Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.338.086
Truy câp hiện tại 1.852
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
Ngày cập nhật 09/10/2023

Sáng ngày 05/10/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị giao ban Khối Lâm nghiệp Quý III, năm 2023. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở chủ trì.

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp. Sáng ngày 05/10/2023 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị giao ban Khối Lâm nghiệp Quý III, năm 2023. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở chủ trì.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 305.000 ha đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 205.000 ha, rừng trồng hơn 99.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 57%. Trong 10 năm vừa qua (2012 - 2022), tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 346 vụ cháy, gây thiệt hại diện tích 914 ha rừng.

Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Hiện tượng El Nino gây nắng nóng gay gắt kéo dài đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 56 vụ cháy rừng và thực bì, diện tích cháy 52,58 ha, diện tích có rừng 43,80 ha. Riêng trong tháng 8/2023 đã xảy ra 33 vụ cháy với diện tích cháy là 36,95 ha, diện tích có rừng 30,95 ha, trong đó có những ngày liên tục xảy ra 03-04 vụ cháy/ngày. Hiện chủ rừng và các đơn vị chức năng đang đánh giá thiệt hại sau cháy. Các vụ cháy xảy ra hầu hết trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố, trong đó thành phố Huế 26 vụ, thị xã Hương Thủy 10 vụ, huyện Phú Vang 05 vụ, thị xã Hương Trà 05 vụ huyện Phú Lộc 04 vụ, huyện Phong Điền 03 vụ và huyện A lưới, Nam Đông, Quảng điền mỗi huyện xảy ra 01 vụ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 40 vụ, diện tích cháy tăng 41,17 ha.

Một số nguyên nhân gây cháy đã được xác định: xử lý thực bì gây cháy lan (05 vụ), nghi đạn lân tinh tự phát nổ trong điều kiện nắng nóng gay gắt (02 vụ), đốt hương, vàng mã gây cháy lan (04 vụ), sét đánh gây cháy rừng (01 vụ), đốt rừng do phá hoại 01 vụ...

Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang huy động cả hệ thống chính trị, với quyết tâm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, sẵn sàng huy động tối đa nhân lực, vật lực để ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được quan tâm và chủ động theo phương châm “4 tại chỗ" và "5 sẵn sàng”.

Các địa phương, đơn vị tích cực, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy rừng với nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm 72 lượt tuyên truyền lưu động, tổ chức họp 157 cụm (tổ) dân cư với hơn 5.220 lượt người tham gia.

Lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ rừng xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy; kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện phương án của 12 đơn vị chủ rừng nhà nước;145 lượt kiểm tra các Hợp tác xã và UBND cấp xã có rừng, kết quả 100% các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện cơ bản đúng các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCCR cho 130 người là lực lượng Kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại các xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị chủ rừng cũng đã triển khai thực hiện các công trình lâm sinh phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023 như: Sửa chữa phát dọn thực bì 140,6 km đường ranh cản lửa, đưa vào sử dụng, phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng với mức đầu tư trên 1.028 triệu đồng.

Về công tác quản lý nương rẫy, lấn chiếm rừng, đất rừng và thực hiện Chỉ thị 65/2015/CT-UBND

Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng nhà nước thường xuyên rà soát, phát hiện các thông tin về biến động rừng và đất lâm nghiệp, kiểm tra, xác minh hiện trường, lập biên bản và xử lý; kết hợp thực hiện Chỉ thị 65/2015/CT-UBND trên địa bàn tỉnh. Đã kịp thời phát hiện, lập biên bản và xử lý 33 vụ phá rừng trái pháp luật, tổng diện tích rừng bị phá là 6,6795 ha. Tổng số tiền xử phạt là 34.000.000 đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ phá rừng giảm 17 vụ, diện tích rừng bị phá tăng 1,2535 ha. Chi cục Kiểm lâm đã triển khai 12 đợt kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND tại các đơn vị kiểm lâm trực thuộc và các chủ rừng tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc,... Kết quả, các đơn vị đã thường xuyên chỉ đạo kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ kỹ thuật tiến hành rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý thông qua công tác tuần tra hiện trường và giải đoán ảnh viễn thám.

Về công tác bảo tồn thiên nhiên

Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành cấp 12 mã số trại nuôi với tổng số 59 cá thể động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm nhóm IIB cho các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh; Hủy 01 mã số trại nuôi tại huyện Quảng Điền do chủ cơ sở và hạt Kiểm lâm sở tại đề nghị (do không còn nuôi loài nguy cấp, quý, hiếm). Trong 9 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận và cứu hộ thành công 65 cá thể động vật hoang dã bao gồm 35 cá thể rùa các loại; 14 cá thể Khỉ các loại; 02 cá thể Tê tê, 02 cá thể Culi nhỏ, 03 cá thể Kỳ đà vân và nhiều loài động vật khác.

