Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 3.669
Hiệu quả cao từ mô hình quản lý tổ hỗ trợ sản xuất tại các Chi Hội nghề cá.
Ngày cập nhật 04/12/2014

Trong những năm qua, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thực hiện chức năng quản lý trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tham mưu, định hướng phát triển ngành thủy sản tỉnh nhà theo hướng đa dạng đối tượng nuôi, giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo nguồn thu nhập ổn định để cải thiện sinh kế ngư dân vùng đầm phá. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học nhằm tìm kiếm mô hình sản xuất, mô hình quản lý phù hợp trên địa bàn. Năm 2014, được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ giao thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình quản lý, nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Qua 8 tháng thực hiện Dự án, được sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, sự nỗ lực của Ban chủ nhiệm dự án, nhóm cộng tác và nhóm hộ thực hiện mô hình tại hai xã (xã Hải Dương, huyện Hương Trà và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) đã có những thành công bước đầu được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.

Dự án đã thành lập hai tổ cộng đồng sản xuất của hai Chi Hội nghề cá (tổ nuôi cá lồng Đan Mạch xã Hải Dương và tổ nuôi cá lồng Đan Mạch xã Lộc Bình), xây dựng và thực hiện quy chế vào thực tế sản xuất có hiệu quả. Đã nâng cao tính cộng đồng, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát huy được vai trò của mỗi cá nhân tham gia. Đây là tiền đề để hình thành các tổ cùng hỗ trợ sản xuất ở những lĩnh vực khác, là mô hình cần được học tập và nhân rộng.

Song song  với việc hình thành tổ hỗ trợ sản xuất, Dự án triển khai mô hình nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển Thừa Thiên Huế, Nhóm thực hiện Dự án đã chọn hai địa điểm là xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc), hai địa điểm này có đầy đủ điều kiện cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đề ra. Đã xây dựng quy trình nuôi ghép cá Hồng Mỹ, cá Chim trắng vây vàng và cá Dìa trong cùng một lồng, nhằm mục đích sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn, tạo môi trường thông thoáng cho lồng nuôi. Bên cạnh đó sử dụng 50% công nghiệp và 50% thức ăn tươi (cá tạp) để giảm bớt sự phụ thuộc vào thức ăn tươi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cục bộ vùng nuôi do sử dụng thức ăn tươi gây ra.

Kết quả thu hoạch được sau 8 tháng nuôi, cá Hồng Mỹ có trọng lượng trung bình 1-1,2kg/con, tỷ lệ sống 80%, tốc độ tăng trưởng bình quân 120 – 135g/con/tháng; cá Chim trắng vây vàng có trọng lượng trung bình 0,5kg/con, tỷ lệ sống 72%, cá Dìa có trọng lượng trung bình 0,42kg/con. Với giá bán 95.000đ/kg cá Hồng Mỹ, 130.000 - 140.000 đ/kg cá Chim trắng, 165.000 đ/kg cá Dìa. Sau khi trừ các khoảng chi phí hai tổ sản xuất đã thu lãi khá cao (tổ nuôi cá lồng Đan Mạch Hải Dương lãi 179 triệu, tổ nuôi cá lồng Đan Mạch Lộc Bình lãi 161 triệu).

Đánh giá bước đầu cho thấy, Nhóm thực hiện Dự án đã truyền tải đến nhóm hộ thực hiện cũng như người dân quanh vùng hưởng lợi quy trình kỹ thuật nuôi mới, đối tượng mới và đã được chính quyền địa phương cũng như người dân đánh giá cao. Góp phần đa dạng đối tượng nuôi, hình thức nuôi và một thành công quan trọng là thông qua thực hiện nội dung của Dự án đã giúp nhóm hộ nuôi xây dựng được Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm của các thành viên một cách hiệu quả, nâng cao tính cộng đồng.

Qua đây cho thấy cá Hồng Mỹ thích nghi tốt với điều kiện nuôi của vùng, không xảy ra dịch bệnh, tốc độ phát triển nhanh hơn các đối tượng khác nuôi tại địa phương (cá Mú, cá Hồng bạc, cá Vẫu…). Là đối tượng bước đầu nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân trong vùng rất quan tâm và có hưởng phát triển trong những năm đến. Đối với cá Chim trắng và cá Dìa được xem là hai đối tượng nuôi phụ nhằm sử dụng thức ăn cở nhỏ của cá Hồng Mỹ và vệ sinh lồng nuôi thông thoáng, nhưng với kết quả trên cho thấy đây là những đối tượng có khả năng nuôi ghép tốt. Thay đổi tập quán sản xuất của người dân trong vùng, từ việc nuôi chuyên một đối tượng sang nuôi nhiều đối tượng trong cùng một lồng, sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn, nhân công, thay đổi thiết kế lồng từ kết cấu đơn giản (thủ công, thể tích nhỏ) sang hướng chắt chắn, lớn hơn có khả năng chống chịu với gió bão.

Với những thành công mô hình mang lại đã giúp cho việc định hướng ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, được chính quyền địa phương cũng như người dân quan tâm phát triển. Đây là mô hình có khả năng nhân rộng cao ở những vùng có phong trào nuôi cá lồng nước lợ mặn phát triển, sử dụng lồng nuôi có kết cấu tương tự lồng Đan Mạch nhưng thể tích có thể nhỏ hơn (60-100m3/lồng) để dễ thao tác các kỹ thuật nuôi./.

 

Người viết

    Kỹ sư Lê Thành Nhật – Chi cục Nuôi trồng Thủy sản

Các tin khác
Xem tin theo ngày