Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.308.561
Truy câp hiện tại 7.638
Tình hình nuôi hàu ở đầm Lập An, Thị trấn Lăng Cô huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 29/04/2016

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều báo chí, truyền hình đưa tin phản ảnh việc nuôi Hàu bằng lốp xe cũ làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh; lốp xe cũ ngâm lâu ngày dưới nước tạo ra lưu huỳnh và một số độc tố, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, có thể gây ra bệnh ung thư. Ngoài ra, việc chất lốp xe trên vĩa hè, ven đầm sau khi thu hoạch làm mất cảnh quan, hình ảnh đẹp của khu vực đầm đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc kiểm tra vấn đề các báo nêu việc nuôi Hàu bằng lốp xe cũ tại đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kính báo cáo như sau:

1. Thực trạng nuôi Hàu ở đầm Lăng Cô

 Đầm Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, cách trung tâm huyện 30km về phía Đông Nam theo quốc lộ 1A, có cửa nằm sát phía Bắc đèo Hải Vân; mặt nước rộng 3,5 km, dài 06 km, diện tích 1.600 ha, sâu trung bình 1,5 m, sâu nhất trên 3 m, trao đổi nước với biển rất tốt nhờ thủy triều. Có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng sinh học về hệ sinh thái, gen và thành phần loài động thực vật tự nhiên.  

Hiện nay, hoạt động thủy sản trên đầm chủ yếu nuôi trồng thủy sản như nuôi cá lồng bè, cắm cọc nuôi Hàu, Vẹm xanh; khai thác thủy sản như lưới bén, lừ xếp, rớ giàn, đáy.

Nuôi Hàu ở đầm Lăng Cô bắt đầu từ năm 2004, ban đầu nuôi bằng cọc xi măng, đến nay có nhiều hình thức nuôi như nuôi bằng dây, giàn, cọc tre/gỗ, cọc xi măng, và chủ yếu nuôi bằng cách sử dụng lốp xe cao su cũ.

Hàu[1] là đối tượng ăn lọc trong nước (tảo, các chất lơ lững), có khả năng làm sạch môi trường; với hình thức nuôi bằng lốp xe, người nuôi dùng giá thể (lốp xe) để ấu trùng Hàu đến mùa sinh sản trôi vào đầm, bám vào giá thể, sống và phát triển suốt vòng đời ở một vị trí cố định; đây là cách nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, thu hoạch dễ dàng.  

Hiện nay, nuôi Hàu ở đầm Lăng Cô tập trung chủ yếu ở 05 thôn: Lập An, An Cư Tân, Loan Lý, Hói Dừa, An Cư Tây. Năm 2016, diện tích nuôi 119ha/224 hộ (trước năm 2012, 239 ha/224 hộ) với hơn 01 triệu lốp xe cao su treo trên khoảng 150.000 cọc tre và bê tông. Sản lượng hàng năm khoảng 400 tấn/năm, trung bình mỗi hộ thu được từ 80-120  triệu đồng/năm (doanh thu), chủ yếu cung cấp cho các Nhà hàng ở Lăng Cô, trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Trước đây, tình trạng nuôi Hàu và các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác xung quanh khu vực đầm Lăng Cô phát triển ồ ạt và tự phát, đặc biệt là nuôi Hàu bằng lốp xe, sau thu hoạch lốp xe chất bừa bãi trên đường và khu vực ven đầm làm mất mỹ quan, môi trường, ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch.

Năm 2012, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành phương án tháo dỡ và sắp xếp lại nuôi Hàu khu vực đầm Lăng Cô theo hướng giảm diện tích; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, bất cập trong việc thực hiện và ý thức chấp hành của người nuôi như: vẫn nuôi tự phát, mở rộng diện tích, mật độ cao, có nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi về lâu dài.

2. Kết quả phân tích

Sau khi có thông tin Báo Tuổi trẻ Thủ đô (điện tử) đưa tin về vấn đề “Nuôi Hàu bằng lốp xe: trả giá bằng căn bệnh ung thư ?”, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc kiểm tra và giao Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Sản và Thủy sản lấy mẫu nước và mẫu Hàu để phân tích, kết quả như sau:

2.1. Phân tích chỉ tiêu môi trường nước (ngày 15/4)

Chỉ tiêu môi trường nước như: pH, độ kiềm, NH3, NO3, PO4, H2S, Oxy hòa tan, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp để các đối tượng nuôi nước lợ, mặn sống và phát triển tốt.

2.2. Phân tích chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng (ngày 15 và 22/4)

Kết quả phân tích ban đầu các chỉ tiêu trên mẫu Hàu tại đầm Lăng Cô và một số khu vực đối chứng trên địa bàn tỉnh của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế như sau: 

Stt

Tên chỉ tiêu

Đvt

Kết quả mẫu

Giới hạn cho phép

Đầm Lăng Cô

Đầm Cầu Hai

xã Lộc Bình

Đầm Tam Giang

xã Phú Diên -

1

Hàm lượng Lưu huỳnh

mg/kg

28,1

10,14

13,0

100

2

Phenol

µg/ml

KPH(<1,0.10-3)

KPH(<1,0.10-3)

KPH(<1,0.10-3)

5 µg/ml

3

Định tính Formaldehyd

 

Âm tính

Âm tính

Âm tính

Âm tính

4

Hàm lượng Cadimi (Cd)

mg/kg

0,61

0,57

0,56

2

5

Hàm lượng Chì (Pb)

mg/kg

0,15

0,08

0,14

 1,5

Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng lưu huỳnh giới hạn cho phép 100 mg/kg; Thông tư số 02/2011/TT-BYT ngày 13/11/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm hóa học trong thực phẩm, hàm lượng Cadimi giới hạn cho phép 2 mg/kg, hàm lượng chì giới hạn cho phép 1,5 mg/kg; Thông tư 34/2012/TT-BYT ngày 30/08/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, Phenol 5 µg/ml và Formaldehyd âm tính, nằm trong giới hạn cho phép.

Kết quả phân tích các chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng ở bảng tổng hợp cho thấy: Hàu nuôi bằng lốp xe ở đầm Lăng Cô có các chỉ tiêu lý hóa, kim loại nặng cao hơn so với Hàu nuôi 2 điểm ở đầm Tam Giang, Cầu Hai; tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Đánh giá ban đầu

Như vậy, việc nuôi Hàu bằng lốp xe thì chất lượng Hàu vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho phép; tuy nhiên việc nuôi hàu bằng giá thể lốp xe ở vùng nước nông và nhỏ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nước, làm mất đi hình ảnh đẹp trong mắt du khách, cảnh quan môi trường xung quanh vịnh Lăng Cô.

Do đó, cần phải có sự theo dõi, phân tích môi trường thường xuyên trong khu vực các chỉ tiêu do ảnh hưởng của lốp cao su. Ngoài ra, cần có kế hoạch lấy mẫu định kỳ phân tích chất lượng thịt Hàu tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm để tiếp tục khẳng định chất lượng thịt Hàu nuôi bằng lốp cao su trong đầm Lăng Cô; đồng thời chuyển đổi nghề nuôi Hàu bằng lốp xe sang nuôi bằng cọc, giàn, bè.

3. Các giải pháp trong thời gian đến

- Tuyên truyền, thông tin đến người dân và du khách biết nuôi Hàu bằng giá thể lốp xe đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

- Quy hoạch thủy sản đầm Lăng Cô theo hướng đa mục tiêu, vừa phát triển thủy sản, bảo tồn nguồn lợi và đa dang sinh học gắn với du lịch và cảnh quan thiên nhiên.

Đây là khu vực được xếp vào vịnh đẹp của thế giới, vị trí địa lý và môi trường phù hợp để phát triển nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản, dịch vụ và du lịch. Vì vậy, cần có quy hoạch chi tiết đa mục tiêu trong khu vực đầm Lăng Cô hướng đến khai thác, nuôi trồng một cách bền vững, nâng cao hơn thu nhập, làm tăng giá trị vẻ đẹp cảnh quan trong khu vực, phát triển kinh tế ổn định cho người dân trong vùng.

- Tuyên truyền hướng dẫn người dân chuyển đổi hình thức nuôi, tổ chức sắp xếp nuôi Hàu dựa vào cộng đồng theo phương thức phù hợp như nuôi bằng cọc tre hoặc gỗ; nuôi bằng giàn; bè,... Tổ chức cho người dân học tập nuôi Hàu tại một số vùng nuôi lân cận của địa phương và các tỉnh khác để áp dụng thay đổi theo phương thức phù hợp. Xây dựng các quy định, quy chế nuôi Hàu tại vùng đầm Lăng Cô và có sự quản lý dựa vào cộng đồng.

- Xây dựng kế hoạch giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhuyển thể hai mảnh vỏ (Thông tư 33/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

5. Kiến nghị

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như sau:

Giao Tổng cục thủy sản xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia, quy trình kỹ thuật nuôi đối với đối tượng này; hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình nuôi hàu bền vững và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhuyển thể hai mảnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

Chỉ đạo các đơn vị truyền thông, thông tin Hàu nuôi bằng lốp xe có các chỉ tiêu lý hóa, kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ưu tiên phân bổ kinh phí cho việc xây dựng mô hình chuyển đổi nghề nuôi Hàu theo phương thức bền vững và bảo tồn nguồn lợi; thực hiện kế hoạch giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhuyển thể hai mảnh vỏ.

Chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc quy hoạch chi tiết đầm Lập An làm cơ sở để phát triển nuôi trồng, khai thác một cách bền vững; ưu tiên bố trí kinh phí để UBND huyện Phú Lộc triển khai phương án sắp xếp lại nghề nuôi Hàu.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT theo dõi môi trường nước biển vùng ven bờ, xác định hàm lượng các hợp chất phân hủy ra môi trường nước, các độc tố từ lốp cao su.

 

 

Tập tin đính kèm:
Chi cục Thủy sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày