đòng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Dự kiến các lứa sâu như sau:
- Lứa 5: Vũ hoá từ ngày 10-20/6/2020, sâu non nở gây hại rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh-đứng cái.
- Lứa 6: Vũ hoá từ ngày 08-18/7/2020, sâu non nở gây hại trên lúa giai đoạn làm đòng-trổ.
- Lứa 7: Vũ hóa từ ngày 05-15/8/2020, sâu non nở gây hại trên lúa giai đoạn trổ-chín.
- Lứa 8: Vũ hóa từ ngày 02-12/9/2020, sâu non nở gây hại trên một số diện tích lúa trà muộn chưa thu hoạch, lúa chét và cỏ dại.
1.5. Sâu đục thân: Có khả năng phát sinh gây hại các lứa chính sau:
- Lứa 3: Vũ hóa từ  ngày 05-15/6/2020, sâu non nở gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh.
- Lứa 4: Vũ hóa từ ngày 05-15/7/2020, sâu non nở gây hại lúa giai đoạn làm đòng - trổ. 
- Lứa 5: Vũ hóa từ ngày 05-15/8/2020, sâu non nở gây hại lúa giai đoạn trổ - chín. 
1.6. Rầy các loại (rầy nâu, lưng trắng, bọ phấn)
Dự báo rầy các loại phát sinh gây hại nhiều đợt và diễn biến phức tạp, có thể gây hại nặng cục bộ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, nhất là từ giai đoạn giữa và cuối vụ. Cần chú ý các lứa rầy chính sau:
- Lứa 6: Nở từ 12-22/6/2020 gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh-đứng cái.
- Lứa 7: Nở từ 10-20/7/2020 gây hại trên lúa đang giai đoạn lúa làm đòng-trổ, rầy tích lũy gia tăng mật độ nhanh trên các giống nhiễm, ruộng gieo sạ dày.
- Lứa 8: Nở từ 08-18/8/2020 có khả năng gây hại nặng trên lúa đang giai đoạn trổ-chín.
- Lứa 9: Nở từ 06-16/9/2020 gây hại trên một số diện tích lúa trà muộn chưa thu hoạch, tồn tại trên lúa chét và cỏ dại.
1.7. Nhện gié
Do ảnh hưởng của nắng nóng, nhiệt độ cao, nhện gié có khả năng phát sinh gây hại sớm và phát triển gây hại từ giai đoạn đứng cái-làm đòng đến trổ chín, có khả năng gây hại nặng cục bộ trên các chân ruộng có tầng canh tác mỏng, bón phân không cân đối, gieo sạ dày, không vệ sinh cỏ bờ dường, khô hạn thiếu nước,...
1.8. Bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ lá đòng
Bệnh phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến trổ chín, nhất là trên các chân ruộng chua phèn, gieo sạ dày, ruộng thấp trũng, tù đọng nước, bón phân thiếu cân đối, bón nặng đạm giai đoạn cuối, …
1.9. Lem lép hạt: Có 2 nhóm nguyên nhân chính sau:
- Do điều kiện ngoại cảnh tác động: Phát sinh gây hại trên các chân ruộng chua phèn, nhiễm mặn, bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Giai đoạn lúa làm đòng, trổ (giai đoạn phơi màu) gặp thời tiết bất lợi như: mưa, nắng nóng nhiệt độ cao kéo dài, ẩm độ không khí thấp, ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, thụ phấn của cây lúa làm tăng tỷ lệ lép hạt.
- Do các sinh vật gây hại: Bệnh phát sinh gây hại do các loại nấm, vi khuẩn, côn trùng, … đặc biệt trên các chân ruộng không phun phòng khi lúa trổ hoặc phun phòng bệnh không đúng yêu cầu kỹ thuật (phun sớm hoặc phun muộn, phun thiếu lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích) và các chân ruộng nhiễm bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ, nhện gié, sâu cuốn lá, … tỷ lệ lem lép hạt lúa gia tăng.
1.10. Bệnh bạc lá vi khuẩn
Bệnh thường gây hại  mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, sau các đợt mưa dông kèm theo gió, lốc. Bệnh gây hại nặng từ giai đoạn lúa làm đòng đến trổ chín, nhất là trên các chân ruộng chua phèn, bón nhiều đạm,...
2. Trên cây rau, màu
- Sâu tơ, sâu xanh da láng, sâu xanh bướm trắng: Gây hại từ khi gieo đến khi thu hoạch trên các loại rau thuộc họ thập tự (cải bẹ xanh, bẹ trắng, ...), họ bầu bí, ném, kiệu, hành lá, ...
- Bọ nhảy: Gây hại trên các loại cây thuộc họ thập tự. Sâu non hại rễ, củ, trưởng thành gây hại lá, khi mật độ cao gây hại nặng làm lá vàng, cây còi cọc phát triển kém, bọ nhảy gây hại quanh năm.
- Sâu keo mùa thu: Sâu tập trung gây hại nặng trên cây ngô và một số cây trồng khác, cần tăng cường điều tra, theo dõi để có biện pháp xử lý ngay từ diện hẹp, nhất là ngô mới trồng đến 5-7 lá.
Ngoài những đối tượng sinh vật gây hại trên còn xuất hiện một số đối tượng dịch hại khác như:
- Thời kỳ đầu vụ (giai đoạn cây con): Điều tra theo dõi sâu xám hại gốc, sâu khoang, sâu cuốn lá, rầy, rệp, bệnh đốm lá, nhóm bệnh héo rũ (lở cổ rễ, thối đen rễ,…), bệnh phấn trắng, …
- Thời kỳ cuối vụ (giai đoạn phát triển củ, quả, hạt): Điều tra theo dõi sâu đục thân, đục quả, rệp cờ, nhện đỏ, bọ phấn, bệnh đốm lá, bệnh thán thư, bệnh khô vằn, bệnh chết dây vàng lá, bệnh thối hoa rụng quả, …
3. Trên cây công nghiệp
3.1. Cây lạc 
- Sâu khoang, sâu xanh: Phát sinh gây hại từ giai đoạn cây con, gây hại nặng từ khi lạc phân cành ra hoa.  
- Bệnh héo rũ do các loại nấm (mốc đen, mốc trắng, lở cổ rễ, thối đen rễ,...), do vi khuẩn (héo xanh vi khuẩn) gây hại chủ yếu giai đoạn cây con đến ra hoa đâm tia. Bệnh thối tia, thối củ (do nấm Pythium, Rhizoctonia,...) gây hại từ cây con đến củ già, hại nặng từ khi ra hoa đâm tia rộ đến quả vào chắc. 
Ngoài ra, các sinh vật gây hại khác như: Bệnh đốm nâu, đốm đen, đốm vòng, rệp, ... gây hại cục bộ.
3.2. Cây sắn 
- Bệnh khảm lá, bọ phấn trắng, rệp sáp, rệp sáp bột hồng: Tiếp tục tồn tại gây hại nhất là trên diện tích bị nhiễm chưa được phun trừ tuyệt đối.
- Nhện đỏ: Phát sinh gây hại khi gặp điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao, nhất là trên các chân đất khô, thiếu độ ẩm. 
- Bệnh thán thư, bệnh đốm lá, nứt thân chảy nhựa phát sinh gây hại sau các đợt mưa dông và nắng mưa xen kẽ.
Các đối tượng sinh vật khác như sâu ăn lá, bệnh chổi rồng, ... gây hại mật độ, tỷ lệ thấp.
3.3. Cây hồ tiêu
- Bệnh thán thư: Bệnh gây hại rải rác trong năm, gây hại nặng trong các tháng có độ ẩm > 90%, nhất là sau các đợt mưa và nắng xen kẽ, đặc biệt ở các vườn bón phân không cân đối, chăm sóc kém, trồng không đảm bảo mật độ, trồng dày.                                                                                                                                                                               
- Bệnh chết nhanh, chết chậm: Phát sinh gây hại trên các vườn tiêu chăm sóc kém, hệ thống thoát nước kém, đặc biệt bệnh có khả năng phát sinh gây hại và lây lan mạnh vào mùa mưa.
- Rệp sáp: Phát sinh gây hại quanh năm, gây hại nặng khi gặp thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, thiếu nước. Rệp tập trung chích hút lá, cành, quả, … làm cho cây sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp.
- Tuyến trùng rễ: Phát sinh gây hại quanh năm, tuyến trùng xâm nhập vào rễ cây, phá hủy hệ thống rễ, làm cho cây không thể hút nước và chất dinh dưỡng làm cây tiêu sinh trưởng và phát triển kém, vàng lá, còi cọc, ra hoa đậu quả ít, nếu tuyến trùng gây hại nặng có thể chết cây.
Ngoài ra, các đối tượng sinh vật gây hại khác như: Bệnh đốm lá, rệp muội, … gây hại rải rác, mật độ và tỷ lệ hại thấp.
3.4. Cây cao su
- Bệnh loét sọc miệng cạo, bệnh xì mủ phát sinh gây hại nặng trên các vườn cao su kinh doanh, chăm sóc kém, già cỗi, cạo phạm, vệ sinh miệng cạo kém.
Ngoài ra, các đối tượng sinh vật gây hại khác như: Bệnh phấn trắng, bệnh rụng lá Corynespora, … gây hại tỷ lệ bệnh thấp.
4. Trên cây ăn quả có múi
- Bệnh chảy gôm phát sinh gây hại thường xuyên và có khả năng gây hại nặng vào mùa mưa, nhất là các vườn thoát nước kém, vườn bị bệnh không phòng trừ, chăm sóc kém, ...
- Bệnh vàng lá gân xanh: Phát sinh gây hại quanh năm, bệnh lây lan do rầy chổng cánh môi giới truyền bệnh nhất là trên những vườn bón phân, chăm sóc kém.
- Sâu vẽ bùa phát sinh gây hại vào các đợt ra lộc non, nhất là đợt lộc thu vào tháng 7,8.
- Ruồi đục quả: Phát sinh gây hại nặng từ tháng 6-8 hàng năm, vườn chăm sóc bón phân kém, vườn cây lâu năm, vườn tạp.
- Sâu đục thân, đục cành, đục quả: Phát sinh gây hại vào tháng 7,8 hàng năm. Cần chú ý theo dõi thời gian vũ hoá, đẻ trứng và sâu non nở để có biện pháp phòng trừ trước khi sâu non xâm nhập gây hại trên thân, cành, quả.
5. Trên cây Sen
- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp.: Thường phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, sau các đợt mưa, nắng xen kẽ, đặc biệt ở các ruộng (hồ) bón phân không cân đối, chăm sóc kém.
- Bệnh thối thân do nấm Phythophthora sp.: Bệnh gây hại làm đỉnh sinh trưởng và thân bị thối đen, lây lan rất nhanh trong hồ, ruộng sen. Triệu chứng ban đầu là lá bị vàng úa cả lá, sau đó khô đi rất nhanh. Mô bệnh bị thối đen, bầy nhầy có mùi thối ngay cả rễ vẫn phát triển tốt. 
- Bệnh thối rễ, củ do nấm Fusarium sp. và Pythium sp.: Cả 2 loại nấm này đều tồn tại rất lâu trong đất. Bệnh thường phát sinh gây hại khi nhiệt độ cao, ít mưa. 
6. Trên cây hoa (cúc, ...)
- Bệnh héo xanh, héo vàng: Phát sinh gây hại trên các chân ruộng gieo trồng các giống chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, chăm sóc bón phân kém.
Ngoài ra, các đối tượng sinh vật khác gây hại mật độ và tỷ lệ thấp như: Bệnh đốm vòng, bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp, … gây hại trên hoa cúc.
Tổ chức thực hiện và chỉ đạo phòng trừ
1. Trên cây lúa
1.1. Đối với bọ trĩ
- Hướng dẫn nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy, bón lót đầy đủ; tăng cường chăm sóc, bón phân thúc sớm, cân đối và điều tưới nước hợp lý để lúa sinh trưởng, phát triển khỏe tăng khả năng chống chịu.
1.2. Đối với ốc bươu vàng
Thu gom ốc và ổ trứng tiêu diệt để hạn chế mật độ ngay từ đầu vụ. Khi ốc gây hại với mật độ cao cần xử lý bằng các loại thuốc có độc tính thấp, ít ảnh hưởng đến môi trường và động vật thuỷ sinh. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có gốc Endosulfan  hoặc Sulffat đồng (phèn xanh) để diệt ốc bươu vàng, vì  gây hại cho người, thủy sản và  làm ô nhiễm môi trường nước.
1.3. Đối với sâu cuốn lá
- Khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu còn thấp, đặc biệt giai đoạn từ 0-35 ngày sau sạ để giảm chi phí sản xuất và hạn chế mật độ sâu gây bộc phát vào thời điểm cuối vụ.
- Thường xuyên thăm đồng để nắm chắc tình hình, giai đoạn sinh trưởng cây lúa nhất là giai đoạn lúa làm đòng-trổ và nắm giai đoạn phát dục của sâu, lưu ý các lứa sâu 5-7 để dự báo thời gian sâu nở, đánh giá mật độ, diện phân bố để chỉ đạo phun trừ nơi có mật độ cao.
1.4. Sâu đục thân
Tăng cường điều tra, theo dõi sâu vũ hóa lứa 4, 5 để dự báo thời gian sâu non nở nhất là giai đoạn lúa làm đòng để chỉ đạo phun trừ khi sâu non mới nở tuổi 1-2.
1.5. Đối với rầy các loại
- Cần tăng cường điều tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi rầy chặt chẽ nhất là các ổ rầy hàng năm, vùng nhiễm rầy nặng vụ Đông Xuân; theo dõi rầy nở các lứa 7 và 8, đánh giá mật độ để chỉ đạo phun trừ khi mật độ rầy >1.500 con/m2, rầy tuổi 1-2. Trường hợp mật độ rầy cao, nhiều lứa gối nhau nên kết hợp biện pháp trộn thuốc với cát vãi phía dưới, phía trên phun trừ để tăng khả năng tiêu diệt rầy. Khi phun phải đưa nước vào ruộng, phun đảm bảo đủ lượng nước 25-30 lít/sào.
1.6. Đối với nhện gié
- Thực hiện vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư thực vật, cỏ dại, bờ thửa, mương nước; sơn bờ trước khi gieo sạ để hạn chế nơi cư trú của nhện, đất ruộng làm kỹ, san phẳng mặt ruộng. 
- Tăng cường điều tra phát hiện các vết nhện gié hại trên bẹ lá từ khi lúa cuối giai đoạn đẻ nhánh rộ-đứng cái để chỉ đạo phun trừ bằng các loại thuốc hóa học có tính thấm sâu, nội hấp để hạn chế nhện gié di chuyển vào trong bẹ lá tích lũy và gia tăng mật độ gây hại giai đoạn lúa trổ. 
1.7. Chuột hại
Chỉ đạo các địa phương tổ chức diệt chuột liên tục, đồng loạt bằng nhiều biện pháp như: biện pháp thủ công (Nilon, rào cản, bẫy bán nguyệt, …) và sử dụng bả sinh học, thuốc vi sinh chống đông máu, … để hạn chế mật độ; chú trọng 2 thời điểm trước khi xuống vụ gieo sạ và giai đoạn lúa làm đòng-trổ nhằm hạn chế thiệt hại
1.8. Đối với bệnh lem lép hạt
Hướng dẫn nông dân quản lý đồng ruộng bằng các biện pháp tổng hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng do việc bón thừa đạm, các yếu tố thời tiết, chua phèn, hạn chế các nấm bệnh, vi khuẩn, côn trùng gây hại. Đồng thời chỉ đạo phun phòng bệnh lem lép hạt khi lúa trổ vè thưa (trổ 3-5%) và sau khi lúa trổ xong (sau phun lần 1: 5-7 ngày). Sau khi phun phòng bệnh lem lép nếu gặp trời mưa thì tiến hành phun lại để ngăn ngừa các vi sinh vật xâm nhiễm gây bệnh.
1.9. Đối với bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ lá đòng
- Gieo cấy mật độ hợp lý, bón phân cân đối giúp cây lúa phát triển khoẻ, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, phát dọn bờ dường, bờ thửa, mương nước để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Chú ý theo dõi vào giai đoạn làm đòng để phát hiện bệnh gây hại và chỉ đạo phun trừ sớm, phun kỹ vào các ổ bệnh để hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng.
- Các chân ruộng thấp trũng, tù đọng nước, hàng năm bị chua phèn cần khuyến cáo nông dân bón vôi (20-25 kg/500m2) trước khi cày vỡ để cải tạo đất, nâng cao độ phì, thau chua trước khi gieo cấy, giúp cho cây lúa phát triển khoẻ hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Chú ý theo dõi vào giai đoạn làm đòng-trổ để phát hiện bệnh gây hại và chỉ đạo phun trừ sớm để hạn chế bệnh phát triển lây lan ảnh hưởng đến quá trình trổ và gây lem lép hạt lúa.
1.9. Bệnh bạc lá vi khuẩn: Ngay từ đầu vụ cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), canh tác lúa cải tiến SRI,... chú trọng đến gieo sạ mật độ hợp lý, bón phân thúc sớm, cân đối NPK để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe tăng khả năng chống chịu bệnh. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhất là sau các đợt mưa dông để phát hiện sớm bệnh gây hại để hướng dẫn nông dân không bón phân đạm, chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và giữ mực nước trong ruộng, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc  như: Oxolinic acid (Starner 20WP,…); Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP,…); Bismerthiazol (Xanthomix 20WP,…); Copper Hydroxide (Map-Jaho 77 WP, Champion 37.5FL,...); Thiodiazole Copper (Longbay 20SC,...); Thiodiazole  Zinc (LK-one 50 SC,...) phun theo lượng khuyến cáo và phun lại lần 2 cách 5 – 7 ngày nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh. 
2. Trên cây rau màu
2.1. Đối với sâu hại
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi mật độ sâu hại và sinh vật có ích để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời. Khi mật độ sâu cao, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất cần ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học để phun trừ. Chú ý phun thuốc phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng và thời gian cách ly.
- Đối với sâu keo mùa thu: Thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như: Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn cây ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; Sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Baccillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacard, Lufenuron, …; sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.
2.2. Đối với bệnh hại
Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh, bón vôi trước khi cày vỡ nhằm hạn chế nguồn bệnh phát sinh, bón lót phân chuồng hoai mục, phân đạm, lân, kali trước khi gieo trồng giúp cho cây phát triển khoẻ, hạn chế bệnh phát sinh gây hại.
3. Trên cây công nghiệp
3.1. Cây sắn 
- Tăng cường chỉ đạo tiêu hủy bệnh khảm lá sắn theo Công văn số 449/SNNPTNT - TTBVTV ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT; Công văn số 105/TTBVTV-BVTV ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về việc tăng cường chỉ đạo phòng trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) khảm lá sắn.
- Kiểm tra và chỉ đạo phun trừ bọ phấn trắng, rệp sáp, rệp sáp bột hồng kịp thời, hạn chế phát tán lây lan, nhất là diện tích bị bệnh khảm lá.
- Chăm sóc bón phân thúc đầy đủ, cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển tốt tăng cường chống chịu với các đối tượng sinh vật gây hại. Thường xuyên vệ sinh, thu gom thân, cành bị bọ phấn, rệp hại nặng để tiêu hủy, nhất là các ổ mới phát sinh để hạn chế mật độ.
3.2. Cây cao su
- Phòng bệnh bằng cách chăm sóc, làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành sâu bệnh, vệ sinh vườn, … tạo độ thông thoáng, khơi mương thoát nước trong mùa mưa để hạn chế các bệnh phát sinh gây hại.
- Tăng cường công tác điều tra, theo dõi phát hiện bệnh sớm để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
3.3. Cây hồ tiêu
- Chăm sóc, bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển tốt tăng khả năng chống chịu với các đối tượng sinh vật gây hại, vệ sinh vườn,… tạo độ thông thoáng, khơi mương thoát nước trong mùa mưa để hạn chế bệnh phát sinh gây hại.
Tăng cường công tác điều tra, theo dõi phát hiện sớm các đối tượng sinh vật hại để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
4. Trên cây có múi
4.1. Sâu đục thân, đục cành
Vệ sinh vườn, kết hợp cắt tỉa cành tăm, cành vượt, bắt diệt sâu non. Nếu sâu đã đục vào thân, cành lớn có thể dùng dây thép nhỏ (ruột phanh xe) để luồng vào đường đục diệt sâu hoặc dùng ống tiêm bơm thuốc dạng xông hơi, tiếp xúc vào lỗ đục và bịt lại bằng đất sét hoặc bông gòn tẩm thuốc.
4.2. Sâu vẽ bùa
Chú ý điều tra, theo dõi các đợt cây ra lộc non để xử lý, trường hợp mật độ sâu non cao cần phun thuốc 2 lần cách nhau 15-30 ngày để diệt các lứa gối nhau bằng các loại thuốc Ajuni 50WP, Actimax 50WG, Map Winner 5WG, …
4.3. Ruồi đục quả, sâu đục quả
- Vệ sinh vườn, thu gom quả rụng để tiêu hủy. Làm cỏ, bón phân kết hợp xới xáo, vun gốc để hạn chế nhộng vũ hóa. Sử dụng các biện pháp bao trái để hạn chế ruồi đục quả, dùng các loại bẫy (bả chua ngọt, pheromone, protein thủy phân …) để tiêu diệt trưởng thành.
- Đặt bẫy bả chua ngọt (50-100 bẫy/ha), bẫy pheromone (10-20 bẫy/ha) hoặc bẫy protein (40-50 bẫy/ha) trên ruộng để diệt trừ trưởng thành ruồi đục quả ở tất cả các vùng trồng. Nên đặt bẫy quanh năm nhưng quan trọng nhất là khi cây vừa đậu quả đến thu hoạch.
4.4. Bệnh chảy gôm do nấm Phytopthora spp 
- Vệ sinh vườn, thu gom các cành, cây bị bệnh đem tiêu huỷ, khơi thông rãnh thoát nước trong mùa mưa để hạn chế bệnh phát sinh gây hại và lây lan.
- Khuyến cáo nông dân sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng hoại mục để bón cho cây Thanh trà; vệ sinh quét vôi, thuốc hoá học có gốc đồng vào gốc và thân cây (độ cao khoảng 0,8-1m) trước mùa mưa để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Ngoài ra, bón kết hợp cân đối N:P:K theo quy trình để giúp cho cây phát triển và tăng sức chống chịu với bệnh gây hại.
- Khi phát hiện bệnh chảy gôm, cạo sạch phần vỏ và gỗ bị bệnh, sử dụng các loại thuốc như Ridomil Gold, Vimonyl, … để quét lên vết bệnh đã cạo sạch để hạn chế bệnh phát triển gây hại.
4.5. Bệnh vàng lá gân xanh
Không sử dụng những cây bị bệnh để nhân giống. Những cây bị bệnh nặng phải chặt bỏ, tiêu hủy. Theo dõi rầy chổng cánh vào các đợt ra lộc non, phun trừ kịp thời.
5. Trên cây sen
- Điều chỉnh mực nước hợp lý để cây sinh trưởng phát triển, điều tra phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
- Khi hồ, ruộng sen đang nhiễm bệnh ngừng bón các loại phân, chất kích thích sinh trưởng, tháo cạn nước trong hồ và tiến hành phun trừ bệnh. Khi phun thuốc phòng trừ bệnh kết hợp với dầu khoáng SK 98EC hoặc chất bám dính để tăng khả năng bám dính của thuốc và loang đều trên thân, lá, nhằm tăng hiệu lực của thuốc. Sau phun 3 ngày tiến hành kiểm tra ruộng sen, nếu thấy bệnh ngừng phát triển thì cho nước vào ruộng trở lại và chăm sóc để cây sen phục hồi phát triển. Nếu bệnh có xu hướng phát triển phun lại lần 2 để khống chế bệnh, tăng cường bón thêm phân kaliclorua để cây hồi phục và phát triển.
6. Trên cây hoa (cúc, ...)
Hướng dẫn nông dân sử dụng giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng để gieo trồng. Tăng cường bón phân chuồng hoai mục, bón cân đối hợp lý phân N:P:K để giúp cây cho cây phát triển khoẻ. Thường xuyên vệ sinh ruộng, vườn, cắt tỉa, thu gom lá bị sâu bệnh đem tiêu hủy, phun phòng bệnh trước và sau các đợt mưa nhằm hạn chế sinh vật phát sinh gây hại.
 
Bạch Ngọc Bảo Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày