Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.344.626
Truy câp hiện tại 5.779
Thừa Thiên-Huế sẽ di dời, chấm dứt hoạt động hơn 3.000 cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh
Ngày cập nhật 19/12/2022

Ngày 08/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND về việc Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; Vùng nuôi chim yến và Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/12/2022.

Theo tờ trình của UBND tỉnh, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, hiện có 251 khu vực dự kiến không được phép chăn nuôi tại các địa phương và TP. Huế. Đây là những khu vực, tuyến đường thuộc trung tâm của các huyện, thị xã, TP. Huế.

Số cơ sở chăn nuôi dự kiến cần phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi có khoảng 3.187 cơ sở, phần lớn sản xuất chăn nuôi tại khu vực này là chăn nuôi nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, tận dụng. Số nhà nuôi chim yến tại khu vực này có 69 nhà yến.

Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở chăn nuôi cần nguồn kinh phí khá lớn trong công tác di dời, xây dựng cơ sở mới, tái đàn, phát triển sản xuất. Vì thế cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Theo đánh giá, ngành chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn là chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh chiếm đa số, việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi chưa triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra. Đây là một trong những nguyên nhân chính luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang người.

Vì thế, cần thiết phải quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường sống cho người dân, góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với quá trình phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, việc di dời các cơ sở sản xuất chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tạo điều kiện cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô giúp cho hoạt động sản xuất chăn nuôi ổn định và phát triển bền vững; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có liên quan áp dụng trong quản lý phát triển sản xuất chăn nuôi tại địa phương.

Theo đó, chính sách hỗ trợ được quy định như sau: Đối với chăn nuôi quy mô nông hộ, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ; đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/trang trại; đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa, mức hỗ trợ 12 triệu đồng/trang trại; đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn, mức hỗ trợ 17 triệu đồng/trang trại; đối với nhà nuôi chim yến, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà.

Nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp để thực hiện việc di dời cơ sở ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, được bố trí trong dự toán ngân sách từ nguồn ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện 30%.

Qua thẩm tra của HĐND tỉnh cho thấy, đây là những khu vực, tuyến đường thuộc trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố Huế có chung các đặc điểm như: Khu vực trung tâm hành chính, khu dân cư tập trung, di tích, trường học, khu vực quốc phòngan ninh... HĐND tỉnh cho rằng, việc xác định các khu vực cụ thể như đề xuất là phù hợp với các quy định của pháp luật về chăn nuôi, góp phần đảm bảo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tới đời sống ở các khu vực đô thị, đông dân cư.

Về chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh đề nghị mức hỗ trợ từ 3 - 20 triệu đồng để hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi quy mô sản xuất. HĐND tỉnh nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh, mức hỗ trợ trên sẽ góp phần tạo động lực ban đầu cho các cơ sở chăn nuôi di dời vào vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của các địa phương, góp phần giải quyết về ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.

Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết gồm có 5 Điều gồm:

- Điều 1 quy định về phạm vi và đối tượng áp dụng

- Điều 2, Điều 3 quy định về vùng được phép nuôi, vùng không được phép nuôi chim yến

- Điều 4 quy định về  Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi, nhà nuôi chim yến ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo đó mức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với chăn nuôi quy mô nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi): Mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ (ba triệu đồng/hộ).

b) Đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ (từ 10 đến dưới 30 đơn vị    vật nuôi): Mức hỗ trợ 7.000.000 đồng/trang trại (bảy triệu đồng/trang trại).

c) Đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa (từ 30 đến dưới 300 đơn vị  vật nuôi): Mức hỗ trợ 12.000.000 đồng/trang trại (mười hai triệu đồng/trang trại).

d) Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 300 đơn vị vật nuôi         trở lên): Mức hỗ trợ 17.000.000 đồng/trang trại (mười bảy triệu đồng/trang trại).

đ) Đối với nhà yến, mức hỗ trợ 20.000.000 đồng/nhà (hai mươi            triệu đồng/nhà).

- Điều 5 quy định về quy định chuyển tiếp khi áp dụng Nghị quyết

Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND cũng quy định cụ thể các vùng, các tuyến đường không được phép nuôi chim yến trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để tạo điều kiện cho người dân nắm rõ các quy định, chính sách do HĐND tỉnh ban hành, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, nhất là địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định, chính sách đến các cá nhân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Quá trình áp dụng quy định, cần theo dõi, đánh giá nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho người dân trong sinh sống và sản xuất.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày