Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.341.018
Truy câp hiện tại 3.665
Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh giống lúa HN6
Ngày cập nhật 20/10/2014

I. NGUỒN GỐC:
Giống lúa HN6  là giống lúa thuần do Công ty CP giống cây trồng và dịch vụ NN Hà Nam chọn tạo. Được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 28/QĐ-TT-CLT ngày 25 tháng 1 năm 2014 của Cục Trồng Trọt.

II. ĐẶC ĐIỂM GIỐNG:
- Thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân 110±5 ngày (gieo sạ), Vụ Hè Thu 100±5 ngày.
- Giống lúa HN6 có dạng khóm hơi gọn, đẻ nhánh khá, lá đứng, trỗ bông tập trung, hạt  dài, chất lượng cơm dẻo, ngon, vị đậm. Có khả năng thích ứng rộng, chống đổ khá, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá. Năng suất trung bình đạt từ 55 – 60 tạ/ha. thâm canh tốt có thể đạt 65-70 tạ/ha.
III. YÊU CẦU KỸ THUẬT:
1. Đất: Có thể bố trí trên  chân đất vàn, vàn cao.    
2.Thời vụ: Tại Thừa Thiên Huế, vụ Đông Xuân gieo sạ từ 20/1- 05/2; vụ Hè Thu gieo sạ từ 10-25/5.
3. Lượng giống gieo: 4-5kg/500m2
4. Ngâm ủ:
Ngâm: ngâm bằng nước sạch. Thời gian ngâm: nếu giống cách vụ thì ngâm 36-48 giờ, nếu giống liền vụ thì ngâm 48-60h, cứ 12 giờ thay nước rửa chua 1 lần. Khi hạt giống đã no nước cần đãi sạch, rửa chua để ráo nước mới đem ủ.
Ủ giống: trong quá trình ủ phải kiểm tra, nếu hạt thóc khô phải tưới thêm nước. Khi hạt giống đã nứt nanh, phải nhanh chóng đảo nhẹ, rải mỏng để hạ nhiệt độ chỉ còn khoảng 25oC. Khi hạt giống mầm và rễ ra đều, mầm bằng 1/3 rễ đem gieo là tốt nhất.
Chú ý: Không được dùng cả bao thóc giống để ngâm ủ.     
5. Bón phân, chăm sóc:
- Lượng phân bón cho 1 sào 500m2:
+ Phân chuồng 350-500 kg hoặc có thể dùng phân hữu cơ vi sinh 50kg;
+ Phân NPK (16:16:8): 20kg;
+ Phân đạm Urê: 3 kg;   
+ Kali: 4 kg;
+ Vôi: 20 kg.
-  Cách bón:
+  Bón lót:
Bón 100% vôi: trước khi cày trở;  
Bón toàn bộ phân chuồng hoặc hữu cơ sinh học và 8 kg NPK (trước bừa lần cuối).
+ Bón thúc:
Thúc 1: 12kg NPK  (Sau sạ 10-12 ngày khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh).
Thúc đòng: 2 kg Urê + 4 kg kali  (trước trổ 18 - 20 ngày)
Bổ sung sử dụng phân phức hợp Calciumnitrate hoặc DetaK vào giai đoạn trước trổ và sau trổ.
Kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lúa để quyết định điều chỉnh lượng phân và thời điểm bón cho thích hợp.
IV. CHẾ ĐỘ NƯỚC
Thường xuyên giữ ẩm ruộng để lúa mọc đều, sau đó nâng dần mực nước theo sự phát triển của lúa và giữ ở mức từ 2 - 4 cm. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu nên rút nước phơi ruộng từ 3 - 4 ngày, sau đó tưới nước bình thường và trước thu hoạch lúa 7-10 ngày thì rút nước phơi khô ruộng.     
V. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
- Áp dụng các biện pháp thâm canh hợp lý để lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh hại.
- Thời kỳ cây lúa còn non cần phát hiện bọ trĩ, sâu cuốn lá.
- Thời kỳ cây lúa đẻ nhánh rộ đến đòng - trỗ cần lưu ý đến bệnh đạo ôn.
- Thời kỳ cuối lưu ý các đối tượng như khô vằn, rầy các loại, đạo ôn cố bông...
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu, bệnh và phòng trừ kịp thời. Ngoài các đối tượng sâu bệnh thường gặp, cần lưu ý bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy các loại. Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế sự gây hại của dịch bệnh. Trong trường hợp sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ sâu, bệnh nhất thiết phải thực hiện 4 đúng.
 Chú ý:
- Đối với ruộng sạ cần tỉa dặm sớm, khi lúa được 3 lá.
- Sử dụng thuốc trừ cỏ kịp thời, theo đúng hướng dẫn cho từng loại thuốc.
 

Nguyễn Thanh Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày