Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.327.495
Truy câp hiện tại 19.153
Kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh trong nông hộ
Ngày cập nhật 12/10/2017

Để nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò, trong nhiều năm qua tỉnh ta đã thực hiện công tác cải tạo nâng cấp chất lượng giống bò, đến nay đàn bò lai trong tỉnh đã chiếm 49% tổng đàn. Bò lai nhanh lớn và có tỷ lệ thịt cao, vì vậy để bò phát triển tốt và có hiệu quả kinh tế cao cần phải thay đổi phương thức từ chăn thả quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh. Nhằm giúp bà con nông dân có thêm kiến thức chăn nuôi bò đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế giới thiệu tóm tắt Kỹ thuật nuôi bò thâm canh ở nông hộ.

1. Chọn bò giống đưa vào nuôi thâm canh:

            - Chọn bò cái sinh sản làm giống: Chọn bò lai F1 trở lên, có ngoại hình đẹp, bầu vú phát triển tốt, bò động dục lần đầu khoảng 18 - 21 tháng tuổi. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ ngắn (mỗi năm 1 lứa).

            - Chọn bò nuôi thịt: Chọn bò lai F1(50% máu ngoại) trở lên, tốt nhất là bò đực lai F2 (75% máu Zebu) hoặc F1(BBBx lai Zebu).

2. Chuồng trại:

- Nên làm chuồng cách xa nhà ở.

            - Diện tích cần  cho 1 con bò: bò cái: 4-6 m2, bê: 2-4 m2.      

- Nền chuồng cao hơn mặt đất 30-40cm, lát bằng gạch hoặc bê tông nhám đảm bảo không trơn trượt, có độ dốc 1-2% để dễ  vệ sinh.

            - Cần xây máng ăn, máng uống tại chuồng để thuận tiện khi bổ sung thức ăn và chủ động cung cấp nước uống đầy đủ cho bò.  Máng ăn, máng uống đảm bảo láng nhẵn bề mắt để dễ dàng vệ sinh, chiều cao của máng từ 15-25cm, chiều rộng 35-40cm.

            - Nên xây công trình khí sinh học để xử lý phân thải và lấy khí đốt dùng cho sinh hoạt gia đình, hoặc xây hố nổi có mái che để chứa phân. Xây rảnh thoát nước phía sau chuồng để tập trung nước thải vào hầm biogas hoặc hố gas.

3. Thức ăn nuôi bòThức ăn cho bò bao gồm có các loại sau:

- Thức ăn thô xanh: Cỏ tự nhiên và cỏ trồng như cỏ Voi, Ghinê, VA06... , ngoài ra nên tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, mía, lạc để nuôi bò.

            - Loại thức ăn thô khô: Phổ biến là rơm rạ. Để tăng tỷ lệ tiêu hóa và tăng dinh dưỡng, rơm cần được xử lý trước khi cho bò ăn bằng cách ủ rơm với urê. Ngoài ra còn sử dụng cỏ thu cắt phơi khô để dự trữ cho mùa đông.

            - Loại thức ăn tinh: Thức ăn tinh được bổ sung chủ yếu trong giai đoạn bò mang thai và nuôi con, nhất là trong giai đoạn vỗ béo. Thức ăn tinh bao gồm các loại như: Cám gạo, ngô, bột sắn... trộn thêm khô đỗ tương, bột cá để được hổn hợp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng.

            Ngoài ra để bò sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt để nâng cao khả năng sinh sản cho bò cái, cần bổ sung khoáng dưới dạng tảng đá liếm để bò liếm tự do tại chuồng.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng bò cái sinh sản:

- Phát hiện động dục và phối giống nhân tạo cho bò cái:

+ Những biểu hiện chủ yếu khi bò cái động dục: Bò kêu rống, đi lại bồn chồn, ăn kém hoặc bỏ ăn, con vật hưng phấn cao độ thích nhảy lên lưng con khác sau đó đứng yên để con khác nhảy lên. Âm hộ hơi mở, có màu hồng, có dịch chảy ra thành sợi từ mép âm hộ.

Thời gian động dục ở bò cái phổ biến từ 18 - 24 giờ. Tuy nhiên, khoảng thời gian để phối giống dễ có chửa chỉ kéo dài trong khoảng 10 -12 giờ. Do vậy khi thấy bò có biểu hiện động dục cần báo ngay cho dẫn tinh viên biết để theo dõi và quyết định phối giống đúng thời điểm.

            + Phối giống nhân tạo cho bò cái: Thông thường phối giống theo quy luật sáng – chiều:

            Nếu bò bắt đầu chịu đực (đứng yên cho con khác nhảy lên) vào buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều hôm đó, có thể phối lặp lại vào sáng hôm sau.

            Nếu bò bắt đầu chịu đực vào buổi chiều thì phối giống vào buổi sáng hôm sau, có thể phối lặp lại vào buổi chiều cùng ngày.

            Những hộ có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt, nên sử dụng tinh bò siêu thịt giống BBB để phối cho những bò cái có trọng lượng 280kg trở lên, nuôi con tốt, không có tiền sử về bệnh sinh sản như sa âm đạo, đẻ khó.

            Sau khi phối giống ghi vào sổ theo dõi như: Ngày phối, lần phối, giống bò đực, số hiệu tinh... cho bò nghỉ ngơi tại chuồng. Nếu thời tiết nắng nóng không nên thả bò ra ngoài nắng trong 2-3 ngày đầu sau khi phối, tránh nhiệt độ cao sẽ giảm khả năng thụ thai.

            Nếu bò cái không đậu thai thì khoảng 18-24 ngày sẽ động dục trở lại, khi đó ta phải phối giống lại cho bò.

- Chăm sóc nuôi dưỡng bò cái mang thai, đẻnuôi con:

+ Nuôi dưỡng bò cái mang thai: Bò cái mang thai cần được ăn uống đầy đủ và vệ sinh sạch sẽ; không cho ăn thức ăn ôi mốc. Từ tháng thứ 5 trở đi cần tăng cường dinh dưỡng cho bò mẹ: mỗi ngày cho ăn  30-35kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1-2kg thức ăn tinh tùy theo thể trạng bò mẹ, bổ sung thêm muối khoáng dưới dạng tảng đá liếm để bò liếm tự do. Tránh không xua đuổi bò mạnh trong các tháng có chữa cuối, chú ý nhẹ nhàng trong tiêm phòng bệnh. Thời gian mang thai bò 280-285 ngày.

             Triệu chứng sắp đẻ của bò: Bò có hiện tượng sụt mông. Bầu vú căng, đầu nuốm vú chĩa về hai bên. Niêm dịch chảy ra treo lòng thòng ở mép âm hộ. Bò đau bụng, đứng lên nằm xuống, chân cào đất, ỉa đái nhiều lần, có cơn rặng mạnh, bọc ối thò ra ngoài mép âm hộ.

            Đở đẻ cho bò: Trong trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái bằng cách dùng tay kéo nhẹ thai ra ngoài.

Bình thường sau khi bò mẹ vỡ ối khoảng nửa giờ là đẻ, thời gian đẻ của bò từ 15-30 phút và sau khi đẻ tối đa 4-6 giờ là ra nhau, có con nhau ra sớm hơn. Nếu thời gian đẻ kéo dài và nhau ra chậm cần báo thú y can thiệp kịp thời.

            Khi bê đã được đẻ ra ngoài, cắt dây rốn dài khoảng 10-12cm, sát trùng bằng cồn i ốt 5%. Lau nhớt dãi trong mũi và mồm của bê, để bò mẹ tự liếm con. Nếu bò mẹ mệt không tự liếm được, phải dùng khăn lau khô bê. Bóc móng để bê con đỡ trơn trượt khi mới tập đi. Vệ sinh phần thân sau và bầu vú bò mẹ, cho bò mẹ uống nước ấm, thêm một ít muối, cám. Cho bê con bú và ghi sổ sách theo dõi bò bê.

            + Chăm sóc bò mẹ sau khi đẻ và nuôi con: Cho bò uống nước ấm có pha muối và thức ăn dễ tiêu. Theo dõi ra nhau, nếu sau đẻ khoảng 8 giờ nhau thai chưa ra hết phải gọi thú y đến can thiệp, tránh để nhau thối rữa gây nhiễm trùng tử cung.

            Trong những ngày đầu sau khi sinh cho bò mẹ ăn cháo (0,5- 1kg thức ăn tinh/con/ngày) và 30-40gam muối ăn, 30-40gam bột xương, cung cấp đủ cỏ non xanh tại chuồng.

            Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, mỗi ngày cho bò mẹ ăn 30kg cỏ tươi, 2-3 kg rơm, 2-3kg cám hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khoẻ, nhanh động dục lại để phối giống. Cung cấp đầy đủ nước sạch cho bò uống (30- 80 lít/con/ngày). Khoảng 2-3 tháng sau khi sinh bò mẹ sẽ động dục lại và ta cho phối giống lứa tiếp theo.     

5. Chăm sóc nuôi dưỡng bê lai

- Giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Sau khi đẻ cho bê bú sữa đầu càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi nuôi ở nhà với mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, lót chỗ cho bê nằm thật khô và sạch. Tẩy giun cho bê từ 15-20 ngày tuổi. Tập cho bê ăn sớm lúc 15 ngày tuổi bằng cỏ phơi héo, đến khi bê 20 ngày tuổi có thể cho ăn cỏ tươi, thức ăn tinh. Cho bê ăn thức ăn thô xanh thỏa mãn nhu cầu (khoảng 7-15kg/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 0,5% trọng lượng cơ thể ( khoảng 0,5-0,7kg)

- Giai đoạn từ 6 đến 15 tháng tuổi: Bê nuôi đến tháng thứ 6 là cai sữa và chuyển sang giai đoạn nuôi thịt. Cho bò ăn thức ăn thô thỏa mãn nhu cầu (khoảng 20-30kg thức ăn thô xanh và 2-3kg rơm/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 0,5-1% trọng lượng cơ thể (khoảng 1-1,5kg)

- Giai đoạn từ 15-18 tháng tuổi: Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước khi bán khoảng 2 -3 tháng cần phải vỗ béo bò bằng thức ăn thô xanh và thức ăn tinh. Cho ăn thức ăn thô thỏa mãn nhu cầu (khoảng 30-35kg thức ăn thô xanh và 2-2,5 kg rơm/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 1-1,5% trọng lượng cơ thể (khoảng 2,5-3kg)

Các công thức phối trộn thức ăn tinh để nuôi bò vỗ béo

Nguyên liệu

Công thức 1

Công thức 2

Công thức 3

Công thức 4

Bột sắn

85

65

44

70

Bột ngô

0

25

50

0

Cám gạo

0

0

0

   2

 

Khô dầu lạc (hoặc khô đậu tương, bột cá)

10

5

0

5

Urê

3

3

3

3

Muối

1

1

1

1

Bột xương

1

1

2

1

Tổng:

100

100

100

100

 
  • Lưu ý: Thức ăn có phối trộn Urê không được hòa vào nước, sẽ gây ngô độc cho bò. Không sử dụng Urê cho bò nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

6. Vệ sinh phòng bệnh cho bò:

            1. Vệ sinh chuồng trại và cơ thể bò:

            - Hàng ngày cần dọn phân cho vào hố phân ủ hoặc cho vào công trình khí sinh học, định kỳ 2 lần/tháng bơm thuốc sát trùng chuồng trại.

            - Thường xuyên tắm chải diệt ký sinh trùng ngoài da như ve, bét, ghẻ...

            2. Tiêm phòng bệnh: Tiêm phòng bằng vắc xin cho toàn đàn các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng định kỳ 6 tháng 1 lần.

Các tin khác
Xem tin theo ngày