Về công tác bảo vệ rừng và tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp 2017

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã bắt giữ và xử lý 218 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 103,233 m3 gỗ các loại, 242 cá thể động vật rừng (trong đó 28 cá thể loài nguy cấp, quý, hiếm và 214 cá thể loài thông thường), thu nộp ngân sách 560.549.000 đồng (trong đó tiền phạt 240.291.000 đồng, tiền bán tang vật tịch thu 320.258.000 đồng). So với cùng kỳ năm trước giảm 08 vụ, khối lượng gỗ tịch thu giảm 8,216 m3. Lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã tổ chức 731 đợt truy quét, với 14.099 ngày công, phát hiện 155 vụ vi phạm, tịch thu 24,957 m3 gỗ các loại, 10 máy cưa xăng, tháo dỡ 70 lán trại và 4.690 bẫy động vật rừng.

Sau khi nghe đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng Quý III/2023 và ý kiến tham gia của các thành phần dự hội nghị, đồng chí Phó Giám đốc Nguyễn Đại Anh Tuấn đã đánh giá, phân tích, kết luận và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị:

- Các đơn vị tập trung nguồn lực để phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023 trong thời gian 3 tháng cuối năm; trọng tâm là các chỉ tiêu về trồng rừng, các chương trình và dự án, trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn, chăm sóc rừng, khai thác rừng; kiểm soát chặt chẽ rừng tự nhiên và tình trạng lấn, chiếm rừng, đất rừng trước tình hình thời tiết và mùa vụ trồng rừng sắp đến; cập nhật theo dõi thường xuyên về diễn biến rừng, chú trọng các vùng Rú cát, rà soát đồng bộ đất và rừng.

- Một số chỉ tiêu trọng tâm chưa đạt được đến Quý III/2023, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đảm bảo hoàn thành trong 3 tháng còn lại cuối năm 2023; các tồn tại, khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, các đơn vị chủ động đề ra biện pháp, giải pháp tháo gỡ trong chức trách, nhiệm vụ được giao; những vấn đề cấp bách, khó khăn chưa thể giải quyết được, các đơn vị trực tiếp báo cáo đồng chí Phó GĐ Sở để được hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

- Trong lúc chờ văn bản hướng dẫn thực hiện vốn Chương trình PTLNBV năm 2023, các đơn vị chủ động chuẩn bị kế hoạch triển khai, khi có văn bản, tiến hành thực hiện đảm bảo hoàn thành, đúng tiến độ trong thời gian 3 tháng còn lại năm 2023.

- Các đơn vị duy trì và tăng cường phối hợp theo Quy chế, tổ chức theo dõi tuần tra, truy quét bằng dữ liệu SMART để chủ động kiểm soát tình hình rừng.

- Các chủ rừng có trách nhiệm lựa chọn và thuê tư vấn thiết kế các công trình lâm sinh; chủ động rà soát mùa vụ để trồng dặm rừng, trồng bổ sung, làm giàu rừng.

- Chi cục Kiểm lâm tăng cường giám sát các hoạt động lâm nghiệp và thực hiện các Chương trình; đánh giá phương án quản lý rừng bền vững của các chủ rừng đã được phê duyệt; vận động khuyến khích các chủ rừng là doanh nghiệp và cộng đồng xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật và ưu tiên nguồn lực cho hoạt động này; tăng cường tuyên truyền về công tác phát triển rừng, sử dụng rừng, về những thành công về trồng rừng thay thế, trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; vận động, hướng dẫn người dân địa phương tham gia trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, phát triển trồng cây dược liệu, phối hợp quản lý chặt chẽ nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo giống phải có nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo chất lượng; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thực hiện vai trò chủ đạo trong vận động tham gia trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

- Giao trách nhiệm Chi cục Kiểm lâm kiểm tra toàn diện đất rừng sản xuất của các đơn vị chủ rừng đã giao cho cán bộ viên chức sản xuất tại các ban quản lý rừng, kết quả báo cáo lãnh đạo Sở trước 30/10/2023.

- Giao phòng Kế hoạch, Tài chính đốc thúc để sớm có các nguồn vốn cho các đơn vị thực hiện các công việc đã được xây dựng theo kế hoạch.

- Giao phòng Tổ chức cán bộ rà soát biên chế công chức, viên chức và chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý rừng để xây dựng hoàn thiện hệ thống bộ máy của các ban quản lý rừng; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm có Kế hoạch đánh giá năng lực của lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm; đặc biệt là vai trò Hạt trưởng trong công tác tham mưu chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; lưu ý xem xét và đề xuất trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, nhất là người đứng đầu.

- Giao Văn phòng Sở theo dõi và báo cáo lãnh đạo Sở các văn bản có hạn đã được tham mưu ban hành triển khai tại các đơn vị./.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

TÔN THẤT NIỆM - VPS
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày